Từ sau Tết Nguyên đán, nhiều mặt hàng trên thị trường chỉ giảm nhẹ và giậm chân tại chỗ, “ngóng” tình hình. Nay giá đã được “tiếp sức” bởi một loạt yếu tố tác động tăng như xăng, tỷ giá ngoại tệ, điện, than, gas... Nhiều người lo ngại, giá nhiều mặt bằng sẽ càng có cớ để nhích thêm.
Giá nhấp nhổm tăng thêm
Mặc dù đã qua cao điểm tết và các lễ hội, sức mua cũng đã giảm, song giá hầu hết các mặt hàng thực phẩm chỉ giảm nhẹ và đứng ở mức cao. Giá các mặt hàng lương thực thực phẩm từ rau tươi, gia súc, gia cầm, thủy hải sản cho đến các loại đậu, trái cây... giảm nhẹ khoảng 5.000 - 10.000 đồng/kg (5%) so với trong tết. Tại chợ TX.TDM, thịt heo ba rọi rút sườn dao động ở mức 80.000 - 95.000 đồng/kg (giảm 5.000 đồng/kg); gà ta nguyên con làm sẵn loại ngon 140.000 đồng/kg (giảm 5.000 đồng/kg); vịt giữ nguyên giá 58.000 đồng/kg; thịt bò phi lê đứng nguyên giá 180.000 đồng/kg. Vài mặt hàng thủy hải sản như thát lát, cá kèo, cá điêu hồng, giá giảm khoảng 20.000 - 30.000 đồng/kg nhưng ngược lại rất nhiều loại khác giá tăng mạnh, tôm sú lớn tăng lên 300.000 đồng/kg; mực lá loại lớn 250.000 đồng/kg (tăng 20.000 - 50.000 đồng/kg).
Giá cả ở các chợ truyền thống rất khó kiểm soát
Các loại thực phẩm khô, đậu xanh, đậu đen, dầu ăn, mì gói... giá cũng nhích lên. Các mặt hàng rau, củ, quả sau khi giảm nhẹ khoảng 2.000 - 5.000 đồng/kg cũng đang có xu hướng tăng lại. Hiện tại, bầu, bí, mướp hương, cải ngọt, cải xanh, cà chua 7.000 - 8.000 đồng/kg; khổ qua 12.000 đồng/kg; rau sống 14.000 đồng/kg.
Theo giải thích của nhiều tiểu thương, nguyên nhân giá nhiều loại thực phẩm tươi sống đang đứng ở mức cao và chưa có động thái mới (tăng lên hoặc giảm xuống) là tình hình chung của thị trường, nhà vườn chưa chịu giảm giá và đang “tính toán” theo động thái tăng giá điện, xăng. Theo dự đoán của chị Bé, tiểu thương kinh doanh rau quả tại chợ TDM, cũng do giá các mặt hàng đang ở mức cao nếu giá tăng thêm sẽ rất khó bán, tuy nhiên việc tăng giá điện, xăng vận hành theo cơ chế thị trường cũng sẽ tác động không nhỏ tới thị trường giá cả và chắc chắn, giá các mặt hàng thực phẩm sẽ càng có cớ để nhích thêm.
70% nhà cung cấp báo tăng giá
Ngày 1-3, khảo sát tình hình tại một số siêu thị ở Bình Dương, mặc dù siêu thị nào cũng đang có chương trình khuyến mại đối với các mặt hàng tiêu dùng, lương thực thực phẩm, nhưng bên cạnh đó giá nhiều mặt hàng tại các siêu thị Vinatex, Fivimart, Co.op Mart, Hải Long... đã tăng lên mặt bằng giá mới từ hơn một tuần nay, thậm chí một vài siêu thị còn tăng giá ngay từ ngày khai trương.
