Tăng cường theo hướng chuyên nghiệp trong hoạt động thanh tra

Cập nhật: 13-06-2022 | 16:55:44

Trụ sở Thanh tra tỉnh Quảng Nam. Ảnh minh họa.

Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) được Quốc hội tiếp tục cho ý kiến tại phiên thảo luận tại hội trường ngày 13/6.

Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) gồm 8 chương, 116 điều (trong đó, bổ sung thêm 61 điều, sửa đổi 41 điều và lược bỏ 24 điều so với luật hiện hành). Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) được xây dựng theo hướng sắp xếp, tổ chức lại các cơ quan thanh tra cho phù hợp với yêu cầu quản lý của từng lĩnh vực, bảo đảm thu gọn đầu mối các cơ quan thanh tra nhưng vẫn bảo đảm hoạt động quản lý Nhà nước trong tất cả các lĩnh vực đều được thanh tra, kiểm tra một cách có hiệu quả.

Các hoạt động thanh tra sẽ được tăng cường theo hướng chuyên nghiệp, vừa bảo đảm tính chủ động và tự chịu trách nhiệm của các cơ quan thanh tra, vừa bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của thủ trưởng các cơ quan quản lý Nhà nước.

Dự thảo Luật cũng cố gắng phân định thẩm quyền và xử lý chồng chéo, trùng lặp giữa các cơ quan thanh tra, giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán và hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm tra thường xuyên của cơ quan quản lý.

Những sửa đổi này được kỳ vọng sẽ hạn chế những khó khăn, vướng mắc sau hơn 10 năm thi hành Luật Thanh tra năm 2010. Dự luật đã có nhiều điểm mới trong quy định về trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước trong công tác thanh tra, kiểm tra; tổ chức, chức năng và nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thực hiện chức năng thanh tra (Thanh tra Chính phủ, thanh tra bộ, thanh tra tổng cục, cục, thanh tra tỉnh, thanh tra sở, thanh tra huyện, thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan Nhà nước khác). Bên cạnh đó là quy định về thanh tra viên; hoạt động thanh tra; thực hiện kết luận thanh tra…

Tiếp tục duy trì mô hình thanh tra huyện

Về vấn đề bỏ Thanh tra cấp huyện còn nhiều ý kiến khác nhau, dự thảo Luật kế thừa quy định về hệ thống tổ chức cơ quan thanh tra theo cấp hành chính như Luật Thanh tra hiện hành, gồm Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh và Thanh tra huyện.

Tuy nhiên, về mô hình tổ chức Thanh tra huyện, quá trình thảo luận còn có 2 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất tán thành tiếp tục duy trì mô hình tổ chức Thanh tra huyện. Loại ý kiến thứ hai cho rằng cần nghiên cứu, có giải pháp đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động của các cơ quan thanh tra, theo đó không tổ chức cơ quan thanh tra cấp huyện.

Qua quá trình tiếp thu ý kiến, cơ quan soạn thảo quyết định giữ nguyên quy định về Thanh tra huyện trong dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi). Thẩm tra về dự án Luật, đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tán thành việc tiếp tục mô hình tổ chức Thanh tra huyện; bên cạnh đó đề nghị bổ sung quy định về việc thành lập cơ quan thanh tra tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Như vậy, về các cơ quan thanh tra theo cấp hành chính, theo dự thảo Luật, Thanh tra Chính phủ là cơ quan quản lý Nhà nước cao nhất của Chính phủ về các lĩnh vực thanh tra và thực hiện quyền thanh tra trong các lĩnh vực công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.

Ngoài những nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định trước đây, dự thảo Luật nhấn mạnh quyền hạn và trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ trong kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn theo tinh thần của Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 và trong công tác tiếp công dân. Ngoài các cục, vụ phụ trách các lĩnh vực công tác thanh tra, dự kiến sẽ thành lập Ủy ban Thanh tra trong cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ để giúp Tổng Thanh tra Chính phủ xem xét, quyết định các vấn đề về chính sách, pháp luật thanh tra, định hướng công tác thanh tra.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật tổ chức, sắp xếp lại các cơ quan thanh tra sở, thanh tra huyện và thanh tra tỉnh theo hướng thu gọn đầu mối. Về cơ quan thanh tra theo ngành, tổ chức, sắp xếp lại các cơ quan thanh tra của các bộ theo hướng thanh tra bộ thực hiện thanh tra hành chính trong phạm vi quản lý của bộ trưởng và thực hiện thanh tra chuyên ngành đối với những lĩnh vực quản lý không tổ chức thanh tra chuyên ngành ở các tổng cục, cục thuộc bộ.

