(BDO) Thời gian gần đây, tình trạng sử dụng chất cấm hay chất tăng trọng, chất tạo nạc trong chăn nuôi heo đã được các cơ quan báo chí phản ánh nhiều. Riêng tại tỉnh Bình Dương, vừa qua ngành chức năng cũng đã phát hiện một số trường hợp vi phạm.
Ngành chức năng đang lấy mẫu thử nước tiểu tại một trang trại heo ở xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng. Ảnh: THOẠI PHƯƠNG
Qua thanh kiểm tra các cơ sở chăn nuôi thời gian gần đây của ngành chức năng cho thấy có 4 trường hợp vi phạm; đã xử phạt hành chính 2 trường hợp, còn lại 2 trường hợp đang tiếp tục được xử lý. Mới đây, Chi cục Chăn nuôi, thú y và thủy sản tỉnh đã phát hiện một cơ sở đang bơm nước và tiêm thuốc an thần prozil fort trái phép vào thịt heo tại khu phố An Hòa, phường Hòa Lợi, TX.Bến Cát. Thuốc prozil fort có tác dụng làm cho heo ngủ, để tiện cho việc vận chuyển. Cơ quan chức năng khuyến cáo loại thuốc này là chất cấm sử dụng cho heo chuẩn bị giết mổ; người ăn phải thịt heo mới được tiêm thuốc trong vòng một tuần có nguy cơ mắc bệnh ung thư tủy, giảm hồng cầu, mục xương…
Ông Trần Phú Cường, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, thú y và thủy sản tỉnh, cho biết việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi trên địa bàn tỉnh có chiều hướng giảm từ sau Tết Nguyên đán Bính Thân. Tuy nhiên, vẫn còn vài trường hợp vi phạm. Những trường hợp vi phạm đều thuộc các hộ chăn nuôi thuê đất tạm bợ, nhỏ lẻ, thường sử dụng thức ăn dư thừa ở các bếp ăn tập thể, quán ăn và có sự tiếp tay của thương lái vì muốn có lợi nhuận cao.
Ông Cường cũng nhìn nhận mặc dù ngành chức năng đã tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, nhưng thịt heo trên thị trường được nhập từ nhiều nguồn khác nhau nên công tác quản lý gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó hiện nay, những trường hợp vi phạm thì chỉ mới dừng ở mức xử phạt hành chính, chưa có trường hợp đóng cửa, rút giấy phép kinh doanh cơ sở dùng chất cấm nên chưa đủ sức răn đe...
Theo ông Cường, từ ngày 1-7 tới, Bộ Luật Hình sự năm 2015 chính thức có hiệu lực, theo đó áp dụng mức phạt rất nặng cho các đối tượng, cơ sở vi phạm chất cấm. Cụ thể, đối tượng sản xuất, kinh doanh chất cấm có thể bị phạt 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, phạt tù 1-5 năm; vận chuyển chất cấm bị phạt 200 triệu đồng, phạt tù 1-5 năm; sử dụng chất cấm bị phạt 200-500 triệu đồng, phạt tù 1-5 năm; nếu có tình tiết tăng nặng có thể phạt đến 20 năm tù. Việc nâng cao khung hình phạt, cùng với các biện pháp quản lý chặt quy trình nhập khẩu và sử dụng chất thuộc nhóm beta-agonist, hy vọng trong thời gian tới tình trạng sử dụng chất cấm, chất tăng trọng và tạo nạc sẽ được giải quyết tốt.
Tới đây, Chi cục Chăn nuôi, thú y và thủy sản tỉnh sẽ tăng cường công tác tuyên truyền về tác hại của chất cấm trong chăn nuôi đến người dân, đồng thời thường xuyên kiểm tra các cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ; kiểm tra việc có pha trộn chất cấm trong thuốc thú y hay không và phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý triệt để các hành vi vi phạm.
Box: Chất tăng trọng, tạo nạc là một hợp chất hóa học thuộc họ beta-agonist được xếp vào loại chất độc cấm sử dụng trong chăn nuôi trên toàn thế giới. Chúng có tác dụng làm giãn phế quản, điều khiển các chất dinh dưỡng hướng tới mô cơ, tăng quá trình sinh tổng hợp protein để tích lũy nạc và giảm sinh tổng hợp mỡ, giảm tích lũy mỡ trong cơ thể. Nếu vật nuôi sử dụng nhiều và con người ăn phải các loại thực phẩm có chứa các chất trên thì có thể bị ngộ độc gây run cơ, đau tim, sẩy thai ở phụ nữ; trường hợp nặng có thể gây tử vong.
Thoại Phương