Tăng cường các giải pháp chống ngập

Cập nhật: 18-07-2014 | 00:00:00

Sau những cơn mưa đầu mùa, Bình Dương vẫn còn nhiều điểm ngập. Tình trạng ngập khi có mưa lớn đã ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân, cản trở giao thông và mất mỹ quan đô thị. Để bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ban ngành, huyện, thị, thành phố vào cuộc triển khai các phương án chống ngập.

Ngập ảnh hưởng đến nhân dân

Mặc dù Bình Dương đã triển khai nhiều giải pháp chống ngập, tuy nhiên tình trạng này vẫn tái diễn trong mùa mưa 2014. Theo ông Nguyễn Thành Tài, Giám đốc Sở Xây dựng Bình Dương, lý do ngập có nhiều nguyên nhân. Trong đó, tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa nhanh làm giảm diện tích thoát nước và thấm tự nhiên dẫn đến ngập úng cục bộ những vùng trũng thấp khi có mưa hoặc triều cường. Việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật (như cống thoát nước dọc, cống thoát nước ngang) chưa đáp ứng nhu cầu thoát nước của đô thị. Một số tuyến đường chưa có hệ thống thoát nước hoặc có nhưng khẩu độ quá nhỏ không bảo đảm thoát nước gây ngập. Ngoài ra, khi đầu tư các dự án giao thông, đặc biệt là các tuyến đường BOT chỉ thoát nước cho mặt đường, không thoát nước cho khu vực nên khi trời mưa nước từ khu vực xung quanh đổ về thoát nước không kịp, gây ngập. Bên cạnh đó, kinh phí phân bổ vốn đầu tư hệ thống thoát nước cho toàn đô thị chưa bảo đảm nguồn lựcvà kịp thời; công tác nạo vét, duy tu, sửa chữa hệ thống thoát nước chưa thường xuyên…

Sau cơn mưa tương đối lớn, đoạn đường TL743 có nhiều điểm ngập. Ảnh: T.LÝ

Có mặt tại đường Trần Văn Ơn (phường Phú Hòa, TP.TDM) vào chiều ngày 9-7. Trận mưa lớn đã làm cả đoạn đường ngập trong “biển nước”. Lượng nước mưa cao hơn nửa mét, tràn vào nhà người dân hai bên đường, đồng thời cản trở giao thông đi lại và đời sống sinh hoạt. Chị Ngọc Lan, bán tạp hóa trên đường Trần Văn Ơn, cho biết: “Tôi bán ở đây hơn 5 năm. Mỗi lần trời mưa nước từ các đường nhánh đổ ra khiến đường luôn ngập. Có thời điểm ngập 40 - 50cm, khoảng 1 giờ sau nước mới rút. Nguyên nhân ngập do đường không có cống thoát nước”.

Tại TX.Tân Uyên nhiều điểm ngập đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt của người dân. Đặc biệt, điểm ngập trên tuyến đường ĐT746, ĐH412. “Mỗi lần mưa, đường ngập chúng tôi không thể buôn bán. Mùa mưa doanh thu cửa hàng thấp, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống gia đình”, anh Trần Văn Cường, buôn bán trên đường ĐT746, nói.

Những cơn mưa lớn, đường ngập còn ảnh hưởng đến quá trình lưu thông, dẫn đến tai nạn giao thông xảy ra liên tục. Tại đường TL743, chiều 12-7, sau cơn mưa tương đối lớn, đoạn đường có nhiều điểm ngập, người điều khiển giao thông vì tránh chỗ nước đọng đã dẫn đến nhiều vụ va chạm. Bên cạnh đó, nước ngập cao nhiều xe đang chạy chết máy và bị các xe khác đụng trúng. Do đó, họ đề nghị các ngành chức năng xem xét để khai thông cống rãnh, giúp thoát nước nhanh, để người dân yên tâm khi lưu thông trên tuyến đường này.

Giải pháp khắc phục

Trong cuộc họp báo cáo tình hình 6 tháng đầu năm 2014, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung nhấn mạnh, cần có giải pháp khắc phục ngập mùa bão để không làm ảnh hưởng đến nhân dân. Ông đề nghị UBND các huyện, thị, thành phố cần rà soát các điểm ngập úng, qua đó báo cáo tình hình để có biện pháp khắc phục kịp thời.

