Bình Dương hiện có 58 trạm quan trắc nước thải tự động đã được lắp đặt, trong đó có 29 trạm là khu, cụm công nghiệp (KCN); 10 trạm là các doanh nghiệp (DN) nằm trong KCN được chấp thuận thải thẳng ra môi trường sau khi qua hệ thống xử lý, 19 trạm là các DN nằm ngoài KCN. Hệ thống quan trắc nước thải tự động này đã giúp kiểm soát được liên tục hơn 70% tổng lượng nước thải công nghiệp phát sinh trên địa bàn.
Nước thải công nghiệp được thu gom để xử lý
Có được kết quả này, từ năm 2009, Bình Dương đã chú trọng tăng cường công tác quản lý nhà nước và giám sát chặt chẽ các nguồn nước thải ra môi trường. Lúc đó, UBND tỉnh đã triển khai Dự án lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động (gồm hệ thống thiết bị đo chất lượng nước thải tự động, hệ thống thiết bị lấy mẫu tự động, hệ thống camera giám sát tự động).
Hệ thống quan trắc tự động hoạt động liên tục 24/24 thông qua đường truyền internet cáp quang; đo liên tục các thông số như pH, COD, TSS, lưu lượng. Hệ thống quan trắc tự động gồm có Trạm điều hành trung tâm đặt tại Trung tâm quan trắc - kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thuộc Sở TN&MT Bình Dương và Trạm cơ sở đặt tại các DN. Đối tượng bắt buộc lắp đặt là các cụm, KCN, các nguồn thải có lưu lượng nước thải lớn (từ 1.000m3/ngày trở lên) và các nguồn thải có lưu lượng nước thải tương đối nhưng mức độ ô nhiễm cao, các nguồn thải thường xuyên bị khiếu nại, khiếu kiện.
Sau thời gian triển khai đến nay, toàn tỉnh đã có 58 trạm quan trắc nước thải tự động đã được lắp đặt, trong đó có 29 trạm là cụm, KCN; 10 trạm là các DN nằm trong KCN được chấp thuận thải thẳng ra môi trường sau khi qua hệ thống xử lý, 19 trạm là các doanh nghiệp nằm ngoài KCN. Hệ thống quan trắc nước thải tự động này đã giúp kiểm soát được liên tục hơn 70% tổng lượng nước thải công nghiệp phát sinh trên địa bàn tỉnh.
Mới đây, UBND tỉnh cũng đã có Quyết định số 13/2016/ QĐ-UBND ngày 16-6-2016 ban hành Quy định bảo vệ môi trường tỉnh Bình Dương. Theo đó, đối tượng bắt buộc lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động được điều chỉnh giảm lưu lượng xuống từ 500m3/ngày đến dưới 1.000m3/ngày và một số nguồn thải khác theo yêu cầu quản lý (dự kiến nhóm đối tượng này có số lượng khoảng 30 DN). Với quy định này thì số lượng nguồn thải đang hoạt động trên địa bàn tỉnh thuộc đối tượng lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động sẽ tăng từ 58 DN như hiện nay lên gần 90 DN. Thông qua đó, cơ quan quản lý nhà nước sẽ giám sát liên tục việc xả thải với tổng lưu lượng nước thải công nghiệp khoảng 170.000m3/ ngày đêm (chiếm hơn 80% lượng nước thải toàn tỉnh).
Song song đó, Sở TN&MT đã ban hành Quyết định số 113/ QĐ-STNMT ngày quy định yêu cầu kỹ thuật, kết nối dữ liệu hệ thống quan trắc nước thải tự động, hoạt động kiểm tra, giám sát và tổ chức tập huấn hướng dẫn các DN trên địa bàn tỉnh thực hiện. Mục đích là nhằm cho các DN thuận tiện trong việc lựa chọn trang thiết bị lắp đặt, tránh trường hợp thiết bị lắp đặt không đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật tối thiểu, không tương thích với các thiết bị đã lắp đặt tại Trạm điều hành trung tâm dẫn đến không kết nối được, gây lãng phí. Mặt khác, theo quy định này thì định kỳ hàng quý, sở sẽ tổ chức kiểm tra đột xuất việc vận hành công trình xử lý nước thải và tình trạng hoạt động của hệ thống quan trắc nước thải tự động tại DN; các trường hợp phát hiện vi phạm sẽ tổ chức kiểm tra xử lý theo quy định pháp luật.
Với việc triển khai, áp dụng các quy định về kiểm soát nước thải, hiệu quả công tác quản lý nhà nước và ý thức của DN về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh vì vậy ngày càng nâng cao, góp phần chung cho quá trình phát triển bền vững của Bình Dương nói riêng và cả nước nói chung.
P.V