Tăng mức xử phạt, nâng cao ý thức người đi đường

Cập nhật: 14-10-2021 | 08:50:53

Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vừa trình Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 100/2019 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt. Đáng chú ý là việc đề xuất tăng mức phạt đối với nhiều hành vi vi phạm.

Theo dự thảo, người điều khiển ô tô cố tình che biển số xe được Bộ GTVT đề xuất tăng mức xử phạt gấp 6 lần so với hiện nay. Có nghĩa là mức phạt tiền từ 800.000 - 1 triệu đồng như hiện nay được đề xuất nâng lên mức phạt từ 4 - 6 triệu đồng. Dự thảo cũng đề xuất tăng mức xử phạt hành vi này với người điều khiển xe máy không có biển số, biển không rõ chữ số; che biển, dán thêm làm thay đổi chữ hoặc màu sắc của chữ số được đề xuất mức phạt từ 100.000 - 200.000 đồng lên 1 - 2 triệu đồng.

Dự thảo nghị định cũng đề xuất tăng mức xử phạt với nhiều hành vi khác như đua ô tô, xe máy; ô tô chở hàng quá tải; tự ý thay đổi kết cấu, màu sơn phương tiện; người điều khiển xe máy có dung tích xi lanh trên 175cc không có giấy phép lái xe, hoặc sử dụng giấy phép lái xe hết hạn…

Theo cơ quan chủ trì dự thảo, việc tăng mức xử phạt nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, từ đó kéo giảm tai nạn giao thông. “Đánh vào túi tiền”, đó là một cách để người đi đường cẩn thận hơn.

Gần 2 năm nay, Nghị định 100/2019/NĐ- CP của Chính phủ đã góp phần hạn chế được tình trạng vi phạm Luật Giao thông đường bộ, đặc biệt tình trạng lái xe sau khi đã uống rượu bia. Nhiều chuyên đề xử lý vi phạm nồng độ cồn được công an các địa phương tổ chức đã giúp số vụ tai nạn giao thông giảm. Sở dĩ Nghị định 100 đã tác động đến tình hình an toàn giao thông vì chế tài nghiêm khắc, chỉ cần người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn thì xử lý ngay, tùy theo mức độ mà phạt tương ứng. Vì thế nhiều người cho rằng khi số tiền phạt nâng lên thì sẽ tác động rất lớn đến tâm lý của người đi đường, từ đó họ sẽ có sự điều chỉnh hành vi nhằm tuân thủ quy định của pháp luật.

Nếu dự thảo được thông qua thì sẽ có nhiều bác tài “đau đầu” khi ra đường. Cụ thể như ở lỗi chở quá tải đối với chủ xe và tài xế, dự thảo mức vi phạm cao nhất số tiền tài xế bị phạt tăng từ 12 triệu đồng lên 50 triệu đồng, nếu tính cả số tiền chủ xe bị phạt thì mức phạt lên đến trên 140 triệu đồng… Nếu chỉ nhìn qua số tiền phạt sẽ khiến nhiều người choáng mà cân nhắc trước hành vi chở quá tải của mình.

Thực tế thời gian qua, tình trạng chở quá tải luôn là đề tài nóng trong các diễn đàn về an toàn giao thông. Nhiều giải pháp được đưa ra nhưng tình trạng này vẫn tồn tại vì tài xế, chủ xe luôn tìm mọi cách để “né” lực lượng chức năng. Thậm chí một số địa phương ở Bình Dương, lực lượng công an đến tận các doanh nghiệp kinh doanh vận tải vận động ký cam kết không chở quá tải, nhưng đó cũng là động thái kêu gọi ý thức tự giác của họ.

Khi chế tài đủ mạnh sẽ khiến cho các bác tài tự cân nhắc trước các lỗi vi phạm.

L.T.PHƯƠNG  

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên