Tăng mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ
Ngày 2-4-2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 34/2010/NĐ-CP, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Theo đó, nhiều hành vi vi phạm được quy định trong Nghị định 34 có mức xử phạt cao hơn so với quy định cũ như: người điều khiển xe ô tô chạy quá tốc độ quy định từ 5 - 10km/giờ bị phạt tiền 400.000 đồng (mức xử phạt chung trước đây là 300.000 đồng); từ 10 - 20km/giờ bị phạt tiền 1.000.000 đồng (trước đây là 800.000 đồng); từ 20 - 35km/giờ bị phạt tiền 2.500.000 đồng (trước là 2.000.000 đồng) và chạy quá tốc độ quy định trên 35km/giờ bị phạt tiền 5.000.000 đồng (trước đây là 4.000.000 đồng). Đặc biệt, điều khiển xe ô tô không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông (vượt đèn đỏ) bị phạt tiền 700.000 đồng (mức phạt chung trước đây là 300.000 đồng). Các vi phạm về điều khiển xe ô tô mà trong máu hoặc trong hơi thở có nồng độ cồn hoặc có nồng độ cồn vượt quy định sẽ bị xử phạt nặng hơn.
Điểm đáng lưu ý của Nghị định 34 là quy định việc xử phạt người điều khiển và người ngồi trên xe mô tô, xe máy điện, xe đạp điện (kể cả trẻ em từ 6 tuổi trở lên) không đội mũ bảo hiểm và cài quai đúng quy cách sẽ bị phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng/người (mức phạt chung trước đây là 150.000 đồng/người). Các trường hợp điều khiển xe mô tô lạng lách hoặc đánh võng trên đường bộ trong, ngoài đô thị; chạy xe bằng một bánh đối với xe 2 bánh, chạy bằng 2 bánh đối với xe ba bánh; điều khiển xe thành từng nhóm từ 2 xe trở lên chạy quá tốc độ quy định sẽ bị phạt tiền 6.000.000 đồng (mức phạt chung trước đây là 5.000.000 đồng); người đua xe ô tô trái phép bị phạt 25.000.000 đồng (mức phạt chung trước đây là 15.000.000 đồng); người tổ chức đua xe trái phép bị phạt 35.000.000 đồng (trước đây là 25.000.000 đồng)...Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này là 1 năm kể từ ngày hành vi vi phạm hành chính được thực hiện; đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ liên quan đến xây dựng, môi trường, nhà ở, đất đai thì thời hiệu xử phạt là 2 năm.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20-5-2010 và thay thế Nghị định số 146/2007/NĐ-CP ngày 14-9-2007 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và các văn bản sửa đổi, bổ sung. Các trường hợp vi phạm bị phát hiện, xử lý theo quy định của Nghị định số 146/2007/NĐ-CP nhưng chưa thực hiện hoặc phải thi hành sau ngày nghị định này có hiệu lực thì vẫn thực hiện theo quy định của Nghị định số 146/2007/NĐ-CP và Nghị định số 68/2008/NĐ-CP.
T.TRANG