(BDO) Kết quả tốt
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn UBND các huyện, thị, thành phố triển khai thực hiện kế hoạch hành động năm cao điểm về vệ sinh ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp theo sự chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh.
Để tăng cường quản lý chất lượng nông sản, thời gian qua các cơ quan, đơn vị đã đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền, đào tạo, tập huấn đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh (SXKD) nông, lâm, thủy sản. Chú trọng tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật và những kiến thức cần thiết về ATTP. Tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức, trách nhiệm về công tác bảo đảm ATTP.
Cán bộ thú y kiểm tra ATTP tại Cơ sở giết mổ Út Hảo (TP.Dĩ An)
Ngoài ra, hỗ trợ xây dựng, phát triển các cơ sở, mô hình SXKD nông, lâm, thủy sản an toàn, kết nối chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Cùng với đó, triển khai thực hiện và phối hợp hiệu quả công tác kiểm tra liên ngành, thanh tra chuyên ngành về ATTP của các chi cục thuộc Sở NN&PTNT, nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Truy xuất và xử lý triệt để các cơ sở SXKD đưa sản phẩm vi phạm ATTP lưu thông trên thị trường. Đồng thời, chú trọng công tác thẩm tra, chứng nhận đủ điều kiện ATTP cho các cơ sở SXKD nông, lâm, thủy sản, cấp giấy chứng nhận xuất xứ nguồn gốc cho các sản phẩm nông sản.
Thông qua thực hiện các giải pháp tăng cường quản lý chất lượng nông sản, trong 9 tháng năm 2021, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh tham gia đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh kiểm tra 15 cơ sở SXKD thực phẩm trên địa bàn. Mặt khác, tiến hành 2 đợt giám sát bảo đảm ATTP trong SXKD thực phẩm nông sản, thủy sản 3 cửa hàng và 26 quầy sạp kinh doanh tại 9 chợ kinh doanh thực phẩm trên địa bàn huyện, thị, thành phố. Ngoài ra, đã lấy 90 mẫu thực phẩm kiểm nghiệm các chỉ tiêu về ATTP theo quy định, có 28/90 mẫu không đạt các chỉ tiêu. Đồng thời, phối hợp kiểm tra chuyên ngành, đánh giá, xếp loại các cơ sở SXKD chế biến thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Qua đánh giá, xếp loại, trong 40 cơ sở SXKD thực phẩm nông lâm sản và thủy sản có 25 cơ sở xếp loại A, 12 cơ sở xếp loại B.
Ngoài ra, công tác quản lý ATTP đã nhận được sự quan tâm ủng hộ, tích cực vào cuộc của các tổ chức đoàn thể trong công tác tuyên truyền, vận động, giám sát; nhiều phong trào thi đua, mô hình, điển hình tốt về ATTP được phát huy, đẩy mạnh tại nhiều địa phương. Qua đó, đã xuất hiện các mô hình mới về sản xuất nông nghiệp bảo đảm ATTP, hữu cơ, có không ít mô hình đã và đang được nhân rộng ra nhiều huyện, thị, thành phố, như sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, theo hướng công nghệ cao.
Chú trọng thanh tra, kiểm tra
Trong những năm qua, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh luôn tăng cường công tác tuyên truyền về ATTP trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, giết mổ, thu hoạch, sơ chế, chế biến và bảo quản thực phẩm nhằm bảo đảm an toàn dịch bệnh, ATTP. Theo đó, ngành đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý kịp thời các vi phạm về chất lượng ATTP nông, lâm, thủy sản theo đúng quy định của pháp luật. Tập trung vào các cơ sở sơ chế, chế biến, kinh doanh động vật và sản phẩm động vật, sản phẩm thủy sản và cơ sở SXKD rau quả.
Bên cạnh đó, tăng cường lấy mẫu giám sát, cảnh báo các nguy cơ gây mất ATTP nông, lâm, thủy sản. Đẩy mạnh việc xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được xác nhận; đồng thời, công khai danh sách và địa chỉ bán sản phẩm an toàn trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hướng dẫn trình tự, thủ tục chứng nhận cơ sở SXKD nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện ATTP; nghiệp vụ lấy mẫu thực phẩm nông, lâm, thủy sản trong thực hiện công tác quản lý nhà nước.
Về sản xuất chăn nuôi, giết mổ, áp dụng xử lý chất thải bằng biogas hoặc các giải pháp công nghệ xử lý hiệu quả, sạch, đơn vị luôn tổ chức kiểm tra, giám sát xử lý môi trường tại các cơ sở chăn nuôi và cơ sở giết mổ. Qua kiểm tra, các cơ sở chăn nuôi đều có đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường và có hệ thống hầm xử lý biogas; hầu hết các cơ sở giết mổ được đánh giá theo quy định đều đạt tiêu chuẩn QCVN62:2016/BTNMT.
Để hạn chế tối đa tình trạng vi phạm về chất lượng và ATTP trong nông nghiệp, việc củng cố lại quy trình sản xuất là hết sức cần thiết. Trong đó, người sản xuất, chế biến cũng như kinh doanh nông sản cần bảo đảm các điều kiện về vệ sinh cơ sở, con người, trang thiết bị dụng cụ, tuân thủ các quy định về ATTP và khuyến cáo về thời gian cách ly, thời gian ngừng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh... Cùng với việc tăng cường kiểm tra, giám sát của ngành chức năng, công tác quản lý ATTP mang lại hiệu quả cao nhất khi các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực hiện nghiêm túc quy định ATTP trong suốt chuỗi sản xuất từ giống cây trồng, vật nuôi, quy trình canh tác, thu hoạch, vận chuyển, chế biến và tiêu thụ.
THOẠI PHƯƠNG