Tăng cường xúc tiến thương mại, kết nối sản phẩm OCOP

Cập nhật: 27-02-2024 | 09:02:25

Nhằm phát triển bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), Bình Dương đẩy mạnh xúc tiến thương mại (XTTM), đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng, hướng đến xuất khẩu.

 Sản phẩm OCOP tham gia trưng bày tại Hội nghị Kết nối cung cầu hàng hóa vùng Đông Nam bộ - Bình Dương năm 2023

 Nâng tầm giá trị nông sản

Chương trình OCOP của Bình Dương trong thời gian qua được tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh triển khai thực hiện và coi đây là nhiệm vụ quan trọng, góp phần khai thác tiềm năng của địa phương, nâng tầm giá trị hàng hóa nông sản, phát triển kinh tế khu vực nông thôn. Theo lãnh đạo Chi cục Phát triển nông thôn - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Chương trình OCOP được triển khai thực hiện từ năm 2019, qua đó đã góp phần không nhỏ trong phát triển các sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, mang tính đặc trưng, lợi thế của từng địa phương trên địa bàn tỉnh. Chương trình OCOP cũng phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh theo hướng gia tăng lợi ích cho cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng gia tăng giá trị sản phẩm.

Ông Nguyễn Phong Huy, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, cho rằng để có được kết quả trên, Chương trình OCOP luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự điều hành chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh và sự phối hợp của các sở, ngành chuyên môn. Sau 5 năm triển khai, Chương trình OCOP đã tiếp cận với nhiều người dân, doanh nghiệp (DN). Thông qua công tác tuyên truyền, các hoạt động XTTM cùng với sự thành công của các chủ thể đi trước đã tạo động lực mạnh mẽ cho các chủ thể mới tham gia chương trình. Hiện nay, người dân đã cơ bản hiểu rõ được mục đích, ý nghĩa của Chương trình OCOP và tập trung sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Đồng thời, thông qua Chương trình OCOP, nhiều địa phương đã thấy được tiềm năng, thế mạnh của mình và có những giải pháp phù hợp trong tổ chức sản xuất.

Đến nay, toàn tỉnh có 106 sản phẩm OCOP đạt từ 3-4 sao; trong đó, có 10 sản phẩm 4 sao và 96 sản phẩm 3 sao của 49 chủ thể. Nhiều sản phẩm sau khi được công nhận đạt chuẩn OCOP đã có thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng, đặc biệt doanh số bán ra ngày càng tăng, góp phần nâng cao lợi nhuận cho các chủ thể. “Các DN, hợp tác xã, tổ hợp tác và cơ sở sản xuất, kinh doanh bước đầu đã thấy được lợi ích của chương trình nên việc quan tâm hưởng ứng, thực hiện được lan tỏa tốt hơn. Hệ thống các đối tác của Chương trình OCOP, các chuyên gia, các DN dần được kết nối, hình thành kênh hỗ trợ cho các chủ thể tham gia chương trình”, ông Huy cho biết thêm.

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại

Mặc dù gặt hái những kết quả tích cực, tuy nhiên hiện nay Chương trình OCOP của tỉnh vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn. Đây là chương trình mới, liên quan đến nhiều sở, ngành, UBND các cấp, nhưng giai đoạn đầu triển khai chương trình một số đơn vị chưa quan tâm nhiều với nhóm các sản phẩm truyền thống, làng nghề gốm sứ, sơn mài. Các sản phẩm đánh giá phân hạng của tỉnh chủ yếu là các sản phẩm sẵn có, chưa chú trọng đến phát triển các sản phẩm có tiềm năng theo hướng nâng cao chất lượng, chưa phát triển các sản phẩm chế biến.

Việc quảng bá, XTTM, kết nối cung cầu thông qua các hội nghị, hội thảo, hội chợ triển lãm OCOP trong và ngoài tỉnh tuy có triển khai thực hiện nhưng hiệu quả chưa cao. Một số sản phẩm OCOP sản xuất còn nhỏ lẻ không đủ số lượng lớn khi các nhà thu mua yêu cầu. Việc bố trí cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP còn gặp nhiều khó khăn, các giải pháp tiêu thụ sản phẩm qua kênh thương mại điện tử còn hạn chế…

Công tác XTTM là giải pháp cần được tập trung chú trọng, thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động XTTM, đặc biệt tập trung vào việc nâng cao nhận thức và quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng, tạo niềm tin để sản phẩm OCOP vươn xa, hướng đến xuất khẩu”.

(Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở NN&PTNT)

Để tháo gỡ những hạn chế, khó khăn này, ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho rằng trong thời gian tới, ngành tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan cùng địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng về mục đích, ý nghĩa và yêu cầu của Chương trình OCOP, nhất là việc phát huy nội lực và gia tăng giá trị. Ngoài ra, cũng cần nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy cho các chủ thể OCOP, cán bộ, cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị phân phối, người tiêu dùng về chất lượng, thương hiệu của sản phẩm OCOP theo hướng phát huy giá trị tài nguyên bản địa, truyền tải về văn hóa, tri thức dân gian của địa phương.

Bên cạnh đó, ngành NN&PTNT tiếp tục thực hiện tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn cho các chủ thể OCOP. Trong đó, tập trung trọng tâm vào trang bị các kỹ năng, năng lực về quản trị DN, hợp tác xã, công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, sở hữu trí tuệ, phát triển bao bì, áp dụng chuyển đổi số gắn với yêu cầu của thị trường. Đồng thời, ngành chú trọng bổ sung kiến thức cho các chủ thể OCOP về phát triển kinh tế xanh, từ đó góp phần từng bước thúc đẩy phát triển các sản phẩm OCOP xanh để phát triển bền vững; đẩy mạnh đào tạo, tập huấn gắn với phương pháp phát triển dựa vào nguồn lực cộng đồng để nâng cao năng lực, nhận thức và sự tham gia của chủ thể OCOP. Trong đó, tập trung phát triển các đặc sản, sản phẩm truyền thống, phát huy giá trị văn hóa, hình thành sản phẩm tích hợp đa giá trị gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, giá trị văn hóa địa phương, đặc biệt là sản phẩm các làng nghề, nghề truyền thống, dịch vụ du lịch nông thôn.

 PHƯƠNG ANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên