Tăng cường xử lý hành vi dùng kích điện đánh bắt cá
Theo dõi Báo Bình Dương trên

Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, ngành chức năng tăng cường tuyên truyền, xử lý hành vi dùng kích điện đánh bắt cá trên sông, rạch...
Vẫn còn xảy ra
Vào những ngày nước ròng, rạch Bình Nhâm (phường Bình Nhâm, TP.Thuận An) thỉnh thoảng xuất hiện một số người đi ghe máy chạy với tốc độ cao ở giữa dòng nước tạo thành những đợt sóng lớn với mục đích làm cho cá, tôm hoảng sợ dạt vào bờ. Sau nhiều lần quần thảo tạo sóng trên rạch, những người này tắt máy, dùng mái chèo để di chuyển ghe và bắt cá bằng kích điện. Khi kích điện đến đâu, tất cả các loại cá lớn nhỏ trong bán kính 2m đều ngửa bụng nổi lên nhưng họ chỉ vớt những con cá lớn. Hành vi khai thác tận diệt thủy sản như trên khiến nhiều người dân bức xúc. Theo người dân địa phương, tình trạng đánh bắt cá bằng xung điện thỉnh thoảng diễn ra vào những ngày nước ròng, khi vắng bóng lực lượng chức năng.

Tình trạng trên thỉnh thoảng cũng xuất hiện trên sông Sài Gòn, rạch Lái Thiêu (phường Lái Thiêu, TP.Thuận An), sông Thị Tính (TP.Bến Cát)... Theo đánh giá của lực lượng chức năng các địa phương, việc phát hiện, xử lý tình trạng đánh bắt cá bằng xung điện gặp nhiều khó khăn, do các đối tượng chủ yếu là người địa phương, tận dụng thời gian nhàn rỗi, hay lúc không có việc làm để kiếm thêm thu nhập, thực phẩm cho gia đình. Khi phát hiện lực lượng chức năng, họ vứt bỏ dụng cụ kích điện xuống nước để phi tang, bỏ chạy, thậm chí nhảy xuống sông, rạch… để trốn thoát. Các đối tượng này thường hoạt động về ban đêm, sáng sớm và mang tính chất đơn lẻ, tự phát. Cùng với đó, quy định mức xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này còn thấp, chưa đủ sức răn đe.
Trong khi đó, việc đánh bắt cá bằng dụng cụ kích điện mang lại hiệu quả rất lớn và chỉ cần khoảng vài trăm ngàn đồng là có thể mua hoặc “chế” được một bộ kích điện. Vì vậy, nếu bị lực lượng chức năng phát hiện và xử lý thì những đối tượng này lại “đầu tư” một bộ dụng cụ kích điện mới để tiếp tục “hành nghề”. Việc sử dụng kích điện để đánh bắt thủy sản sẽ khiến tất cả các sinh vật ở dưới nước nằm trong bán kính từ 1,5-2m bị hủy diệt, bao gồm toàn bộ cá con, trứng cá hay sinh vật phù du, làm cho nguồn lợi thủy sản không thể tái tạo, dẫn đến sụt giảm nhanh chóng số lượng các loài thủy sản. Sử dụng xung điện để đánh bắt cá còn gây đột biến cho các loài thủy sản, gây mất cân bằng sinh thái, nguy hiểm đến tính mạng người đánh bắt.
Tăng cường tuyên truyền
Ông Trần Phú Cường, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản, cho biết nhằm bảo tồn đa dạng sinh học, nguồn lợi thủy sản, đơn vị đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Chỉ thị 12/CT-UBND ngày 8-6-2023 về việc tăng cường công tác quản lý, nghiêm cấm hành vi săn bắt chim, động vật hoang dã và khai thác thủy sản bằng xung điện, hóa chất, ngư cụ bị cấm trên địa bàn tỉnh Bình Dương (gọi tắt là Chỉ thị 12). Thời gian qua, đơn vị cũng thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương và cơ quan báo chí tuyên truyền nội dung Chỉ thị 12 và các quy định pháp luật về khai thác thủy sản. Qua công tác tuyên truyền, người dân đã ý thức hơn trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hạn chế tình trạng đánh bắt cá bằng xung điện.
Theo ông Trần Phú Cường, bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn còn xảy ra tình trạng đánh bắt cá bằng xung điện, kích điện ở một số nơi, khi vắng bóng lực lượng chức năng. Để phòng ngừa, xử lý dứt điểm tình trạng này thì chính quyền cơ sở cần tiếp tục tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Đại diện UBND xã An Sơn (TP.Thuận An), cho biết gần đây, lực lượng chức năng xã chưa phát hiện trường hợp dùng kích điện đánh bắt cá trên các sông, rạch trên địa bàn. Tuy nhiên, nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản, chính quyền địa phương đã chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến để người dân hiểu rõ tác hại của việc dùng xung điện đánh bắt thủy sản, các quy định xử phạt hành chính trong hoạt động thủy sản…
Tại TP.Bến Cát, các xã, phường cũng tăng cường tuyên truyền, vận động người dân chủ động phát hiện, tố giác hành vi khai thác tận diệt thủy sản đến cơ quan chức năng. Ông Nguyễn Bạc Tấn, Chủ tịch UBND phường An Tây, cho biết nhờ công an địa phương tăng cường tuần tra nên tình trạng người dân dùng kích điện đánh bắt cá trên sông, rạch đã giảm đáng kể. Năm 2024 và quý I-2025, Công an phường An Tây đã tuần tra dọc tuyến đường sông Sài Gòn, phát hiện 2 trường hợp sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản nên đã lập biên bản tạm giữ 2 bộ kích điện và ra quyết định xử phạt 4 triệu đồng/1 trường hợp.
Qua công tác tuần tra, Công an xã Phú An cũng đã phát hiện một số trường hợp sử dụng dụng cụ kích điện để khai thác thủy sản trên sông, rạch. Đối với những trường hợp này, Công an xã đã thu giữ dụng cụ kích điện và yêu cầu viết cam kết chấp hành pháp luật về khai thác thủy sản, nếu tái phạm thì bị xử lý nghiêm theo quy định.
Theo Chỉ thị 12/CT-UBND, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban ngành và chủ tịch UBND các huyện, thành phố tăng cường tuyên truyền, vận động người dân không sử dụng vật liệu nổ, hóa chất, xung kích điện và ngư cụ cấm để khai thác thủy sản; đồng thời tham gia giám sát, tố giác trường hợp vi phạm cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định. Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động khai thác thủy sản, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, nhất là những hành vi sử dụng chất nổ, chất độc, xung điện và ngư cụ cấm để bắt thủy sản... |
NGUYỄN HẬU