Bên cạnh mặt tích cực khi thị trường xuất khẩu phục hồi, đơn hàng nhiều hơn trong những tháng cuối năm, các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu đang đối mặt với không ít thách thức do nhiều thị trường xuất khẩu thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM).
Ngành gỗ đang đối mặt với biện pháp PVTM tại các thị trường xuất khẩu. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất gỗ tại Công ty TNHH Đông Tây (TP.Tân Uyên)
Gia tăng số vụ về PVTM
Trao đổi với phóng viên, bà Trương Thùy Linh, Phó Cục trưởng Cục PVTM Bộ Công thương, cho biết thời gian qua số vụ về PVTM đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam gia tăng nhanh chóng. Nếu như giai đoạn 2001- 2011 chỉ có 50 vụ thì giai đoạn 2012 đến nay có tới 205 vụ PVTM. Biện pháp PVTM được các nước sử dụng nhiều nhất là chống bán phá giá, với 140 vụ việc tính đến tháng 8-2024. “Trung bình mỗi tháng, DN xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt với khoảng 1,5 vụ điều tra liên quan đến chống bán phá giá, chống lẩn tránh xuất xứ hàng hóa và các biện pháp thuế quan. Những vụ điều tra này không chỉ gây gián đoạn đến chuỗi cung ứng mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và xuất khẩu của DN, của nước ta”, bà Trương Thùy Linh thông tin.
Chế biến và xuất khẩu gỗ là ngành kinh tế chủ lực của tỉnh Bình Dương, với hơn 300 DN, xuất khẩu gần 6 tỷ USD mỗi năm, đang đối mặt với khó khăn do vụ kiện chống bán phá giá từ các đối thủ xuất khẩu. Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, cho biết mặc dù nắm vững kiến thức về PVTM, các DN đã giảm thiểu được rủi ro, tuy nhiên việc đối diện với những vụ kiện chống bán phá giá gia tăng khiến cho DN sản xuất, xuất khẩu gỗ trong nước khá vất vả. Đặc biệt, các vụ việc gần đây có tính chất phức tạp gia tăng, khiến DN gặp nhiều khó khăn hơn. “Một vụ kiện liên quan đến sản phẩm tủ bếp và tủ nhà tắm tại Hoa Kỳ vừa qua cho thấy, mặc dù một số DN đã được loại trừ khỏi các cáo buộc nhưng ngành gỗ Việt Nam vẫn gặp nhiều trở ngại trong việc giải trình. Tuy vậy, với mức tăng trưởng 20% năm của ngành gỗ Việt Nam thì việc đối diện, chuẩn bị đối diện với nguy cơ liên quan đến vấn đề PVTM là không tránh khỏi”, ông Nguyễn Liêm cho hay.
Không chỉ thị trường Hoa Kỳ và các nước châu Âu có xu hướng tăng cường biện pháp PVTM, ông Đỗ Quốc Hưng, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công thương), cho biết hiện nay cả những thị trường được xem là “dễ tính” cũng gia tăng sử dụng biện pháp PVTM. “Đến nay, có tới 14/24 nước thuộc nhóm thị trường châu Á, châu Phi và châu Đại Dương - thị trường lớn đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam, đã điều tra 138 vụ việc PVTM khác nhau đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Các nước điều tra nhiều nhất là Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Australia, Indonesia, Philippines… Tại ASEAN, 4 nước gồm Malaysia, Indonesia, Philippines và Thái Lan cũng đã điều tra tới 48 vụ việc PVTM với hàng hóa đến từ Việt Nam. Đây là vấn đề lớn buộc DN phải nắm vững quy định tại các thị trường xuất khẩu và có biện pháp phòng ngừa rủi ro, ứng phó với các vụ kiện PVTM”, ông Đỗ Quốc Hưng cho biết.
Đánh giá sớm rủi ro thị trường
Việt Nam là một trong những quốc gia có độ mở nền kinh tế lớn nhất và đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA). Cụ thể, đến nay Việt Nam đã thiết lập quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư với hơn 230 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam đã ký kết và đang đàm phán 19 FTA.
Bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công thương, cho biết một trong những thách thức lớn nhất của DN nước ta hiện nay là quan điểm bảo hộ, tạo ra rào cản của các nước, vùng lãnh thổ nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. Bên cạnh mặt tích cực của tự do hóa thương mại và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, vẫn tồn tại những hoạt động đơn phương, trừng phạt, đối trọng, tạo sự kiềm chế… trong chính trị, kinh tế, thương mại và các hoạt động này có xu hướng ngày càng trở nên phổ biến. “DN cần liên kết chặt chẽ với Bộ Công thương và cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài để nhận được sự hỗ trợ thông tin và kết nối với các đối tác nhập khẩu, xây dựng chiến lược xuất khẩu hợp lý…”, bà Phan Thị Thắng nhấn mạnh.
Nhằm xử lý hiệu quả các biện pháp PVTM, bà Trương Thùy Linh đề nghị các hiệp hội và DN cân nhắc kỹ những rủi ro về PVTM để xây dựng kế hoạch sản xuất, xuất khẩu hợp lý, tăng cường cạnh tranh bằng chất lượng, hạn chế việc cạnh tranh bằng giá; hoàn thiện hệ thống truy xuất nguồn gốc, hệ thống sổ sách kế toán; đồng thời xây dựng chiến lược xuất khẩu đa dạng thị trường và tránh phát triển quá “nóng” vào một thị trường. Các hiệp hội, DN cần theo dõi thông tin cảnh báo của Bộ Công thương; trang bị kiến thức về pháp luật PVTM; cùng với đó tuân thủ nghiêm quy định về chứng nhận xuất xứ, không tiếp tay cho hành vi gian lận xuất xứ, lẩn tránh biện pháp PVTM; bên cạnh đó xây dựng chiến lược kháng kiện rõ ràng, thống nhất…
TIỂU MY - CẨM TÚ