Tăng cường thực hiện quy chế dân chủ trong các doanh nghiệp

Cập nhật: 18-01-2011 | 00:00:00

Đẩy mạnh thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) trong các doanh nghiệp (DN) là nhằm góp phần ổn định tình hình lao động, giảm thiểu tranh chấp lao động tập thể. Trong thời gian qua, nhiều DN trên địa bàn đã thực hiện tốt QCDC và đạt được nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên, vẫn còn có DN né tránh và chưa thực hiện tốt QCDC, làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người lao động (NLĐ).

Triển khai thực hiện quyết liệt

Đánh giá của Thường trực Ban Chỉ đạo (BCĐ) thực hiện QCDC tỉnh cho thấy, đến nay Tổ nghiệp vụ 87 của UBND tỉnh tiếp tục triển khai việc theo dõi, hướng dẫn các DN, đồng thời tham mưu cho UBND tỉnh và BCĐ chỉ đạo thực hiện Nghị định 87 của Chính phủ về thực hiện QCDC trong các công ty cổ phần, công ty TNHH trên địa bàn. Theo đó, các sở, ban ngành đã triển khai Nghị định 87 và các văn bản pháp luật, quy định về lương tối thiểu vùng cho trên 700 DN. BCĐ các huyện thị triển khai cho trên 1.000 DN, cấp phát trên 2.000 tài liệu hướng dẫn thực hiện cho 1.700 DN. Đến nay, có 117 đơn vị tổ chức Hội nghị NLĐ, tăng 54 đơn vị so với cùng kỳ. Công đoàn các cấp tổ chức đối thoại với người sử dụng lao động, xây dựng và ký kết thỏa ước lao động tập thể với chủ DN, hướng dẫn DN xây dựng thang bảng lương, đối thoại với NLĐ để kịp thời giải quyết những kiến nghị, tâm tư nguyện vọng của NLĐ góp phần ổn định tình hình lao động.

 

Đối thoại với NLĐ giúp DN giải quyết kịp thời những kiến nghị, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa

Qua triển khai thực hiện một cách quyết liệt các nội dung của Nghị định 87 và các quy định liên quan tại các DN, đã có nhiều đơn vị thực hiện ký kết hợp đồng lao động, các nội dung về công khai chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), chế độ đối với lao động nữ và các chế độ khác có liên quan đến NLĐ. Một trong những DN triển khai thực hiện hiệu quả Nghị định 87 là Công ty TNHH Shyang Hung Cheng (Cụm công nghiệp An Thạnh, huyện Thuận An). Với số lượng trung bình từ 5.000 CN trở lên, tình hình lao động hàng năm tại công ty vẫn luôn ổn định. Một trong những kinh nghiệm của DN là phải thường xuyên nắm bắt tâm tư nguyện vọng của NLĐ, nắm bắt và xử lý kịp thời những phát sinh và chú trọng giải quyết những kiến nghị của NLĐ.

Phải hạn chế tối đa số DN vi phạm

Theo báo cáo của Liên đoàn Lao động tỉnh (LĐLĐ), trong số các DN có tổ chức công đoàn chỉ có khoảng gần 52% DN xây dựng và ký kết thỏa ước lao động tập thể và thành lập hội đồng hòa giải lao động ở cơ sở. Việc thực hiện pháp luật lao động trong các DN có tổ chức công đoàn được thực hiện tốt hơn và có chuyển biến hàng năm. Tuy nhiên, công tác giám sát và phối hợp thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chế độ, chính sách đối với NLĐ ở các DN ngoài Nhà nước còn bị động. Số DN được kiểm tra hàng năm còn ít, do vậy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ còn bị xâm phạm nên tình hình tranh chấp lao động xảy ra nhiều. Cụ thể, trong năm 2010 toàn tỉnh xảy ra 65 vụ tranh chấp lao động tập thể và 60 vụ đình công, tăng 24 vụ tranh chấp lao động tập thể và 30 vụ đình công so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu được các cơ quan chức năng xác định chủ yếu do chủ DN chưa ký kết hợp đồng lao động, chưa tiến hành thương lượng để ký kết thỏa ước lao động tập thể, chưa xây dựng thang bảng lương hoặc có xây dựng nhưnng thực hiện không đầy đủ và không tham gia các loại bảo hiểm cho NLĐ...

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Khương, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh, cho biết sau khi xảy ra tranh chấp lao động tập thể, đình công, công đoàn các cấp đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng để giải quyết. LĐLĐ tỉnh cũng yêu cầu người sử dụng lao động thực hiện đúng các chế độ theo quy định của pháp luật, thương lượng các kiến nghị về lợi ích, vận động CN trở lại làm việc. Ông Nguyễn Văn Khương khẳng định nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc đình công hay ngừng việc tập thể của NLĐ là do chủ DN không thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách cho CN; việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của CN chưa được thường xuyên và khi có những yêu cầu, kiến nghị của CN, cán bộ công đoàn thì bị xem nhẹ, không giải quyết kịp thời...

Thực hiện QCDC trong các DN theo Nghị định 87 của Chính phủ giúp cho chủ DN nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của NLĐ. Tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa chủ DN và NLĐ góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và phát triển, do vậy rất cần được các DN quan tâm thực hiện.

ĐỖ TRƯỜNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên