Tăng cường quảng bá, nâng cao thương hiệu sản phẩm địa phương
TP.Tân Uyên là địa phương tập trung nhiều sản phẩm OCOP (Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”) của tỉnh, mang đậm nét văn hóa và đặc sản địa phương. Việc quảng bá, nâng cao thương hiệu các sản phẩm địa phương đóng vai trò then chốt trong việc gia tăng giá trị sản phẩm, góp phần phát triển du lịch bền vững.
Nâng cao thương hiệu Bưởi Bạch Đằng
Xã Bạch Đằng nằm bên dòng sông Đồng Nai, không chỉ là một vùng đất giàu truyền thống cách mạng mà còn sở hữu những lợi thế tự nhiên để phát triển kinh tế nông nghiệp và du lịch. Đặc biệt, bưởi Bạch Đằng đã trở thành thương hiệu đặc sản nổi tiếng, mang lại giá trị kinh tế cho địa phương.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã Bạch Đằng, cho biết thời gian qua UBND xã phối hợp với các đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia quảng bá sản phẩm chủ lực của địa phương, bán sản phẩm qua kênh thương mại điện tử, đưa thương hiệu Bưởi Bạch Đằng ngày càng vươn xa.
Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 88,612 triệu đồng/ năm. Cơ cấu kinh tế phát triển theo định hướng nông nghiệp - thương mại - dịch vụ du lịch sinh thái vườn. Các tiềm năng và lợi thế về vườn bưởi đặc sản được địa phương quan tâm đầu tư phát triển; gắn sản xuất với phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng..
Có thể thấy, thương hiệu Bưởi Bạch Đằng đã khẳng định vị thế và mang đậm dấu ấn địa phương. Bên cạnh đó, Lễ hội Hương bưởi Bạch Đằng được tổ chức 2 năm/lần thu hút hàng chục ngàn lượt khách tham quan, góp phần quan trọng xúc tiến thương mại - du lịch địa phương, giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của TP.Tân Uyên đến với du khách thập phương. Hiện các vườn bưởi tại xã Bạch Đằng cũng được đầu tư để phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.
Ông Dương Văn Minh, nông dân trồng bưởi có tiếng ở xã Bạch Đằng, chia sẻ vườn bưởi của ông được biết đến nhiều hơn từ khi phục vụ khách tham quan du lịch. Hiện ông đang phối hợp với địa phương quảng bá mạnh hơn thương hiệu Bưởi Bạch Đằng, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái tại địa phương mình.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết để phát triển thương hiệu bưởi và tận dụng tiềm năng du lịch sinh thái, thời gian tới, UBND xã Bạch Đằng sẽ tham mưu UBND TP.Tân Uyên đầu tư nâng cấp đường giao thông, bến thuyền và các cơ sở dịch vụ phục vụ khách du lịch; chú trọng đào tạo nhân lực; kêu gọi đầu tư phát triển du lịch cù lao Bạch Đằng.
Chú trọng quảng bá sản phẩm OCOP
Mới đây, TP.Tân Uyên đã tổ chức hội chợ nông sản và ẩm thực gắn với quảng bá, xúc tiến du lịch thành phố. Đây là sự kiện văn hóa được tổ chức lần đầu tiên trên địa bàn TP.Tân Uyên, với quy mô 44 gian hàng.
Trong 3 ngày diễn ra hội chợ, du khách được tham quan gian hàng quảng bá, giới thiệu ngành du lịch của thành phố; các gian hàng ẩm thực quê hương với các món ăn miền quê, các loại bánh dân gian, chế biến từ nông sản của thành phố; các gian hàng trưng bày nông sản tiêu biểu, sản phẩm OCOP chất lượng đến từ 12 xã, phường của thành phố. Theo lãnh đạo TP.Tân Uyên, hội chợ là cơ hội để các chủ thể sản phẩm OCOP của thành phố và các địa phương bạn giao lưu, kết nối giao thương, quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại nhằm không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, năng lực chủ thể OCOP, đặc biệt là người tiêu dùng hiểu biết hơn về sản phẩm để mua sắm phục vụ nhu cầu của mình.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Ly, Giảng viên trường Đại học Văn Lang, cho rằng TP.Tân Uyên là một trong những địa phương có tiềm năng lớn về du lịch và nông sản, nơi tập trung nhiều sản phẩm OCOP mang đậm nét văn hóa và đặc sản địa phương. Việc truyền thông và quảng bá các sản phẩm OCOP tại đây đóng vai trò then chốt trong việc gia tăng giá trị cho sản phẩm, thúc đẩy kinh tế địa phương và góp phần phát triển du lịch bền vững.
Với những tiềm năng và thế mạnh sẵn có, TP.Tân Uyên cần tận dụng tối đa các cơ hội và nguồn lực để phát triển và quảng bá sản phẩm OCOP của mình. Bằng cách xây dựng chiến lược truyền thông toàn diện, sáng tạo và bền vững, TP.Tân Uyên sẽ không chỉ nâng cao giá trị sản phẩm OCOP mà còn đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa của địa phương.
Theo Văn phòng điều phối chương trình mục tiêu quốc gia, Bình Dương hiện có 106 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó TP.Tân Uyên đóng góp 21 sản phẩm (đạt chuẩn từ 3 đến 4 sao). Những sản phẩm này từng bước khẳng định được vị thế trên thị trường, không chỉ tiêu thụ tại chỗ mà còn được phân phối rộng rãi ở các chuỗi siêu thị và thị trường quốc tế.
TRIẾT NHÂN - VĂN DŨNG