Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 1.050.000 người lao động (NLĐ) trở lại làm việc. Riêng số lao động trở lại làm việc trong các khu công nghiệp đạt gần 90%. Dự kiến, nếu tình hình hoạt động sản xuất ổn định, hiệu quả thì trong tháng 12-2021 và những tháng đầu năm 2022, tỉnh cần thêm 30.000 đến 40.000 lao động thuộc các ngành nghề: Giày da, dệt may, điện tử, gỗ, thực phẩm, thương mại dịch vụ…
Bình Dương đang đẩy mạnh kết nối với các tỉnh, thành để bảo đảm cung ứng đủ lao động cho các doanh nghiệp
Số lao động tại nhà máy đang tạm ổn
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ- TB&XH), hiện các doanh nghiệp (DN) trở lại sản xuất theo phương án “vừa sản xuất, vừa phòng, chống dịch” nên nhiều DN chưa sử dụng hết số lao động theo công suất của nhà máy. Các DN đang tập trung sử dụng nguồn lao động trước đây của DN, hoặc tuyển dụng NLĐ đang ở Bình Dương. Vì thế, thị trường lao động tại Bình Dương chưa có tình trạng thiếu hụt lao động, nhu cầu tuyển dụng của các DN chủ yếu đáp ứng yêu cầu sản xuất trong năm 2022.
Tuy nhiên, việc huy động NLĐ trở lại làm việc tại các DN đang gặp khó khăn. Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cho rằng: “Một số lao động đang còn tâm lý bất an về dịch bệnh nên chưa quyết định trở lại làm việc. Hơn nữa, đây là thời điểm cuối năm nên lao động các tỉnh e ngại việc di chuyển đến Bình Dương. Cùng với đó, tỷ lệ bao phủ vắc xin tại các tỉnh chưa cao, nên ít nhiều ảnh hưởng đến việc tuyển dụng của DN”.
Để góp phần tháo gỡ khó khăn của DN về lao động, Sở LĐ-TB&XH đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 5343/KH-UBND ngày 21-10-2021 về việc phối hợp thu hút, đón NLĐ từ các tỉnh, thành phố có nhu cầu trở lại Bình Dương làm việc và phối hợp các tỉnh để hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động. Theo đó, NLĐ được ưu tiên tiêm vắc xin ngừa Covid-19, hỗ trợ việc trở lại Bình Dương; thực hiện công tác thông tin thị trường lao động, kết nối cung - cầu lao động trong và ngoài tỉnh để tìm kiếm, cung cấp lao động cho các DN trên địa bàn tỉnh.
Sở LĐ-TB&XH cũng phối hợp Ban Quản lý các khu công nghiệp, Sở Công Thương và các địa phương thực hiện việc hướng dẫn, giám sát, kiểm tra (hậu kiểm) việc xây dựng phương án sản xuất và tuân thủ các quy định phòng, chống dịch trong quá trình sản xuất để bảo đảm an toàn cho NLĐ trong quá trình làm việc; khuyến khích người sử dụng lao động có chính sách tiền lương, các chế độ phúc lợi để hỗ trợ, thu hút NLĐ trở lại, đến làm việc.
Ứng dụng công nghệ thông tin kết nối
Ông Phạm Văn Tuyên cho hay, từ năm 2020 đến nay, dịch bệnh Covid-19, đặc biệt trong đợt dịch thứ 4 này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực lao động - việc làm. Để tạo thuận lợi trong việc kết nối thông tin thị trường lao động trong tình hình mới, NLĐ nhanh chóng tìm kiếm được việc làm, DN tuyển chọn được ứng viên phù hợp, đồng thời bảo đảm hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19, tỉnh triển khai việc ứng dụng công nghệ thông tin kết nối thông tin thị trường lao động, hỗ trợ NLĐ tìm việc.
Các đơn vị triển khai việc thu thập việc làm trống, cập nhật thông tin tuyển dụng của DN và nhu cầu tìm kiếm việc làm của NLĐ vào cơ sở dữ liệu cung - cầu lao động qua website vieclambinhduong. vn, kết nối trực tuyến người sử dụng lao động với NLĐ. DN chủ động cung cấp thông tin về nhu cầu, số lượng và vị trí tuyển dụng và cử cán bộ thực hiện phỏng vấn ngay tại công ty qua phần mềm hỗ trợ. Về phía NLĐ, chỉ cần có kết nối internet trên máy tính hoặc điện thoại… là có thể tìm hiểu một cách đầy đủ nhất thông tin về DN và thực hiện trả lời phỏng vấn trực tuyến.
Tỉnh cũng tổ chức các phiên giao dịch việc làm online trên website vieclambinhduong. vn. Việc kết nối cung - cầu lao động không chỉ trong phạm vi tỉnh, mà kết nối với tất cả các tỉnh có nguồn lao động (thông qua hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh). NLĐ ở các tỉnh có nhu cầu tìm việc làm tại Bình Dương chỉ cần truy cập vào địa chỉ website sẽ được tiếp cận tất cả thông tin tuyển dụng tại phiên giao dịch việc làm. NLĐ và người sử dụng lao động dễ dàng tiếp cận, trao đổi các thông tin liên quan đến vị trí công việc cần tuyển dụng. Bên cạnh đó, Bình Dương thiết kế phần mềm chat tìm việc nhanh cũng trên website, NLĐ có thể online trực tuyến với tư vấn viên của trung tâm, sau đó được tư vấn viên kết nối với DN phỏng vấn...
Ông Phạm Văn Tuyên cho biết Bình Dương đang phối hợp các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện Kế hoạch số 5343/KH-UBND về phối hợp thu hút, đón NLĐ từ các tỉnh, thành phố có nhu cầu trở lại Bình Dương làm việc với một số nội dung về hỗ trợ. Đó là chính sách ưu tiên tiêm vắc xin, xét nghiệm. NLĐ đến Bình Dương làm việc sẽ được ưu tiên tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho người chưa tiêm mũi 1, đẩy nhanh tiến độ tiêm mũi 2 để bảo đảm đủ điều kiện khi trở lại DN làm việc. NLĐ được DN tổ chức test nhanh kháng nguyên và cấp chứng nhận kết quả xét nghiệm.
Về các phương thức đón NLĐ các tỉnh đến, trở lại, tỉnh đang khuyến khích, hướng dẫn, hỗ trợ các DN, đơn vị sử dụng lao động phối hợp với các đơn vị, địa phương nơi NLĐ đang cư trú để tổ chức đón NLĐ về làm việc, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Ngoài ra, NLĐ muốn hỗ trợ đón tới Bình Dương làm việc có thể đăng ký với Trung tâm Dịch vụ việc làm. Sau khi các tỉnh gửi danh sách đăng ký, tỉnh Bình Dương sẽ thống nhất phương án hỗ trợ NLĐ đến Bình Dương.
Hiện Sở LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp Ban Quản lý các Khu công nghiệp, Sở Công thương, UBND các huyện, thị, thành phố triển khai, hướng dẫn các đơn vị, DN chủ động xây dựng và báo cáo kế hoạch sử dụng số lao động gắn với từng giai đoạn hoạt động sản xuất cụ thể của đơn vị, DN; thông báo và cam kết các chính sách về tiền lương và các chế độ phúc lợi; chủ động kết nối thông tin NLĐ để nắm bắt tình hình về nơi cư trú, về tiêm vắc xin, thông báo thời gian dự kiến trở lại làm việc. |
QUANG TÁM