Trong điều kiện chưa liên thông được giá vàng trong nước và giá vàng thế giới, mức chênh lệch cao đã dẫn tới tình trạng đầu cơ, tích trữ, tạo các cơn sốt vàng, gây tâm lý bất ổn cũng như thiệt hại về kinh tế cho người dân. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam tiếp tục có các giải pháp bình ổn hoạt động kinh doanh vàng.
Khách hàng chọn mua vàng nữ trang tại một cửa hàng ở khu vực chợ Thủ Dầu Một, phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một
Siết chặt thị trường
Trong bối cảnh lực lượng quản lý thị trường (QLTT) các địa phương tăng cường kiểm tra hoạt động kinh doanh vàng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, những ngày qua có nhiều tiệm vàng tư nhân ở Bình Dương vẫn mở cửa nhưng đều có điểm chung là quầy trưng bày sản phẩm khá thưa thớt so với trước đó.
Riêng đối với thị trường vàng nhẫn, thời gian gần đây, do nhu cầu loại vàng này tăng cao, nhiều tiệm vàng còn số lượng ít để bán cho khách hàng. Anh Nguyễn Văn Sang, phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một, cho biết ngày 29-4, anh phải vòng qua 3 cửa hàng mới tìm mua được 5 phân vàng nhẫn 9999. Tuy vậy, giá vẫn đứng trên mức 7,5 triệu đồng/chỉ.
Lý giải hiện tượng vàng nhẫn khan hàng, chủ một tiệm vàng ở phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một, nhận định tâm lý của người mua vàng hiện nay là muốn tích trữ tài sản vì lãi suất các ngân hàng quá thấp. Một phần người dân chọn mua vàng nhẫn thay vì vàng miếng như trước đây do lo lắng việc sửa đổi Nghị định 24 sắp tới sẽ có tác động mạnh đến thị trường vàng miếng. Trong khi đó, việc cơ quan quản lý siết chặt hoạt động mua - bán gần đây càng làm cho nguồn cung vàng nguyên liệu thêm hạn chế, mặt hàng vàng nhẫn cũng ít ra hàng. Ngoài ra, việc kinh doanh vàng nhẫn trơn mang về biên độ lợi nhuận thấp hơn so với các mặt hàng nữ trang khác.
Kinh doanh vàng từ hàng chục năm qua, một chủ tiệm vàng ở chợ Lái Thiêu, TP.Thuận An, cho biết rất hoan nghênh việc quản lý, kiểm soát chặt thị trường vàng, minh bạch hóa thị trường. Tuy vậy, người kinh doanh vàng sẽ bị “soi” nhiều hơn sau yêu cầu chấn chỉnh thị trường vàng của Thủ tướng Chính phủ. Hoạt động kiểm tra lần này đang khiến cho thị trường vàng trang sức vốn đã khó lại càng thêm khó. Mỗi tiệm vàng có hàng trăm sản phẩm với mẫu mã, kiểu dáng, chất lượng khác nhau. Khi kiểm tra, có thể tiệm chỉ vi phạm vài sản phẩm nhưng cũng bị niêm phong, phạt... nên những người kinh doanh vàng khá lo lắng.
Ông Nguyễn Phương Đông, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh, cho biết những ngày gần đây, lực lượng QLTT tỉnh đã tiến hành kiểm tra các điểm kinh doanh vàng tại một số doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh. Việc kiểm tra nhằm triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục QLTT về tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng. Bước đầu, qua kiểm tra các DN đã xuất trình giấy tờ chứng minh điều kiện kinh doanh và các hóa đơn, chứng từ để lực lượng chức năng đối chiếu. Tuy vậy, cả 3 DN kinh doanh vàng đã kiểm tra đều có dấu hiệu vi phạm. Hiện Cục QLTT tỉnh đang củng cố hồ sơ để làm rõ một số sai phạm tại các DN này.
