Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh cho biết, toàn tỉnh hiện có 79 hộ nuôi chim yến với diện tích 33.766m2, ước tổng đàn trên 46.170 con. Phương thức nuôi chủ yếu hiện nay của người dân trên địa bàn tỉnh là dẫn dụ thông qua việc sử dụng thiết bị âm thanh để hấp dẫn chim yến đến trú ngụ và làm tổ. Thời gian qua, nghề nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh phát triển chủ yếu mang tính tự phát, không có định hướng, nhiều rủi ro dịch bệnh. Các hộ nuôi yến lại chưa được hướng dẫn, tập huấn về kỹ thuật nên việc phun khử trùng nhà nuôi chim yến chưa bảo đảm thời gian quy định. Đặc biệt, hiện chưa có hộ nuôi yến nào trên địa bàn tỉnh có hồ sơ bảo vệ môi trường.
Theo khảo sát của Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, đa số các hộ nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh không giảm âm thanh theo quy định tại Thông tư 35 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Điều đáng nói, các cơ sở này hầu hết đều nằm trong khu dân cư, sử dụng nhà ở để dẫn dụ và gây nuôi chim yến không bảo đảm an toàn vệ sinh thú y, gây ô nhiễm môi trường. Hàng năm, chi cục đều xây dựng kế hoạch lấy mẫu để giám sát tình hình dịch bệnh thường xuyên đối với các cơ sở nuôi chim yến nói riêng và chăn nuôi nói chung nhưng việc kiểm soát dịch bệnh gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với các hộ nuôi dạng nhỏ lẻ, tự phát. Vì đây là loài chim hoang dã được dẫn dụ để gây nuôi và đến thời điểm hiện tại chưa có vắc xin phòng bệnh cúm A/H5N1 trên chim yến.
Trong thời gian tới, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường giám sát tình hình dịch tễ, hướng dẫn các biện pháp an toàn sinh học tại các cơ sở nuôi yến và tăng cường lấy mẫu xét nghiệm đánh giá tình hình lưu hành vi rút cúm A/H5N1 trên chim yến. Chi cục cũng sẽ vận động các hộ nuôi chim yến nâng cao trách nhiệm trong công tác phòng chống dịch bệnh; khi phát hiện có hiện tượng chim yến chết phải báo ngay cho Trạm chăn nuôi và thú y, chính quyền tại địa phương để có thể phát hiện sớm, kịp thời xử lý dịch bệnh từ chim yến.
QUỲNH NHIÊN