Thời gian gần đây, các đối tượng tội phạm đã gây ra nhiều vụ cướp tiền tại các ngân hàng. Vì vậy, việc tăng cường tuyên truyền, chủ động các giải pháp phòng ngừa là hết sức cần thiết. Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Võ Đình Phong, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) - Chi nhánh Bình Dương.
- Ông đánh giá như thế nào về công tác bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động của ngân hàng trong thời gian qua?
- Hoạt động ngân hàng mang tính đặc thù, kinh doanh về tiền tệ và dịch vụ. Vì vậy, yêu cầu về bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động luôn được NHNN Việt Nam đặc biệt lưu ý và đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để quy định các điều kiện, tiêu chuẩn về an toàn nhằm điều chỉnh, quản lý và giám sát chặt chẽ. Theo đó, việc bảo đảm an ninh, an toàn cho hoạt động ngân hàng là một công tác liên tục, đòi hỏi sự chú ý và tập trung cao độ. Thời gian qua, công tác bảo đảm an ninh, an toàn cho hoạt động tại các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh vẫn luôn được NHNN - Chi nhánh Bình Dương và chính các TCTD rất quan tâm, chú trọng. Nhờ vậy, hoạt động ngân hàng trên địa bàn Bình Dương tương đối an toàn, ổn định. Mặc dù thời gian gần đây trên địa bàn có xảy ra những vụ cướp tiền tại các ngân hàng, tuy nhiên nhờ sự cảnh giác cao độ của bảo vệ, nhân viên, sự hỗ trợ của người dân, đặc biệt sự hỗ trợ của cơ quan công an, thủ phạm đã nhanh chóng bị khống chế.
- Khó khăn, thách thức đối với công tác bảo đảm an ninh, an toàn cho hoạt động ngân hàng hiện nay là gì, thưa ông?
- Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo đảm an ninh, an toàn cho hoạt động ngân hàng trong tình hình hiện nay cũng gặp một số khó khăn, thách thức. Tình hình kinh tế khó khăn, tỷ lệ thất nghiệp tăng, tình trạng vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội như trộm cắp, cướp giật... cũng có thể gia tăng do nhu cầu tìm cách kiếm tiền của những đối tượng này. Các đối tượng cướp giật ngày càng manh động và liều lĩnh, đe dọa hoặc sử dụng vũ khí quân dụng, hung khí, sẵn sàng chống trả để cướp tiền cho bằng được hoặc chạy trốn.
Để bảo đảm an toàn trong giao dịch, ngân hàng khuyến cáo người dân cần ưu tiên thanh toán không dùng tiền mặt
So với trước đây, công tác bảo vệ ngân hàng đã có sự chú trọng hơn, tuy nhiên với tính chất của loại tội phạm cướp tiền ngân hàng vẫn còn nhiều TCTD chưa đáp ứng được yêu cầu. Một số ngân hàng có số lượng nhân viên bảo vệ ít và kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ, không bố trí bảo vệ bên trong và ngoài cửa giao dịch để bảo đảm phát hiện vụ việc ngay lập tức và có phương án để đối phó. Bên cạnh đó, nhân viên ngân hàng chưa được cập nhật thường xuyên và còn thiếu nhiều kỹ năng để xử lý những tình huống, hành vi cướp tài sản, chưa nghiên cứu về phương thức, thủ đoạn của các đối tượng phạm tội.
- Thời gian tới, các TCTD cần tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn như thế nào?
- Thời gian tới, các TCTD cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ chung, trong đó điều quan trọng nhất là mỗi ngân hàng cần đầu tư hệ thống an ninh bảo đảm, đặc biệt là hệ thống camera, báo động và phát tín hiệu cần được trang bị đầy đủ, hiện đại; thường xuyên bảo trì, bảo dưỡng, kiểm tra, nâng cấp bảo đảm các thiết bị, hệ thống an ninh hoạt động tốt. Con người cũng là yếu tố rất quan trọng, mỗi ngân hàng cần thuê các đơn vị bảo vệ chuyên nghiệp hoặc xây dựng đội ngũ nhân viên bảo vệ đủ về số lượng, có sức khỏe, nhanh nhạy, bố trí bảo vệ bên trong và bên ngoài cửa giao dịch, không được rời vị trí trực và thực hiện đúng các quy định trong khi thực thi nhiệm vụ. Kiểm soát, giám sát được tình huống để bảo đảm cho việc nhân viên bảo vệ là người phát hiện vụ việc ngay lập tức và có phương án để đối phó. Một số chi nhánh TCTD cần trang bị vũ khí được pháp luật cho phép sử dụng để đội ngũ nhân viên bảo vệ có khả năng phòng vệ, ngăn chặn các vụ cướp.
Ngoài việc chủ động phòng chống, tăng cường bảo vệ tại chỗ, các ngân hàng cũng cần phối hợp với lực lượng chức năng thường xuyên đào tạo, tập huấn cho nhân viên kỹ năng cần thiết để đối phó với các vụ cướp. Bên cạnh đó là cần chủ động phối hợp với chính quyền cơ sở, công an nơi đặt trụ sở để xây dựng phương án bảo vệ, các phương án chống đột nhập, cướp có thể xảy ra.
- Ông có lời khuyên gì cho người dân nhằm nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động phòng ngừa rủi ro?
- Nhằm nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động phòng ngừa rủi ro, góp phần bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng và cho cả chính mình, người dân cần tăng cường sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt. Khi đến giao dịch, người dân cần tuân thủ các hướng dẫn, cảnh báo của ngân hàng về việc bảo đảm an toàn, nâng cao tinh thần cảnh giác khi kết thúc một phiên giao dịch. Một điều quan trọng khác, khi phát hiện bất kỳ dấu hiệu lạ, nghi ngờ, người dân hãy thông báo với lực lượng bảo vệ ngân hàng và công an để theo dõi. Người dân cần giữ bình tĩnh khi gặp tình huống kẻ cướp có súng hoặc vũ khí nguy hiểm, chờ thời cơ thuận tiện để phối hợp hành động cùng các lực lượng chức năng nhằm bảo đảm an toàn cho mình cũng như những người xung quanh.
- Xin cảm ơn ông!
THANH HỒNG (thực hiện)