Tăng cường hợp tác quốc tế phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo
Theo dõi Báo Bình Dương trên

(BDO) Bình Dương đang tăng cường hợp tác quốc tế để phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Bình Dương hướng đến trở thành điểm đến về khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á.
Mở rộng hợp tác quốc tế
Đến nay, Bình Dương đã thiết lập quan hệ hợp tác song phương với 14 tỉnh, thành phố nước ngoài và là thành viên chính thức của Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á (Horasis), Hiệp hội Trung tâm Thương mại thế giới (WTCA)… Đáng chú ý, từ năm 2019 Tổng Công ty Becamex IDC và Chương trình hỗ trợ khởi nghiệp của Đại học Quốc gia Singapore (NUS Enterprise) đã hợp tác triển khai hệ sinh thái khởi nghiệp Block 71 Saigon. Năm 2023, Trung tâm Đổi mới sáng tạo (ĐMST) Việt Nam - Singapore được thành lập tại Trường Đại học Quốc tế Miền Đông (EIU). Năm 2024, Tổng Công ty Becamex IDC và Đại học Quốc gia Singapore (NUS) tiếp tục ký biên bản ghi nhớ hợp tác thúc đẩy chuyển đổi số (CĐS) nghiên cứu và phát triển, ĐMST và khởi nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Becamex IDC, cho biết quan hệ đối tác chiến lược giữa Becamex IDC với NUS đánh dấu một cột mốc quan trọng trong việc tăng cường mối quan hệ giữa Bình Dương và Singapore, thúc đẩy hợp tác lâu dài trong lĩnh vực năng lực số, nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ và phát triển nguồn nhân lực - những yếu tố thiết yếu để hiện thực hóa tầm nhìn phát triển của tỉnh trong tương lai. Giáo sư Aaron Thean, Hiệu trưởng, Phó Chủ tịch các vấn đề học thuật NUS, chia sẻ: "NUS rất hân hạnh được hợp tác với Becamex IDC và Công ty Liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) trong việc thúc đẩy các kỹ năng số, nghiên cứu và ĐMST tại Việt Nam. Bằng cách kết hợp nghiên cứu tiên tiến và ĐMST với giáo dục thường xuyên và phát triển nhân tài, chúng tôi đang trang bị cho sinh viên và các chuyên gia tại Việt Nam những năng lực quan trọng để thành công trong kỷ nguyên số. Sự hợp tác với Becamex IDC và VSIP khẳng định cam kết của NUS trong việc thúc đẩy CĐS và tạo ra tác động lan tỏa khắp khu vực”.
Để thúc đẩy phát triển khoa học - công nghệ (KHCN), ĐMST và CĐS, nhiều dự án lớn đã và đang được Bình Dương thực hiện, như: Trung tâm Thương mại thế giới Thành phố mới Bình Dương, Khu công nghiệp KHCN, Đề án Vùng ĐMST, Trung tâm Sản xuất thông minh và phát triển công nghệ 4.0, Trung tâm ĐMST Việt Nam - Singapore… Đặc biệt, triển khai Nghị quyết số 57-NQ/ TW ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KHCN, ĐMST và CĐS Quốc gia, trong thời gian tới Bình Dương đẩy mạnh hợp tác với các đối tác quốc tế, địa phương có quan hệ hữu nghị, các tập đoàn đa quốc gia, tổ chức quốc tế và viện nghiên cứu hàng đầu về KHCN và ĐMST...
