Tăng cường các biện pháp phòng chống cháy rừng
Do ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng kéo dài, tại nhiều địa phương trong nước đã xảy ra cháy rừng nghiêm trọng. Dự báo tình hình khô hạn sẽ tiếp tục trong tháng tới, vì vậy công tác phòng chống cháy rừng (PCCR) đang là vấn đề đặt ra đối với các cơ quan chức năng trong tỉnh.
Các lực lượng chức năng của tỉnh diễn tập PCCR
Bình Dương có tổng diện tích trên 10.000 ha đất rừng và đất lâm nghiệp, trong đó rừng tự nhiên chiếm khoảng 1.140 ha; rừng trồng trên 8.100 ha còn lại là đất chưa có rừng. Diện tích đất rừng không tập trung mà phân bố rải rác trên các địa bàn như Phú Giáo, Dầu Tiếng, Tân Uyên. Rừng ở Bình Dương chủ yếu là rừng tái sinh, rừng trồng mới, cây gỗ còn nhỏ, độ che phủ chưa lớn nên vào mùa mưa cỏ dại phát triển nhiều, đến mùa khô trở thành vật liệu dễ cháy và là một trong những nhân tố dẫn đến cháy rừng.Theo Phó Chi cục Kiểm lâm Bình Dương Võ Thành Long, trong số diện tích rừng hiện nay, nguy cơ cháy có thể xảy ra tập trung ở khu vực rừng phòng hộ. Do vậy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm ngặt các phương án PCCR tại khu vực rừng phòng hộ Núi Cậu, Dầu Tiếng với diện tích hơn 4.000 ha. Đây là khu vực xung yếu vì địa hình bị chia cắt nhiều bởi đồi núi. Hiện trạng rừng nơi đây chủ yếu vẫn là rừng non tái sinh xen lẫn rừng khộp, thảm thực vật và trúc lá, cỏ mỹ. Dự án phát triển khu du lịch sinh thái Núi Cậu cùng với ngôi chùa cổ Thái Sơn (Núi Cậu), hàng năm nơi đây thu hút một lượng khách hành hương khá đông về tham quan, chiêm bái. Bên cạnh đó, một số hộ dân di cư sống xen kẽ trong khu vực này, mưu sinh chủ yếu bằng nghề săn bắn, làm rẫy, rà sắt... cũng gây không ít quan ngại cho công tác PCCR. Do vậy, hiện Chi cục Kiểm lâm đã thiết lập 26 ha đường băng cản lửa, bao gồm đường băng trắng và đường băng xanh; phát đốt và dọn hơn 3 ha những nơi trọng điểm dễ cháy và làm hơn 12km đường lô rừng trồng.
UBND tỉnh vừa có văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai thực hiện một số biện pháp cấp bách chống hạn, bảo đảm sản xuất nông nghiệp và PCCR. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hoàng Sơn yêu cầu UBND các huyện, thị và cơ quan chức năng thực hiện tốt trách nhiệm quản lý Nhà nước về công tác PCCR; chính quyền cấp xã, ấp tăng cường quản lý các hoạt động canh tác nương rẫy, nghiêm cấm dùng lửa trong các khu vực trọng điểm, có nguy cơ cháy rừng cao... Nếu để xảy ra cháy rừng tại địa phươngg nào trách nhiệm thuộc về chủ tịch UBND địa phương đó, trước hết là chính quyền cấp xã. Các cơ quan, đơn vị tích cực tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước về PCCR, đồng thời theo dõi chặt chẽ diễn biến trong thời kỳ khô hanh và tổ chức lực lượng thường xuyên tuần tra, canh gác bảo đảm PCCR hiệu quả.
Tại khu vực Lâm trường Phú Bình (Phú Giáo), ông Nguyễn Tấn Bình, Giám đốc Lâm trường cho biết hiện các phương án PCCR đã được triển khai thực hiện một cách quyết liệt. Trao đổi với chúng tôi, ông Đoàn Văn Tràng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết ngoài lực lượng ứng trực 24/24 giờ, các đơn vị còn phối hợp với lực lượng dân quân tự vệ và các cơ quan, ban ngành ở các địa phương có rừng để tổ chức các đội xung kích làm nòng cốt cho lực lượng PCCR; các đơn vị chủ rừng thường xuyên kiểm tra diện tích rừng trên địa bàn quản lý, tổ chức diễn tập và huấn luyện phương pháp chữa cháy rừng. Song song đó, công tác tuyên truyền giáo dục PCCR cũng được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức, tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân.Đã nhiều năm nay Bình Dương không để xảy ra cháy rừng, tuy nhiên không vì thế mà chủ quan. Phương châm của công tác PCCR là “phòng cháy là chính, chữa cháy khẩn trương, tích cực, hiệu quả cao”; mặc dù có phương án phòng cháy tốt nhưng trong thực tế ở nhiều nơi trên toàn quốc vẫn xảy ra cháy rừng, có nơi cháy với quy mô lớn như ở Lào Cai vừa qua. Muốn chữa cháy tốt phải chuẩn bị tốt về lực lượng, phương tiện, dụng cụ PCCR.
TÂM THƯ