Việc tăng cường quản lý thuế trong doanh nghiệp (DN) có giao dịch liên kết (GDLK) là một trong những giải pháp nhằm giảm thất thu ngân sách. Vì vậy, cùng với các các biện pháp tăng cường công tác quản lý thu đối với các GDLK, việc nâng cao năng lực thanh tra, kiểm tra của cơ quan thuế sẽ góp phần tăng thu ngân sách.
Cán bộ ngành thuế giải đáp các vướng mắc của DN trong khai báo thuế tại Cục Thuế tỉnh
Nhiều sai sót trong khai báo
Trong hơn 2 năm qua, để giúp DN vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách như miễn, giảm, giãn thuế. Tuy nhiên, khi nền kinh tế dần lấy lại đà tăng trưởng, công tác thanh tra kiểm tra (TTKT) thuế, chống thất thu thuế, đặc biệt đối với hoạt động thanh, kiểm tra chuyên đề giá chuyển nhượng trong giao dịch của các DN có GDLK ngày càng được chú trọng.
Theo Cục Thuế tỉnh, tính đến ngày 30-6, trên địa bàn tỉnh có 1.379 DN có kê khai GDLK. Qua đánh giá, trong quá trình khai báo thuế, một số trường hợp sai sót là DN không thuộc trường hợp miễn trừ, nhưng vẫn kê khai là được miễn; khi tiến hành lập hồ sơ về GDLK, kế toán ở các DN thường ghi thiếu mã số thuế, chọn không đúng quốc gia của bên liên kết, xác định mối quan hệ giữa các bên chưa đúng, hạch toán chi phí liên quan đến các GDLK chưa đáp ứng được quy định… Sau khi được nhắc nhở và hướng dẫn của cơ quan thuế, DN tự kê khai điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế.
“Hoạt động TTKT về thuế và giá GDLK của cơ quan quản lý ngày càng hiệu quả. Bên cạnh đó, kể từ khi thực hiện Nghị định số 20 về tăng cường thanh tra, kiểm soát DN, chống thất thu ngân sách, số lượng DN tự nguyện kê khai GDLK đã tăng lên qua các năm. Các DN đã dần dần chuyển biến về nhận thức, tự giác tuân thủ việc kê khai về đối tượng áp dụng và lập hồ sơ xác định giá GDLK”, ông Phạm Việt Anh, Trưởng phòng TTKT thuế số 4 - Cục Thuế tỉnh, nhận định.
Kiểm soát hiệu quả
Theo ông Phạm Việt Anh, với đặc thù là tỉnh có nhiều DN FDI hoạt động, Cục Thuế tỉnh chú trọng công tác quản lý thuế đối với các DN có GDLK nhằm kịp thời ngăn ngừa các hành vi chuyển giá, trốn thuế, tăng thu ngân sách Nhà nước và bảo đảm môi trường đầu tư minh bạch. Chính vì vậy, từ đầu năm 2023, lãnh đạo Cục Thuế tỉnh đã chuyển đổi mô hình quản lý các DN FDI có kê khai GDLK tập trung về Phòng TTKT thuế số 4 quản lý. Từ đó kết quả số đơn vị triển khai cũng như số thu NSNN qua TTKT về GDLK tăng rất đáng kể.
Cũng theo ông Phạm Việt Anh, tuy công tác TTKT thuế đạt được kết quả khả quan nhưng hiện tại ngành vẫn còn một số tồn tại. Cụ thể, Cục Thuế tỉnh chưa được phân quyền truy xuất dữ liệu toàn quốc do đó rất bị động trong việc khai thác cơ sở dữ liệu để so sánh khi thực hiện nhiệm vụ. Khi không có cơ sở dữ liệu xác định mối quan hệ liên kết toàn cầu (OBIT), việc khai thác đấu tranh xác định mối quan hệ liên kết cũng như các giao dịch với bên liên kết không có cơ sở (nếu DN không tự khai sẽ không thể xác định). Trong công tác thanh tra giá trị chuyển nhượng khi xây dựng kế hoạch và triển khai xây dựng bộ tỷ suất tham chiếu còn gặp nhiều khó khăn do nhiều DN chưa thực hiện kê khai GDLK.
Để nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với DN nói chung DN FDI nói riêng, Cục Thuế tỉnh tiếp tục triển khai quán triệt Nghị định 68, Nghị định 132 của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với DN có GDLK. Đồng thời, Cục Thuế tỉnh cũng kiến nghị Tổng cục Thuế phân quyền cho Cục Thuế tỉnh để được khai thác cơ sở dữ liệu so sánh các ngành cũng như khai thác dữ liệu mối quan hệ toàn cầu.
Bên cạnh đó, ứng dụng tin học vào phân tích lựa chọn DN để lên kế hoạch, xây dựng đề cương thanh tra dựa trên việc khai thác và phân tích cơ sở dữ liệu của hệ thống cơ quan thuế để đạt hiệu quả cao. Song song đó, việc xác định giá chuyển nhượng trong GDLK là một vấn đề khó khăn phức tạp, đòi hỏi cán bộ thuế phải được đào tạo chuyên sâu.
THANH HỒNG