Ông Nguyễn Phương Đông cũng cho biết việc kiểm tra đối với các mặt hàng kim loại vàng sẽ tiếp tục được lực lượng QLTT đẩy mạnh từ nay đến hết năm 2024. Trong đó, ngoài việc tổ chức nắm bắt tình hình, tuyên truyền cho người kinh doanh vàng nắm được các chủ trương kiểm tra theo quy định của pháp luật để thực hiện tốt hơn. Trong thời gian tới, Cục QLTT tỉnh sẽ phối hợp với các ngành chức năng tỉnh để tăng cường quản lý chất lượng, góp phần bình ổn thị trường vàng.
Giá vàng sẽ hạ nhiệt?
Ghi nhận trong 3 ngày gần đây, giá vàng có xu hướng giảm nhẹ, nhưng vẫn duy trì mức cao. Ngày 30-4, giá vàng nhẫn tiếp tục bật tăng trở lại so với những ngày trước lễ. Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng nhẫn 73,8 - 75,5 triệu đồng/ lượng mua vào - bán ra. Trong khi đó, giá vàng miếng SJC vẫn đứng quanh mốc 85 triệu đồng/ lượng, bán ra. Tuy vậy, ngày 1-5, giá vàng trong nước có dấu hiệu hạ nhiệt khi giá vàng thế giới liên tục giảm. Giá vàng nhẫn, giảm mạnh 800.000 đồng/lượng so với ngày 30-4, còn 73,88 - 75,48 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra. Như vậy, chênh lệch vàng trong nước với giá vàng thế giới dù có giảm nhẹ nhưng vẫn duy trì ở mức 13 triệu đồng/lượng so với cuối tháng 3.
Theo các chuyên gia, mức chênh lệch này được dự đoán có thể co hẹp lại nhưng giá vàng Việt Nam vẫn đang tăng trưởng nóng và đã đạt đỉnh cao nhất trong lịch sử. Do vậy, việc kiểm soát giá vàng vẫn là yêu cầu cấp bách. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo NHNN Việt Nam theo dõi chặt chẽ diễn biến giá vàng thế giới và trong nước để kịp thời thực hiện các biện pháp ổn định thị trường vàng.
Theo đó, Thủ tướng đã đặt ra yêu cầu rất cụ thể về việc bán vàng phải có hóa đơn điện tử để nâng cao tính minh bạch, hiệu quả giám sát, điều hành. Đồng thời, thu hồi ngay giấy phép hoạt động đối với DN không thực hiện nghiêm quy định của pháp luật. Thủ tướng cũng yêu cầu thực hiện nghiêm công tác nắm tình hình, thanh tra, kiểm tra giám sát trên thị trường vàng. Đặc biệt là các hành vi vi phạm pháp luật như buôn lậu vàng. NHNN Việt Nam cũng đã triển khai các giải pháp bình ổn thị trường vàng. Trong đó, tập trung thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với thị trường, hoạt động của các DN kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng…
Ông Võ Đình Phong, Giám đốc NHNN Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Bình Dương, cho biết chi nhánh đã cấp 124 giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ cho các DN trên địa bàn. Theo đó, trong quý I-2024, tổng khối lượng vàng trang sức, mỹ nghệ sản xuất là 101,4kg, với giá trị 67.809 triệu đồng. Hiện chi nhánh đã có kế hoạch kiểm tra độc lập và phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan, kiểm tra đối với hoạt động ngoại hối và kinh doanh vàng trên địa bàn nhằm nâng cao tính minh bạch và hiệu quả quản lý.
Ông Nguyễn Phương Đông, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh cho biết hiện cục đang tiếp tục chỉ đạo các đội QLTT thực hiện quyết liệt hơn nữa việc kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh vàng. Đặc biệt chú trọng kiểm tra về nguồn gốc xuất xứ, giả mạo nhãn hiệu cũng như chất lượng hoặc niêm yết giá, đầu cơ, găm hàng… để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. |
THANH HỒNG