Tăng cường quan hệ Việt Nam - Liên bang Nga vì hòa bình, hợp tác và phát triển

Cập nhật: 19-06-2024 | 10:27:49

Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin sẽ thăm cấp Nhà nước tới nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ ngày 19-20/6/2024.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Thủ tướng Viktor Chernomyrdin ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Liên bang Nga (Moskva, 16/6/1994). Ảnh: Minh Đạo/TTXVN

Diễn ra đúng vào dịp hai nước kỷ niệm 30 năm Ngày ký Hiệp ước về nguyên tắc cơ bản trong quan hệ hữu nghị Việt-Nga (1994-2024) và tiến tới kỷ niệm 75 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước trong năm 2025, chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Vladimir Putin tới Việt Nam là hoạt động đối ngoại có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Việt Nam và Liên bang Nga, trước đây là Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết (Liên Xô) luôn có mối quan hệ truyền thống rất đặc biệt. Vladimir Ilyich Lenin và Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại đã đưa đến bước ngoặt trên hành trình đi tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Liên Xô, sau này là Liên bang Nga, luôn là người bạn lớn, ân tình, son sắt, thủy chung của Việt Nam.

Ngày 30/1/1950, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết (Liên Xô) chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao.

Ngày 16/6/1994, Việt Nam và Liên bang Nga ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga, đặt nền móng và cơ sở pháp lý cho quan hệ hai nước trong giai đoạn phát triển mới.

Ngày 1/3/2001, Việt Nam và Liên bang Nga ký Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược. Ngày 27/7/2012, Việt Nam và Liên bang Nga ra Tuyên bố chung về tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.

Trong những năm qua, quan hệ hai nước phát triển rất tốt đẹp, nhanh chóng, toàn diện; là một mô hình trong quan hệ hợp tác cùng có lợi, bình đẳng, phù hợp với lợi ích vì hòa bình, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới. Sự hiểu biết lẫn nhau và tin cậy chính trị hai nước được nâng cao thông qua các chuyến thăm và trao đổi đoàn cấp cao.

Ngay sau Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng thống Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm trao đổi, chúc mừng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Sau đó, Chủ tịch Đảng Nước Nga Thống nhất Dmitry Medvedev điện đàm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đón, hội đàm với Chủ tịch Đảng Nước Nga Thống nhất, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev (Hà Nội, 22/5/2023). Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Năm 2023, theo Thỏa thuận hợp tác giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nước Nga Thống nhất, Chủ tịch Đảng Nước Nga Thống nhất Dmitry Medvedev có chuyến thăm chính thức Việt Nam.

Trong cuộc điện đàm cấp cao ngày 26/3/2024, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin đã trao đổi về nhiều vấn đề, trong đó, Tổng thống Vladimir Putin đã nhận lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang thăm Việt Nam. Qua các cuộc trao đổi, chuyến thăm lẫn nhau, lãnh đạo cấp cao hai nước đã trao đổi về tình hình quốc tế, tình hình hai nước và định hướng chính trị cho quan hệ tổng thể nói chung.

Trong đối ngoại, quan hệ đối ngoại Đảng rất phát triển, với nhiều hình thức hợp tác giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và các chính đảng lớn của Nga, trong đó có Đảng Nước Nga Thống nhất, Đảng Cộng sản Liên bang Nga, Đảng Nước Nga công bằng - Vì sự thật. Việt Nam và Liên bang Nga đã có những kênh hợp tác giữa Chính phủ, Quốc hội hai nước.

Việt Nam là nước đầu tiên ký Hiệp định thương mại tự do với Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) mà Nga là thành viên. Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Nga ở khu vực Đông Nam Á. Nga là một trong 5 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam ở châu Âu. Hai nước cũng có những dự án đầu tư sang nhau, trong đó có những lĩnh vực quan trọng và là thế mạnh của Nga như năng lượng, khoa học công nghệ, giáo dục - đào tạo... Bên cạnh đó, Việt Nam và Nga cũng có nhiều hình thức hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh.

Hợp tác giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ tiếp tục được duy trì. Hiện có khoảng 5.000 sinh viên Việt Nam du học ở Nga. Hợp tác văn hoá, thể thao, du lịch được triển khai tích cực với việc tổ chức thường niên và luân phiên Những ngày văn hoá tại mỗi nước. Về hợp tác địa phương, hai bên có khoảng 20 cặp quan hệ được thiết lập. Cộng đồng người Việt Nam tại Nga có khoảng 60.000 người, có nhiều đóng góp cho đất nước và sở tại, góp phần củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước. Hợp tác giao lưu nhân dân không ngừng được tăng cường...

