Từ ngày 1-6, nông dân, hộ sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có thể được vay tín chấp (không có tài sản thế chấp) tối đa đến 50 triệu đồng, gấp 5 lần so với mức hiện nay.
Từ 1-6, nông dân được vay tín chấp của ngân hàng đến 50 triệu đồng
Riêng với hộ sản xuất, ngành nghề mức vay tín chấp đến 200 triệu đồng. Hợp tác xã, chủ trang trại có thể vay tối đa không tài sản bảo đảm lên tới 500 triệu đồng.
Tuy nhiên, nông dân vay vốn phải nộp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc phải có giấy xác nhận của UBND cấp xã là chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đất không có tranh chấp.
Đây là một trong những nội dung sửa đổi nghị định 41 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành nhằm giúp nông dân, hợp tác xã, hộ sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có thể tiếp cận vốn nhiều hơn, điều kiện thông thoáng hơn.
Theo Ngân hàng Nhà nước, quy định về mức cho vay tín chấp hiện tại đã ban hành cách đây 10 năm nay không còn phù hợp. Hạn mức cho vay với hợp tác xã và chủ trang trại nếu chỉ giới hạn ở mức từ 30-50 triệu đồng như hiện nay cũng không đủ khuyến khích các tổ chức kinh tế này mở rộng làm ăn, tạo thêm công ăn việc làm cho lao động nông thôn.
Việc nâng hạn mức cho vay với nông dân theo mặt bằng vật giá hiện nay giúp nông dân tiếp cận nhiều hơn với nguồn vốn tín dụng ngân hàng để phát triển sản xuất kinh doanh.
Theo quy định mới, trường hợp nông dân vay vốn có tài sản thế chấp cũng không phải trả phí đăng ký giao dịch đảm bảo. Quy chế này nhằm khuyến khích nông dân vay vốn đảm bảo bằng tài sản khi có nhu cầu vay vốn cao hơn hạn mức cho vay tín chấp tối đa, đồng thời giảm rủi ro cho các ngân hàng thương mại.
Thời gian qua dù tín dụng nông nghiệp tăng qua các năm nhưng nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu vay vốn sản xuất của nông dân. Nghị định này cũng bổ sung các chính sách để nông dân dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ngân hàng thông qua việc đơn giản hóa thủ tục, giảm bớt những điều kiện cứng nhắc trước đây, bổ sung chính sách hỗ trợ khi nông dân gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan hoặc bất khả kháng.
Về thời hạn cho vay, căn cứ vào thời gian luân chuyển vốn, khả năng hoàn vốn của dự án, phương án sản xuất kinh doanh của khách hàng, ngân hàng và khách hàng thỏa thuận thời hạn vay vốn phù hợp.
Trường hợp khách hàng chưa trả được nợ đúng hạn do nguyên nhân khách quan (thiên tai, dịch bệnh...), ngân hàng được xem xét cơ cấu lại thời hạn nợ cho khách hàng theo quy định hiện hành, đồng thời căn cứ dự án, phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả, có khả năng trả được nợ của khách hàng để xem xét cho vay mới mà không phụ thuộc vào dư nợ cũ của khách hàng chưa trả nợ đúng hạn.
(THEO TUỔI TRẺ)