Cần nhấn mạnh hơn vào phát hiện sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách

Nhiều bản kết luận thanh tra trong thời gian qua cho thấy tỷ lệ kiến nghị về sửa đổi cơ chế, chính sách còn hạn chế, kiến nghị chủ yếu là thu hồi tiền, tài sản do hành vi sai phạm.

Ảnh minh họa.

Trong khi đó, việc phát hiện và xử lý hành vi vi phạm chỉ thực sự có ý nghĩa khi thông qua việc phát hiện và xử lý hành vi sai phạm, cơ quan thanh tra nhìn thấy được những sở hở, bất cập của cơ chế, chính sách, pháp luật. Đó mới chính là nguyên nhân gốc rễ dẫn tới hành vi vi phạm.

Nếu chỉ chú trọng phát hiện và xử lý sai phạm mang tính chất riêng lẻ mà không khắc phục sở hở, bất cập trong chính sách, pháp luật sẽ dẫn đến tình trạng xử lý xong sai phạm chỗ này, chỗ khác lại nảy sinh sai phạm.

Để khắc phục điều này, nhiều ý kiến cho rằng cần nghiên cứu điều chỉnh quy định về mục đích của hoạt động thanh tra theo hướng nhấn mạnh nhiều hơn vào mục đích phát hiện sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, quy định mục đích phát hiện và xử lý hành vi vi phạm phải gắn với việc rà soát, phát hiện sở hở, bất cập trong cơ chế, chính sách.

Liên quan đến kết luận thanh tra, dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi đã bổ sung một quy định quan trọng, đó là: "Người ra quyết định thanh tra có thể ban hành kết luận bổ sung, sửa đổi, thay thế một phần hoặc toàn bộ Kết luận thanh tra khi có căn cứ cho thấy Kết luận thanh tra không bảo đảm đầy đủ, chính xác, khách quan, làm ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân."

Quy định này có mặt tích cực là giúp tạo ra cơ hội cho người ký kết luận thanh tra có thể sửa chữa các sai sót liên quan đến nội dung kết luận thanh tra. Tuy nhiên, để đạt được ý nghĩa tích cực đó, nhiều ý kiến cho rằng cần phải có những quy định hết sức cụ thể về căn cứ, điều kiện, trình tự, thủ tục bổ sung, sửa đổi, thay thế một phần hoặc toàn bộ kết luận thanh tra.

Bởi vì, kết luận thanh tra không phải là sản phẩm của một cá nhân riêng lẻ mà là kết quả công tác của cả Đoàn thanh tra trong một khoảng thời gian dài, đã được xem xét, thảo luận, thẩm định, chỉnh sửa qua nhiều lần bởi nhiều chủ chủ có liên quan, trong đó có cả các chủ thể là đối tượng thanh tra. Do đó không thể tùy tiện bổ sung, sửa đổi, thay thế một phần hoặc toàn bộ kết luận thanh tra mà không có căn cứ, điều kiện và trình tự, thủ tục cụ thể, đúng pháp luật.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật quy định rõ giá trị pháp lý của kết luận thanh tra là căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra các quyết định xử lý vi phạm được phát hiện qua thanh tra; là căn cứ để cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan chấn chỉnh công tác quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động; là cơ sở để các cơ quan, tổ chức nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, pháp luật nhằm hoàn thiện thể chế quản lý Nhà nước.

Về quy định này, nhiều ý kiến cho rằng kết luận thanh tra phải tăng cường phát hiện sở hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật - là nội dung phản ánh mục đích quan trọng nhất của hoạt động thanh tra. Đây cũng chính là một phần nguyên nhân của thực trạng rất nhiều bản kết luận thanh tra thời gian qua chỉ tập trung chỉ ra sai phạm của đối tượng thanh tra, ít nêu ra những sở hở, bất cập về chính sách, pháp luật để kiến nghị biện pháp khắc phục. Chính điều này đã phần nào làm giảm đi ý nghĩa của hoạt động thanh tra trong quản lý nhà nước.

Để khắc phục hạn chế này, các ý kiến cho rằng, dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi cần bổ sung quy định, kết luận thanh tra phải chỉ rõ những sở hở, bất cập, hạn chế, thậm chí cả những dấu hiệu tham nhũng, lợi ích nhóm trong soạn thảo, ban hành quy phạm pháp luật, câu kết thực hiện hành vi vi phạm pháp luật./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=877
Quay lên trên