Năm 2021, Bộ Tài chính có kế hoạch tổng thể thực hiện các giải pháp quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử (TMĐT). Hiện ngành thuế tỉnh đã và đang nỗ lực triển khai các giải pháp chuyên ngành liên quan để đáp ứng yêu cầu quản lý chặt chẽ, hiệu quả.
Ngành thuế tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số mạnh mẽ với mục tiêu tiến tới tài chính số. Trong ảnh: Kiểm tra hồ sơ thuế tại Cục Thuế tỉnh
Nhiều giải pháp quản lý
Theo Cục Thuế Bình Dương, sau chỉ đạo cụ thể của Tổng cục Thuế, Cục Thuế tỉnh ban hành kế hoạch, thành lập tổ triển khai và thực hiện quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ số. Theo đó, Cục Thuế tỉnh xây dựng phương án thu thập dữ liệu, phân loại người nộp thuế kinh doanh TMĐT theo từng hoạt động khác nhau.
Cụ thể, đối với nhóm kinh doanh TMĐT bán hàng online, Cục Thuế tỉnh thu thập thông tin các tổ chức, cá nhân có chức năng chuyển phát, đề nghị cung cấp danh sách, doanh thu, địa chỉ, số điện thoại… của các tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT cho cơ quan thuế. Đối với nhóm kinh doanh trên nền tảng Facebook, Zalo… Cục Thuế tỉnh làm thí điểm từ khâu thu thập thông tin người nộp thuế, số điện thoại, địa chỉ, doanh thu bán hàng, từ đó hướng dẫn các chi cục thuế triển khai thực hiện thống nhất trên địa bàn tỉnh. Đối với nhóm kinh doanh đăng tải sản phẩm, nội dung thông tin số trên các nền tảng nước ngoài, Cục Thuế tỉnh phối hợp với Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Bình Dương chỉ đạo các ngân hàng thương mại cung cấp khoản thu nhập từ Google, Data… cho cơ quan thuế.
Cục Thuế tỉnh đẩy mạnh quản lý thuế trên nền tảng số, bản đồ số hộ kinh doanh trên ứng dụng Etax Mobile. Đã triển khai đến hơn 11.680 tài khoản người nộp thuế, bảo đảm thu đúng, thu đủ, tăng cường vai trò giám sát của người nộp thuế và giữa các hộ kinh doanh, tạo công bằng và minh bạch. Đối với việc quản lý thuế các hộ, cá nhân kinh doanh, Cục Thuế tỉnh cũng phối hợp cùng các nhà mạng triển khai thí điểm chợ thanh toán không dùng tiền mặt để từng bước thúc đẩy, nhân rộng mô hình chợ 4.0.
Đẩy mạnh tuyên truyền
Chị Nguyễn Thị Ý Nhi, chủ hộ kinh doanh quần áo thời trang ở phường Hiệp Thành, TP.Thủ Dầu Một, cho biết: “Sau khi được cán bộ ngành thuế tuyên truyền, bản thân tìm hiểu trên các trang web về thuế, nhận thấy bản đồ số hộ kinh doanh sẽ giúp chúng tôi dễ dàng nắm bắt thông tin về các chính sách thuế mới; đồng thời kiểm tra, giám sát mức thuế khoán hàng tháng của mình, cũng như tham khảo thông tin từ nhiều cơ sở khác kinh doanh cùng ngành hàng. Bên cạnh đó, ứng dụng bản đồ số hộ kinh doanh còn giúp chúng tôi quảng bá sản phẩm, dịch vụ, góp phần thu hút thêm nhiều khách hàng, tăng doanh thu. Do đó, khi ngành thuế yêu cầu triển khai thực hiện, tôi rất đồng tình, hưởng ứng”.
Bản đồ số hộ kinh doanh được triển khai trên ứng dụng Etax Mobile để tạo điều kiện thuận lợi cho hộ kinh doanh, người dân, doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức khác tra cứu, phản hồi thông tin trên thiết bị thông minh mọi lúc, mọi nơi. Bản đồ số hộ kinh doanh được cài đặt, quản lý và vận hành tập trung tại Tổng cục Thuế, các thông tin được cập nhật tự động, thường xuyên, liên tục từ thông tin do cơ quan thuế đã phê duyệt công khai trên webside của Cục Thuế tỉnh.
Tuy nhiên, theo khó khăn lớn nhất là quản lý đầy đủ đối tượng nộp thuế và các nguồn thu thuế. Các doanh nghiệp, cá nhân chưa tự giác kê khai nộp thuế. Các nhà cung cấp dịch vụ trên nền tảng số có hành vi, cơ hội để trốn thuế. Các doanh nghiệp kinh doanh TMĐT có hành vi gian lận thuế như không đăng ký kinh doanh/đăng ký nộp thuế, không kê khai hoặc kê khai thấp giá trị giao dịch/thu nhập để trốn thuế. Cùng với đó là sự phát triển nhanh chóng, bùng nổ cùng nhiều hình thức trong kinh doanh TMĐT đặt ra những thách thức không nhỏ đối với cơ quan thuế các cấp trong công tác quản lý, xác định đối tượng nộp thuế, xác định căn cứ tính thuế, phân biệt rõ loại thu nhập làm cơ sở đánh thuế, kiểm soát giao dịch kinh doanh...
Để tiếp tục chống thất thu cho ngân sách Nhà nước, ngành thuế sẽ tham mưu ban hành kịp thời các văn bản, kế hoạch về quản lý thuế TMĐT. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh TMĐT, giao nhận hàng hóa, chuyển phát nhanh. Phối hợp với các sở, ngành, ngân hàng thương mại, các đơn vị có chức năng chuyển phát để tiến hành rà soát xác minh thông tin người nộp thuế. Nghiên cứu áp dụng các phần mềm, công cụ tìm kiếm để kết xuất dữ liệu, truy vết giao dịch liên quan đến hoạt động TMĐT…
Bên cạnh đó, cơ quan thuế các cấp tổ chức tuyên truyền rộng rãi bằng nhiều hình thức, linh hoạt góp phần lan tỏa chủ trương chính sách về phát triển TMĐT, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về thuế, bảo đảm công bằng, bình đẳng trong việc thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước.
THANH HỒNG