Tăng lương tối thiểu: Người lao động mừng, doanh nghiệp lo

Cập nhật: 12-07-2011 | 00:00:00

Lương tối thiểu khối doanh nghiệp dự kiến tăng lên 1,9 triệu đồng từ 1-10. Đợt điều chỉnh này khiến doanh nghiệp lo ngại sẽ phát sinh chi phí ít nhất 20%, trong khi nhiều ý kiến cho rằng, mức tăng này vẫn còn quá lạc hậu.

Phương án tăng lương tối thiểu trong khối doanh nghiệp đang được Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội lấy ý kiến các bộ ngành, tổ chức có liên quan. Dự kiến phương án cuối cùng sẽ được trình Chính phủ ngay trong tháng 7 này để áp dụng mức lương mới từ 1-10 tới.

 Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng nếu tính đúng, tính đủ, lương tối thiểu thuộc khối doanh nghiệp phải lên tới 3,4 triệu đồng một tháng

Vụ Tiền lương - Tiền công - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, cơ quan này đang gấp rút thực hiện các công việc lấy ý kiến liên quan đến thời điểm áp dụng, mức áp dụng, rà soát mức lương áp dụng tại các vùng, miền... Căn cứ để xây dựng bảng lương mới là tốc độ tăng trưởng GDP, chỉ số giá tiêu dùng CPI và cung cầu lao động trong từng thời kỳ.

Theo phương án điều chỉnh lương tối thiểu được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội lấy ý kiến các bộ ngành, lương tối thiểu áp dụng đối với vùng 1, gồm các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM... là 1,9 triệu đồng. Vùng 2, lương dự kiến áp dụng là 1,73 triệu đồng một tháng, vùng 3 áp dụng mức 1,55 triệu đồng một tháng, còn vùng 4, mức này dự kiến 1,4 triệu đồng. Đợt tăng lương này được thực hiện sớm hơn 3 tháng so với lộ trình nhằm hỗ trợ đời sống cho người lao động trong bối cảnh giá cả tăng cao như hiện nay. Mức lương áp dụng cho 4 vùng thuộc khối doanh nghiệp ở mức 1,4 - 1,9 triệu đồng theo dự thảo được Vụ Tiền lương - Tiền công đánh giá là ngang bằng với một số nước trong khu vực như Lào, Indonesia và Philippines...

Tuy nhiên, theo Tổng Liên đoàn Lao động VN, mức lương tối thiểu mà Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng ở trên vẫn lạc hậu quá xa so với đời sống thực tế của đại bộ phận cán bộ công nhân viên. “Ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM... mức lương tối thiểu 1,9 triệu đồng là không đủ sống. Khoản thu nhập này không khuyến khích được lao động làm việc trong doanh nghiệp”, Phó Tổng liên đoàn Mai Đức Chính chia sẻ. Ông cho hay liên đoàn đã có văn bản đề xuất tăng lương tối thiểu đối với vùng 1 lên 2,2 triệu đồng, vùng 2 lên 2 triệu đồng, vùng 3 lên 1,8 triệu đồng, còn vùng 4 là 1,6 triệu đồng. Nhưng sau đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đưa ra mức thấp hơn vì cho rằng nếu một lúc tăng lương cơ bản lên cao thì nhiều doanh nghiệp sẽ kêu khó vì sẽ phải gánh một khoản phí lớn để đóng bảo hiểm cho người lao động.

“Cá nhân tôi cho rằng mức 1,9 triệu đồng này là lạc hậu so với thực tế cuộc sống hiện tại. Nếu để một người làm công ăn lương đủ sống và nuôi thêm một người nữa, lương tối thiểu phải lên tới 3,4 triệu đồng. Tất nhiên, lương là vấn đề nhay cảm tác động đến nhiều vấn đề nên việc điều chỉnh cần có lộ trình cụ thể chứ không thể ngay một lúc”, vị lãnh đạo này nói.

Đồng tình với việc tăng lương tối thiểu là cần thiết song doanh nghiệp cho rằng nếu mức tăng qua cao sẽ khiến họ gặp khó. Thực tế hiện nay, lương mà doanh nghiệp trả cho người lao động tại các thành phố lớn đã vượt xa con số 1,9 triệu đồng một tháng. Thu nhập của họ không chỉ lương mà còn cả các khoản phụ cấp khác như tiền ăn trưa, đi lại, hỗ trợ trượt giá... Lương tối thiểu vùng lâu nay thực chất chỉ được doanh nghiệp dùng làm căn cứ tính phụ cấp, đóng bảo hiểm... ghi trong hợp đồng lao động...

Một lãnh đạo của Vụ Tiền lương - Tiền công, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết trong quá trình lấy ý kiến hiện nay có rất nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều người đồng tình với mức tối thiểu 1,9 triệu đồng, áp dụng vùng một, số khác lại cho rằng nên nâng lên mức 2,2 triệu đồng theo Tổng Liên đoàn Lao động VN.

“Quan điểm của chúng tôi là cân đối lợi ích các bên trên cơ sở tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, bảo đảm hài hòa lao động, hạn chế tối đa nạn đình công...”, ông nói.

Theo ông, với những doanh nghiệp làm ăn tốt, sử dụng ít lao động thì việc tăng lương tối thiểu sẽ không tác động nhiều. Thế nhưng, với các đơn vị sử dụng cả ngàn lao động như ngành dệt may, da giày, đánh bắt chế biến thủy hải sản... tăng tiền lương cũng đồng nghĩa với việc chi phí doanh nghiệp bị đội lên.

B.T (tổng hợp)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=334
Quay lên trên