Tăng lương, phụ cấp giải pháp để “giữ chân” giáo viên

Cập nhật: 03-12-2022 | 08:58:24

Chuyện giáo viên (GV) chưa sống được bằng lương là thực tế đáng buồn đã diễn ra trong thời gian dài. Nhiều GV sau giờ lên lớp lại phải xắn tay làm thêm đủ nghề “tay trái” để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Và, cũng có không ít trường hợp phải chấp nhận từ bỏ “niềm đam mê” của bản thân, từ bỏ nghề được gọi là cao quý vì thu nhập ít ỏi và những áp lực trong nghề.


Lương cơ sở tăng sẽ góp phần tăng thu nhập cho viên chức, người lao động ngành giáo dục

Thực trạng đáng buồn

Thực trạng GV nghỉ việc đang là vấn đề của nhiều địa phương. Năm học 2021-2022, cả nước có hơn 16.000 GV nghỉ việc, chuyển việc ra khỏi ngành giáo dục. Trong đó, Bình Dương có hơn 500 GV nghỉ việc. Một trong những nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là lương GV chưa đủ để trang trải cuộc sống. Hiện nay, theo bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ, cán bộ, viên chức đơn vị sự nghiệp (theo Nghị định 204 năm 2004) quy định 12 bậc. Theo đó, mức lương khởi điểm của GV hiện nay chỉ có hệ số từ 1,86-2,34 theo cấp học từ mầm non đến THPT, tương đương với tổng lương khởi điểm chỉ từ hơn 3,2 triệu đến hơn 3,9 triệu đồng/tháng. Riêng đối với GV có thâm niên giảng dạy từ 20 năm trở lên, mức lương dao động khoảng từ 5-7 triệu đồng, chưa trừ các khoản quỹ và đóng góp.

Một số GV chia sẻ với chúng tôi, đi làm cả chục năm, cuối tháng nhận lương chả được là bao, rút ra đóng tiền học cho hai con hết một nửa. Số tiền ít ỏi còn lại chẳng thấm vào đâu so với chi tiêu sinh hoạt gia đình hàng tháng. Nhiều GV phải thừa nhận rằng thu nhập từ nghề hiện nay chưa tương xứng với công sức họ bỏ ra. Chính vì vậy, ngoài giờ lên lớp, nhiều GV lại chạy đôn chạy đáo làm thêm nhiều nghề tay trái như bán hàng online, dạy thêm để bảo đảm cuộc sống, thậm chí là sẵn sàng bỏ nghề.

Cô Trần Thu Hoài, GV một trường THPT trên địa bàn TP.Dĩ An cho biết, hơn 10 năm ra trường gắn bó với nghề nhưng hàng tháng tiền lương cô nhận được chưa tới 7 triệu đồng, chỉ vừa đủ tiền học và tiền ăn uống cho 2 đứa con. Công việc GV cũng khó để kiếm được việc gì làm thêm, nên cô tận dụng mạng xã hội để buôn bán online các mặt hàng đồ quê. Tranh thủ sau giờ dạy, cô chạy đi giao hàng để kiếm thêm thu nhập ổn định cuộc sống. “Tháng nào nhận lương xong cầm chưa nóng tay đã phải chi hết. Cũng may công việc của chồng tôi thuận lợi, thu nhập đỡ hơn nên cả nhà mới đủ sống ở đây”, cô Hoài chia sẻ thêm.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã nhấn mạnh việc tăng lương, phụ cấp cho GV mầm non, TH cần được thực hiện cấp bách; bên cạnh đó là cải thiện môi trường làm việc, hỗ trợ chuyên môn. Đặc biệt, về phía nhà giáo, xã hội và phụ huynh, ông mong có được sự chia sẻ, đồng hành cả 3 phía. Hiện nay, số GV bỏ việc nhiều nhất là ở bậc mầm non, chiếm hơn 40%. Để giải quyết tình trạng này, ngoài đề xuất tăng lương cơ bản, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Quốc hội xem xét điều chỉnh phụ cấp ưu đãi cho GV mầm non từ 35% lên 70%, ngang với mức phụ cấp cũ của cán bộ y tế cấp cơ sở.

Mong được tăng lương sớm

Những ngày gần đây, câu chuyện thời điểm tăng lương cơ sở đang trở thành vấn đề được mọi người quan tâm. Việc thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/ tháng là tin vui đối với GV hệ thống trường công lập. Điều này được kỳ vọng sẽ giảm bớt làn sóng GV nghỉ việc thời gian qua vì thu nhập quá thấp. Khi hay tin nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị tăng lương cơ bản từ ngày 1-7-2023, tất cả GV nói riêng, cán bộ, viên chức nói chung rất vui mừng.

Cô Nguyễn Thị Tuyết Minh, Hiệu trưởng trường TH Trần Quốc Tuấn, TX.Bến Cát cho biết, thông tin lương cơ sở tới đây tăng làm nhiều GV trong trường phấn khởi. Bởi so với mức sống ở đây, với đồng lương như hiện tại nhiều GV không đủ sống. Bằng lòng yêu nghề, đam mê với nghề, GV vẫn sẽ đứng lớp, tận tuỵ vì học sinh nhưng thật sự họ vẫn phải vừa làm việc vừa trăn trở, lo lắng về chuyện cơm áo. Do đó, nếu được tăng lương cơ sở dù ít dù nhiều hay có thêm chế độ phụ cấp, sẽ an ủi, động viên rất lớn cho đội ngũ nhà giáo yên tâm công tác, hoàn thành tốt công việc.

Còn với cô giáo trẻ Nguyễn Thị Thái, GV một trường mầm non ở phường Vĩnh Phú, TP.Thuận An, dù khập khiễng nhưng nếu so sánh lương của GV hợp đồng hay GV mới ra trường như chúng tôi thì thậm chí không bằng cả công nhân. Trong khi công việc của một GV mầm non quá nhiều áp lực, ra khỏi nhà lúc 6 giờ sáng và trở về nhà lúc 17 giờ, lo cho các cháu từ bữa ăn, giấc ngủ. Đó là chưa kể những lúc làm sổ sách, họp hành, giáo án…”. Suy cho cùng, GV chúng tôi cũng cần đồng lương để trang trải cuộc sống, có sức để cống hiến. Tăng lương cơ sở là điều đáng mừng, chúng tôi mong chờ lâu lắm rồi”, cô Thái bày tỏ.

Có thể nói, việc tăng lương vừa được Quốc hội thông qua đã tạo niềm vui rất lớn cho ngành giáo dục. Việc tăng lương cơ bản tuy không giải quyết triệt để khó khăn hiện nay của thầy cô giáo nhưng là liều thuốc tinh thần, là động lực để các nhà giáo vững chân đứng trên bục giảng, chuyên tâm cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”. Đây cũng là giải pháp cần thiết và cấp bách đáp ứng thực tế đời sống để thầy cô giáo duy trì nhiệt huyết, nâng cao chất lượng giảng dạy.

TĂNG LƯƠNG CƠ BẢN TUY KHÔNG GIẢI QUYẾT TRIỆT ĐỂ KHÓ KHĂN HIỆN NAY CỦA THẦY CÔ GIÁO NHƯNG LÀ LIỀU THUỐC TINH THẦN, LÀ ĐỘNG LỰC ĐỂ CÁC NHÀ GIÁO VỮNG CHÂN ĐỨNG TRÊN BỤC GIẢNG, CHUYÊN TÂM CỐNG HIẾN CHO SỰ NGHIỆP “TRỒNG NGƯỜI”.

HỒNG PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=588
Quay lên trên
X