Theo thông tin từ các siêu thị, cho đến thời điểm này, họ đã nhận được thông báo tăng giá của các nhà cung cấp ở hầu hết các mặt hàng, từ trong nước sản xuất đến hàng nhập khẩu. Trong đó, tập trung nhiều nhất ở nhóm thực phẩm đồ hộp, bánh kẹo, sữa, hóa mỹ phẩm, đồ gia dụng... Theo Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Bình Dương Võ Hữu Thạch, ngay trong những ngày đầu năm mới (mùng 4 tháng giêng âm lịch), khi siêu thị nhập hàng thì giá một số mặt hàng đều được áp dụng giá mới, cho đến thời điểm này, siêu thị đã nhận được thông báo tăng giá của hơn 70% các nhà cung cấp với mức tăng từ 5 - 10%, các mặt hàng nhập khẩu có mức đội giá cao nhất lên tới 25%. Tương tự, Quản lý trung tâm Siêu thị Citimart Bình Dương Trà Bảo Hùng cho biết, từ 2 tuần qua, giá một số mặt hàng tại siêu thị đã tăng khoảng trên 10%, trong đó tăng nhiều nhất là mặt hàng phi thực phẩm như bánh kẹo, nước giải khát, sữa... Hiện siêu thị đang tiếp tục nhận được trên 50% doanh nghiệp đề nghị tăng giá từ sau ngày 12-3 với hàng trăm mặt hàng khác nhau. Ông Trà Bảo Hùng cho biết thêm, siêu thị cũng đang nỗ lực thương lượng với nhà cung cấp, tăng cường đặt hàng để có mức giá bán tốt nhất cho người tiêu dùng.
Lý giải về vấn đề tăng giá, Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Bình Dương Võ Hữu Thạch cho biết, có 2 yếu tố đã tác động đến giá các mặt hàng hiện nay: Yếu tố khách quan là do tỷ giá giữa đồng Việt Nam và USD đã ảnh hưởng đến hàng nhập khẩu. Bên cạnh đó, giá vàng trong nước biến động mạnh và giá nguyên liệu đầu vào luôn tăng... Yếu tố tâm lý cũng đóng vai trò quan trọng lạm phát, lãi suất... Những yếu tố này ít nhiều đã tác động đến giá hầu hết các nhóm hàng. Theo đánh giá của ông Thạch, có thể trong đợt tăng giá này chưa dừng lại do mức điều chỉnh giá điện, xăng vừa qua của Nhà nước chỉ có 1/3 so với mức giá các nước trong khu vực.
Chương trình bình ổn giá dịp trước trong và sau Tết Nguyên đán Tân Mão 2011 đã kết thúc. Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ lãi suất để bình ổn những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu cũng tạm dừng. Hiện tại, chợ truyền thống là nơi cung cấp phần nhiều (60%) lượng lương thực, thực phẩm cho người tiêu dùng, mà đây chính là nơi các tư thương hay tùy tiện tăng giá hàng hóa. 40% lượng hàng còn lại do các siêu thị, trung tâm thương mại và các kênh phân phối khác cung cấp. Do đó, nếu buông lỏng quản lý, không kiểm tra nhiều mặt hàng trên thị trường sẽ lợi dụng điều kiện tạo “bão giá” gây thêm khó khăn cho người tiêu dùng. Chương trình bình ổn giá trong dịp tết vừa qua, Sở Công Thương Bình Dương đã làm rất tốt vai trò quản lý Nhà nước về thương mại, góp phần bình ổn giá trên toàn địa bàn tỉnh. Thời gian tới, nhiều nhận định cho thấy, diễn biến thị trường khá phức tạp, các cơ quan, ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi tăng giá vô lý, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết... để bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng.
Trước tình hình giá nhiều mặt hàng đang tăng cùng lúc, các siêu thị như Citimart, Co.op Mart, Metro... cũng đang thực hiện rất nhiều chương trình khuyến mại “át” tăng giá, bằng việc tổ chức nhiều chương trình khuyến mại tặng kèm sản phẩm, giảm giá trực tiếp hoặc mua hàng tăng điểm thưởng (đổi điểm lấy quà)... Các chương trình này là nỗ lực giữ giá của siêu thị trong bối cảnh giá cả tăng đến chóng mặt trong khi cạnh tranh giữa các siêu thị ngày càng khắc nghiệt.
TRÚC HUỲNH