Những vị khách Nga trở lại Khánh Hòa sau gần 2 năm thị trường du lịch bị "đóng băng" do ảnh hưởng dịch COVID-19. Ảnh tư liệu: Phan Sáu/TTXVN

Trước đại dịch COVID-19, khách du lịch Nga tới Việt Nam có số lượng lớn nhất trong số các nước châu Âu. Trong năm 2023 đã diễn ra Những ngày văn hóa Việt Nam tại Nga; dự kiến năm 2024 sẽ tổ chức Những ngày văn hóa Nga tại Việt Nam.

Nhìn lại mối quan hệ Việt Nam - Liên bang Nga, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung nhận định: “Về tổng thể, quan hệ giữa hai nước đã phát triển toàn diện, mạnh mẽ, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, vì lợi ích, hòa bình, ổn định, hợp tác ở khu vực và trên thế giới”.

Tổng thống Vladimir Putin là người trực tiếp cùng các lãnh đạo cấp cao của Việt Nam thỏa thuận thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam và Liên bang Nga vào năm 2001 và sau đó là Đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2012.

Trong chuyến thăm thứ 5 tới Việt Nam, Tổng thống Vladimir Putin và Đoàn đại biểu cấp cao của Nga sẽ có các cuộc hội đàm, hội kiến, trao đổi với các lãnh đạo cấp cao của Việt Nam và một số hoạt động có ý nghĩa khác, qua đó tiếp tục củng cố và phát triển mối quan hệ Việt - Nga.

Trong khuôn khổ các cuộc hội đàm, hội kiến, các lãnh đạo cấp cao của Việt Nam và Tổng thống Vladimir Putin cùng Đoàn đại biểu cấp cao của Nga sẽ trao đổi về tình hình mỗi nước, đánh giá về tình hình quốc tế, nhất là các vấn đề cùng quan tâm như duy trì hòa bình, hợp tác và phát triển, giải quyết tranh chấp, lành mạnh hóa và thực hiện các khuôn khổ quan trọng như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), tiến tới Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) cũng như phương hướng thúc đẩy hợp tác trên nhiều mặt trong thời gian sắp tới.

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung nhấn mạnh: “Chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Vladimir Putin tới Việt Nam, theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thể hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa của Việt Nam”.

Bên cạnh đó, chuyến thăm góp phần khẳng định vị thế, uy tín của đất nước; khẳng định đường lối đối ngoại nhất quán của Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 34-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số định hướng, chủ trương lớn triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng, tiếp tục được triển khai tổng thể nhằm thúc đẩy và làm sâu sắc quan hệ đối với các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, các đối tác quan trọng khác của Việt Nam; đồng thời phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại góp phần tạo lập, gìn giữ hòa bình, huy động nguồn lực cho phát triển.

Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam diễn ra chỉ ít lâu sau khi Tổng thống Vladimir Putin nhậm chức nhiệm kỳ mới thể hiện sự đánh giá cao của nước Nga, cá nhân Tổng thống Vladimir Putin cũng như cộng đồng quốc tế về cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam qua 40 năm đổi mới, trên cơ sở kế thừa quá trình đấu tranh với nhiều nỗ lực của dân tộc ta qua nhiều thế hệ. Đồng thời, chuyến thăm khẳng định sự coi trọng đối với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự trân trọng của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin đối với cá nhân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - người có nhiều đóng góp đối với quan hệ hai nước.

Với mối quan hệ truyền thống hữu nghị rất tốt đẹp, được sự ủng hộ mạnh mẽ, tình cảm của nhân dân hai nước và trên cơ sở những thành tựu đã đạt được, chuyến thăm của Tổng thống Vladimir Putin tới Việt Nam là dịp quan trọng để nâng tầm quan hệ hai nước, tranh thủ tiềm năng và phát huy lợi thế của cả hai bên, đề ra những phương hướng mới cho quan hệ hợp tác song phương vì mục tiêu chung, vì lợi ích của hai dân tộc, đóng góp tích cực vào hòa bình, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=883
Quay lên trên