Thu hút đầu tư lĩnh vực nghiên cứu, phát triển
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: Bình Dương là một kỳ tích phát triển của Việt Nam. Liên tục trong 5 năm (2019-2023), Bình Dương được vinh danh là một trong 21 địa phương có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu của thế giới (Smart21); 3 năm liên tiếp (2021-2023) được vinh danh là 1 trong 7 cộng đồng có Chiến lược phát triển thông minh tiêu biểu trên thế giới. Đặc biệt, năm 2023 Bình Dương được vinh danh Top 1 - ICF. |
Năm 2015, Bình Dương đã ký kết Biên bản ghi nhớ với TP.Eindhoven (Hà Lan) về sự hợp tác và triển khai mô hình phát triển kinh tế - xã hội hợp tác "3 nhà" (Nhà nước, doanh nghiệp (DN), nhà khoa học). Biên bản ghi nhớ là bước đầu của sự hợp tác đôi bên và đánh dấu việc triển khai nghiên cứu mô hình hợp tác "3 nhà" thể hiện qua sự thành lập các trung tâm nghiên cứu mở, vườn ươm DN, liên kết với các viện, trường đại học và trung tâm nghiên cứu tại Hà Lan và trên thế giới, củng cố khả năng cạnh tranh của chuỗi cung ứng địa phương qua việc thu hút các công ty công nghệ cao.
Mô hình "3 nhà" tạo ra đầu vào rộng lớn để cùng kiến tạo nên tầm nhìn chung dài hạn và thiết lập các chiến lược, chương trình hành động phù hợp để thúc đẩy Bình Dương trở thành khu vực phát triển lên tầm quốc tế về kỹ thuật và kinh tế, đặc biệt trong các lĩnh vực cải tiến sáng tạo, dịch vụ và sản xuất công nghệ cao. Đẩy mạnh hợp tác "3 nhà", Bình Dương không ngừng thúc đẩy kết nối các trường dạy nghề và trường đại học với các công ty trong khu vực để đáp ứng các tiêu chuẩn về kỹ năng thực tế, kinh nghiệm làm việc của thị trường. Các FabLab (phòng thí nghiệm chế tạo), TechLab (một ứng dụng giáo dục sáng tạo) có thể được sử dụng để phục vụ mục đích giảng dạy, thúc đẩy khởi nghiệp, hỗ trợ các DN nhỏ trong quá trình phát triển (công nghệ), đồng thời cũng là điểm gặp gỡ giữa các tài năng của các trường và DN. Hiện nay, Bình Dương có thể kết nối với chương trình Quốc gia gồm 45 trường dạy nghề đang hợp tác với các công ty trong nước. Trong giai đoạn khởi đầu, các trường đại học, cao đẳng có mô hình nước ngoài, có cơ sở vật chất và hạ tầng tốt, có tiềm năng thu hút DN được ưu tiên tham gia chương trình này. Một số DN lớn có uy tín và quan hệ với tỉnh như Festo, Philips… có khả năng tham gia khởi động dự án, góp phần hỗ trợ cho sự đổi mới trong kỹ năng sản xuất.

Trong giai đoạn mới, Bình Dương phát triển sản phẩm bắt đầu bằng phát triển tri thức và công nghệ. Những dự án trong lĩnh vực công nghệ tại Bình Dương đều hướng đến mục đích tăng cường và thu hút các hoạt động nghiên cứu, phát triển, khuyến khích sự đổi mới hợp tác và chuyển giao tri thức, gắn kết được công nghệ mới với các ngành trọng điểm tại tỉnh và các thách thức xã hội. Bên cạnh đó, Bình Dương xây dựng các trung tâm cho phép sử dụng chung các thiết bị để khuyến khích hợp tác trong hoạt động nghiên cứu phát triển. Đây là hình thức cho phép sinh viên khởi nghiệp, DN vừa và nhỏ dùng chung cơ sở hạ tầng, cùng làm việc với các trường đại học, trường dạy nghề, sử dụng thiết bị công nghệ cao do các đối tác công nghiệp quan trọng tài trợ. Bình Dương cũng cung cấp mạng lưới các FabLabs, TechLabs và MakerSpaces (không gian sáng chế) rộng lớn, đủ để đáp ứng yêu cầu thực tế của sinh viên ngành kỹ thuật và các DN khởi nghiệp, DN nhỏ trong quá trình phát triển công nghệ của mình...
PHƯƠNG LÊ