Trước tình trạng ngập úng, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể, huyện, thị, thành phố vào cuộc. Đối với TP.TDM có 14 điểm ngập, thành phố đã và đang xử lý tạm thời 7 điểm. Thuận An có 14 điểm ngập, phát sinh mới 4 điểm, đã xử lý triệt để 6 điểm, đang xử lý tạm thời 7 điểm. Dĩ An có 18 điểm ngập, xử lý 2 điểm và đang xử lý tạm thời 13 điểm… Chủ tịch UBND TX.Thuận An Hồ Quang Điệp, cho rằng đối với các điểm ngập cục bộ thuộc địa phương quản lý, UBND thị xã đã và đang tiến hành nạo vét, khai thông cống thoát nước, nâng cao độ mặt đường để giải quyết thoát nước tạm thời. Điểm ngập tại cống ngang đường 22-12, thị xã đã tiến hành nạo vét, khai thông cống nên tình trạng ngập úng của đoạn đường này đã được cải thiện. Với những điểm ngập do các đơn vị đầu tư quản lý, UBND thị xã cũng đề nghị tiến hành xử lý các điểm ngập để bảo đảm an toàn, thuận tiện đi lại cho người dân trong mùa mưa bão.

Sở Xây dựng cũng đã đưa ra nhiều giải pháp tạm thời từng bước hạn chế các điểm ngập nước. Theo đó, sở sẽ chủ động bố trí nguồn vốn trong việc thường xuyên tôn tạo, cơi nới bờ bao, nạo vét khai thông kênh mương rạch, nạo vét hố ga thu nước trên địa bàn; kiểm tra xử lý các trường hợp xây dựng trái phép, lấn chiếm hành lang kênh, rạch làm ảnh hưởng đến khả năng thoát nước. Sở chủ động phối hợp giải quyết, thỏa thuận đấu nối hạ tầng kỹ thuật các công trình với các đơn vị liên quan; tập trung, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án thoát nước lớn, trọng điểm phục vụ tiêu thoát nước. Sở cũng đã vạch ra những giải pháp triệt để và bền vững nhằm từng bước chấm dứt tình trạng ngập nước trên toàn tỉnh. Cụ thể, việc quy hoạch đô thị phải được nghiên cứu từ bài toán tổng thể cho đến thiết kế chi tiết. Hiện nay, nhiệm vụ và dự toán quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt đô thị Bình Dương đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã được UBND tỉnh phê duyệt đang trình thẩm định kế hoạch. Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng trong công tác thẩm định, phê duyệt các đồ án quy hoạch, dự án giao thông, dự án thoát nước…

Để giải quyết triệt để tình trạng ngập, Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Thành Tài kiến nghị: “Viện Quy hoạch phát triển đô thị Bình Dương khẩn trương tổ chức lập, trình phê duyệt Đồ án Quy hoạch thoát nước và cao độ nền tỉnh làm cơ sở triển khai các quy hoạch chi tiết. Các đơn vị cần xem xét tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu nối các điểm thoát nước giữa Bình Dương và các tỉnh lân cận. UBND các huyện, thị, thành phố, chủ đầu tư các tuyến đường BOT cần ưu tiên, quyết tâm, quyết liệt hơn nữa bố trí nguồn kinh phí để xử lý tốt các điểm ngập thuộc mình quản lý. Các sở, ban, ngành, huyện, thị, thành phố khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác phối hợp quản lý đô thị.

Theo thống kê của Sở Xây dựng, toàn tỉnh hiện còn 73 điểm ngập, tăng 10 điểm so với năm 2012, phát sinh mới 33 điểm, đã xử lý triệt để 20 điểm, đã và đang xử lý tạm thời 46 điểm, chưa xử lý 17 điểm, kế hoạch xử lý triệt để 72 điểm. Trong đó, 29 điểm ngập cần xử lý triệt để thuộc thẩm quyền xử lý của UBND huyện, thị, thành phố; 28 điểm ngập thuộc thẩm quyền xử lý của sở, ban, ngành cấp tỉnh; 13 điểm ngập thuộc thẩm quyền các chủ đầu tư BOT, 3 điểm ngập thuộc thẩm quyền xử lý của chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật các dự án khu dân cư.

 

THIÊN LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên