Tăng cường các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh
(BDO) Sáng qua (5-4), UBND tỉnh Bình Dương phối hợp cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham Vietnam) và Liên minh Tạo thuận lợi Thương mại Việt Nam (VTFA) đã tổ chức Hội nghị Phối hợp hành động tạo thuận lợi thương mại, với mong muốn tăng cường các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh nhằm thúc đẩy hoạt động thương mại đầu tư tại Bình Dương. Tham dự hội nghị có ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI; ông Herbert Cochran, Giám đốc điều hành AmCham Vietnam tại TP.Hồ Chí Minh.
Các FTA tác động mạnh
Với việc Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đã được thành lập cùng nhiều hiệp định tự do thương mại khác mà Việt Nam tham gia, năm 2016 được đánh giá là năm nước ta hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới. Đi kèm với những cơ hội mà tiến trình hội nhập mang lại là những thách thức không nhỏ đối với cộng đồng doanh nghiệp (DN). Vì vậy, việc tạo thuận lợi thương mại được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Chính phủ, chính quyền địa phương, các cơ quan, ban ngành, hiệp hội và tổ chức đại diện cộng đồng DN. Đối với tỉnh Bình Dương hiện đang có hơn 20.000 DN đóng trên địa bàn, do đó các hoạt động tạo thuận lợi thương mại càng trở nên cần thiết và phải được đẩy mạnh hơn nữa. Tại Hội nghị Phối hợp hành động tạo thuận lợi thương mại hôm qua, đã đánh giá những tác động của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) trên các lĩnh vực thương mại và đầu tư, cùng những khuyến nghị để phát triển cho địa phương.
Quang cảnh Hội nghị Phối hợp hành động tạo thuận lợi thương mại.
Ảnh: PHƯƠNG LÊ
Theo ông Nestor Scherbey, Cố vấn cao cấp VTFA, Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có tác động lớn đến thu hút đầu tư. Hoạt động thương mại của thế kỷ XXI đòi hỏi các chuỗi cung ứng toàn cầu tích hợp để lưu chuyển hàng hóa trung gian và hàng thành phẩm đi khắp nơi trên thế giới. Ông Nestor Scherbey cho biết, nhiều công ty đa quốc gia nhập khẩu nguyên vật liệu và hàng hóa trung gian để sản xuất hàng thành phẩm cho xuất khẩu. Quy tắc xuất xứ (ROO) của các FTA mở ra cơ hội đầu tư mới cho các công ty đa quốc gia này cũng như cho các nhà cung ứng của họ tại Việt Nam. Quy tắc này cũng đem đến cơ hội cho DN Việt Nam để trở thành nhà cung ứng của các DN đầu tư nước ngoài (FDI) cũng như công ty quốc tế khác trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Cụ thể, để đáp ứng quy tắc xuất xứ của TPP và EVFTA, các DN sẽ cần đầu tư mới vào hoạt động sản xuất nguyên vật liệu và hàng hóa trung gian tại Việt Nam để có thể đáp ứng điều kiện cụ thể về hàng thành phẩm trong TPP và châu Âu.
Ông Nestor Scherbey cho rằng, dựa trên Quy tắc xuất xứ chung và cụ thể của 2 hiệp định nói trên và những phụ lục kèm theo, các DN có thể xác định được lộ trình phù hợp nhất cho những hoạt động đầu tư mới ở Việt Nam, cũng như đưa ra kế hoạch chiến lược về sản xuất hàng hóa xuất khẩu ở Việt Nam để có thể đáp ứng điều kiện nhận được ưu đãi.
Tạo thuận lợi thương mại
Tại hội nghị, các đại biểu đã phân tích và thảo luận về những thách thức của TPP và EVFTA mang đến, như làm sao một sản phẩm hoặc hàng hóa có thể được thiết kế và sản xuất theo cách để “sẵn sàng cho cả TPP” và “sẵn sàng cho cả EVFTA”, hay liệu có thể làm cho sản phẩm hoặc hàng hóa đó cũng đạt đủ điều kiện nhận được ưu đãi trong các hiệp định thương mại khác... Giải quyết vấn đề này, theo ông Nestor Scherbey, bằng cách tính đến những nguyên liệu và thành phần có xuất xứ ở giai đoạn thiết kế hàng hóa mới, chuyển sang các nguyên liệu và thành phần có xuất xứ để sản xuất hàng hóa hiện tại. Những quy trình làm việc và sản xuất được áp dụng hiện nay ở Việt Nam cũng là một yếu tố quan trọng trong việc xác định tính hợp lệ của hàng hóa. DN cần hiểu và áp dụng chính xác những quy tắc xuất xứ hết sức phức tạp và kỹ thuật cũng như những trường hợp ngoại lệ quy định trong các hiệp định này.
