Tăng cường các giải pháp để hạn chế ngộ độc thực phẩm

Thứ sáu, ngày 11/04/2025
Theo dõi Báo Bình Dương trên

Từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh đã xảy ra một số vụ việc liên quan đến an toàn thực phẩm, nghi ngờ ngộ độc thực phẩm tập thể. Thực trạng này đặt ra cho cơ quan chức năng cần có những giải pháp quyết liệt nhằm ngăn chặn tình trạng ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Thời gian qua, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể luôn được chú trọng. Trong ảnh: Bếp ăn tập thể tại một công ty ở TP.Thuận An

Liên tiếp xảy ra các vụ liên quan đến an toàn thực phẩm

Thống kê của ngành y tế, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 2 vụ việc nổi trội liên quan đến an toàn thực phẩm (ATTP), nghi ngờ ngộ độc thực phẩm tập thể.

Cụ thể vụ việc xảy ra vào trung tuần tháng 3, Công ty TNHH A-Pro Technology, Khu công nghiệp Đại Đăng, phường Phú Tân, TP.Thủ Dầu Một, tổ chức tiệc cho hàng trăm công nhân. Sau khi ăn tiệc xong và về nhà, nhiều công nhân có triệu chứng mệt mỏi, đau bụng, tiêu chảy, nghi ngộ độc thực phẩm đã đến khám, điều trị tại nhiều phòng khám đa khoa trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một, TP.Thuận An, TP.Tân Uyên.

Đại diện lãnh đạo Công ty TNHH A-Pro Technology đã thừa nhận sự cố liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm, đồng thời xin lỗi người lao động; thanh toán toàn bộ chi phí điều trị, nằm viện và không trừ tiền chuyên cần của người lao động đối với những ngày nghỉ liên quan đến sự cố.

Vài ngày sau sự cố ở Công ty TNHH A-Pro Technology, ngày 20-3, tại Trường TH - THCS - THPT Marie Curie (phường Hiệp An, TP.Thủ Dầu Một), 28 học sinh, giáo viên, nhân viên của trường có triệu chứng mệt, hơi nhức đầu. Một số học sinh buồn nôn nhập viện theo dõi. Một ngày sau, toàn bộ học sinh có triệu chứng được xuất viện.

Qua công tác xác minh, đánh giá các triệu chứng và biểu hiện của 28 giáo viên, học sinh, thì vụ việc chưa đủ cơ sở để xác định nguyên nhân sự cố là ngộ độc thực phẩm mà nghi ngờ liên quan đến ATTP.

Ngoài những vụ việc trên, từ đầu năm đến nay, Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh đã thành lập 134 đoàn kiểm tra 998 cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm. Qua kiểm tra, các đoàn đã phát hiện 110 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm vi phạm các điều kiện vệ sinh cơ sở, điều kiện về trang, thiết bị, dụng cụ, điều kiện về con người. Các đoàn đã tiến hành xử phạt 35 cơ sở với tổng số tiền hơn 262 triệu đồng; buộc 7 cơ sở ngưng hoạt động và nhắc nhở 68 cơ sở.

Hiện trên địa bàn tỉnh đang quản lý 15.897 cơ sở sản xuất thực phẩm, chế biến thức ăn, dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đặt mục tiêu trong năm 2025, có từ 90% cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trở lên được kiểm tra.

Tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn

Trước thực trạng ngộ độc thực phẩm, sự cố về ATTP luôn rình rập, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã gửi công văn đề nghị các Phòng Y tế, Trung tâm Y tế huyện, thành phố triển khai nghiêm túc 4 nội dung phòng, chống ngộ độc thực phẩm ở các bếp ăn tập thể.

Bà Phan Kim Sương, Chi Cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, cho biết để bảo đảm ATTP, phòng, chống ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể trong thời gian tới, nhất là trong thời điểm mùa nắng nóng, chi cục yêu cầu các đơn vị liên quan triển khai các giải pháp kiểm soát ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm. Đặc biệt tập trung tăng cường biện pháp bảo đảm ATTP tại các bếp ăn tập thể. Khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ ngộ độc thực phẩm, các đơn vị nhanh chóng hướng dẫn người dân đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, điều trị kịp thời. Các đơn vị y tế trên địa bàn chuẩn bị sẵn sàng phương án, lực lượng thường trực, phương tiện, vật tư, hóa chất để kịp thời khắc phục, giảm thiểu ảnh hưởng khi có ngộ độc xảy ra.

“Cùng với công tác tuyên truyền, các đơn vị liên quan cần xây dựng kế hoạch kiểm tra đột xuất việc chấp hành quy định về điều kiện bảo đảm ATTP đối với cơ sở dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể trong công ty, trường học. Quá trình kiểm tra, các đơn vị tham mưu cho UBND cùng cấp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không bảo đảm ATTP, thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn, thực phẩm có nguy cơ gây ngộ độc”, bà Phan Kim Sương, Chi Cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, cho biết thêm.

Nghị định 15/2018/ NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm thì có 3 cơ quan chịu trách nhiệm là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường), Bộ Công thương và Bộ Y tế. Công tác quản lý, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm đã phân cấp đến các xã, phường, thị trấn, nhằm nâng cao nhận thức chủ cơ sở đối với bếp ăn tập thể, cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố.

KIM HÀ