Ông Nestor Scherbey cũng khuyến nghị, cùng với sự hỗ trợ của chuyên gia kỹ thuật, các DN cần nghiên cứu kỹ những quy tắc này và áp dụng cho sản phẩm hoặc hàng hóa xuất khẩu của DN. Bên cạnh đó, các cơ quan chính phủ, DN và thương nhân cần đầu tư đáng kể thời gian, nỗ lực và chuyên môn để có thể thực hiện thành công và tận dụng lợi ích từ TPP và EVFTA và các hiệp định thương mại tự do khác. Để đạt được mức thuế ưu đãi tốt nhất cho hàng hóa từ những hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia, các DN sẽ cần thực hiện phân tích từng sản phẩm, quy trình sản xuất và nguyên liệu để xác định tình trạng của hàng hóa theo quy tắc cụ thể của từng hiệp định. Đối với chính quyền tỉnh, cần tài trợ và tổ chức nhiều hội thảo đào tạo và định hướng cho DN về những gì họ cần nắm và cần biết khi gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo ông Nguyễn Minh Tâm, Phó cục trưởng Cục Thuế của tỉnh, năm 2016, cục tiếp tục triển khai các nghị định của Chính phủ, thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính để các DN kịp thời nắm bắt và thực thi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; đồng thời xây dựng, củng cố và nâng cao chất lượng hệ thống trang thông tin điện tử của ngành thuế. Bên cạnh đó, ngành cũng tiếp tục triển khai dịch vụ nộp thuế qua mạng và kết nối trao đổi thông tin; đẩy mạnh việc triển khai nộp thuế điện tử… để tham mưu, báo cáo Tổng cục Thuế và đề xuất sửa đổi, bổ sung những cơ chế chính sách liên quan cho phù hợp.
Tại hội nghị, đại diện Sở Công thương cho biết, trong những năm qua, sở đã triển khai nhiều chương trình hoạt động để hỗ trợ sự phát triển sản xuất, kinh doanh của các DN nhỏ và vừa. Riêng trong năm 2016, sở tiếp tục triển khai và mở rộng các hoạt động để hỗ trợ cho DN nhỏ và vừa phát triển sản phẩm tiêu biểu, ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại, sử dụng sản xuất sạch hơn và nâng cao năng lực hội nhập kinh tế quốc tế.
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, thông qua hội nghị này, hy vọng các chuyên gia đến từ VCCI và VTFA sẽ cung cấp thông tin và đưa ra được những giải pháp, chương tình phối hợp cụ thể và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn hiện nay. Từ đó nhằm tạo điều kiện thuận lợi tốt nhất cho các nhà đầu tư đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh; đồng thời giúp Bình Dương phát huy lợi thế và tiềm năng kinh tế hiện có của tỉnh nhà, góp phần vào công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế bền vững.
Phát biểu tại hội nghị, ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI, Giám đốc VCCI tại TP.Hồ Chí Minh đã bày tỏ tin tưởng những nội dung của hội nghị sẽ đem đến cái nhìn toàn diện về những cơ hội và thách thức của hội nhập kinh tế quốc tế, về môi trường kinh doanh hiện tại của địa phương và tầm quan trọng của tạo thuận lợi thương mại về dài hạn. Ông nhấn mạnh, cùng với những chia sẻ của VCCI và VTFA, các đề xuất và góp ý thẳng thắn từ đại diện các hiệp hội và DN trong phần thảo luận về cùng một kế hoạch phối hợp hành động cụ thể và rõ ràng sẽ được hình thành nhằm triển khai các chương trình hỗ trợ DN hiệu quả và sâu sát hơn. Chương trình ngày hôm nay sẽ đặt dấu mốc cho sự hợp tác chặt chẽ giữa chính quyền địa phương và VCCI, VTFA để cùng lên kế hoạch và hành động tạo thuận lợi thương mại cho DN trong năm 2016 và các năm tiếp theo.
PHƯƠNG LÊ