Tăng thu nhập từ mô hình sản xuất trà thảo mộc

Cập nhật: 28-05-2024 | 09:16:14

Với mong muốn tiêu thụ nguyên liệu nông sản cho bà con nông dân địa phương cũng như cung cấp cho người tiêu dùng sản phẩm sạch, an toàn, chị Lê Thị Ngọc Mai, ấp Định Thọ (xã Định Hiệp, huyện Dầu Tiếng) đã mạnh dạn sản xuất trà thảo mộc bằng phương pháp thủ công giúp tăng thêm thu nhập cho gia đình.

 Chị Lê Thị Ngọc Mai bên cửa hàng trưng bày sản phẩm trà An An của gia đình

 Mô hình sản xuất trà An An được gia đình chị Lê Thị Ngọc Mai bắt đầu triển khai từ năm 2022, đến giữa năm 2023 chính thức đi vào hoạt động. Nói về cơ duyên sản xuất loại trà thảo mộc này, chị Mai chia sẻ: “Nhận thấy trên địa bàn xã có nhiều nông dân trồng cây lương thực trong đó có đậu đen xanh lòng nhưng tiêu thụ thấp, chỉ bán nhỏ lẻ ngoài chợ. Khi diện tích trồng số lượng lớn, không bán được nên việc trồng trọt bị mai một dần. Trong khi đó sản phẩm nông dân địa phương làm ra nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bảo đảm an toàn thực phẩm nên sẽ rất yên tâm nếu dùng làm nguyên liệu sản xuất”.

Cũng theo chị Mai, gia đình thường xuyên ưu tiên sử dụng các sản phẩm từ thảo dược, thiên nhiên và cảm nhận có lợi cho sức khỏe. Chính những lý do đó đã khiến chị quyết định tìm tòi, học hỏi công thức để làm ra sản phẩm trà gạo lứt đậu đen xanh lòng, vừa có lợi cho người nông dân vừa tốt cho sức khỏe người tiêu dùng.

Sản phẩm trà An An của chị Mai được kết hợp từ các nguyên liệu chính như gạo lứt, đậu đen xanh lòng, cỏ ngọt và lá dứa. Các nguyên liệu đậu đen xanh lòng và lá dứa được chị Mai thu mua từ vườn của bà con nông dân trên địa bàn xã. Gạo lứt và đậu đen sẽ được rửa qua nước đem phơi sau đó rang bằng hình thức thủ công. Tiếp đó trộn qua công thức, thêm vị lá dứa, cỏ ngọt. Một ngày nếu tập trung từ 4 - 5 nhân công sẽ sản xuất được 100 hộp trà.

Chị Mai phấn khởi cho biết: “Mặc dù cơ sở còn nhỏ, số lượng sản xuất chưa nhiều nhưng tôi rất vui vì giá trị sức khỏe do sản phẩm mang lại. Nhiều khách hàng cao huyết áp, gan nhiễm mỡ sau khi dùng sản phẩm một thời gian tình trạng sức khỏe được cải thiện rất nhiều. Đó cũng là lý do tôi đặt tên sản phẩm là An An với mong muốn mang đến sự bình an cho khách hàng”.

 Sản phẩm trà An An trưng bày tại gian hàng nông sản và sản phẩm OCOP của xã Định Hiệp

Với việc lựa chọn phương thức bán hàng thông qua các nền tảng xã hội như Facbook, Zalo, TikTok, sản phẩm trà của gia đình chị Mai được người tiêu dùng địa phương và nhiều tỉnh, thành trên toàn quốc biết đến, tin dùng. Trung bình một tháng doanh thu từ trà khoảng 15 triệu đồng, góp phần tăng thêm thu nhập cho gia đình. Cũng theo chị Mai, nhận thấy việc sản xuất thủ công sẽ tốn nhiều công sức lao động nên thời gian tới gia đình sẽ đầu tư máy móc để tăng năng suất và sản lượng, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Bà Lê Thị Thảo, Chủ tịch Hội Nông dân xã Định Hiệp, cho biết phát triển kinh tế phù hợp với tự nhiên của địa phương là điều rất quan trọng và thiết thực. Quy mô cơ sở sản xuất của chị Lê Thị Ngọc Mai tuy không lớn song cũng đã đem lại hiệu quả kinh tế nhất định, giúp tiêu thụ nông sản cho bà con địa phương, giải quyết việc làm cho các thành viên trong gia đình. Cuối năm 2023, sản phẩm trà An An của chị Mai đã được huyện công nhận OCOP 3 sao, góp phần quan trọng trong việc đa dạng hóa sản phẩm địa phương, mang lại nhiều lợi ích cho cả người sản xuất và người tiêu dùng.

 Bà Lê Thị Thảo, Chủ tịch Hội Nông dân xã Định Hiệp, cho biết phát triển kinh tế phù hợp với tự nhiên của địa phương là điều rất quan trọng và thiết thực. Quy mô cơ sở sản xuất của chị Lê Thị Ngọc Mai tuy không lớn song cũng đã đem lại hiệu quả kinh tế nhất định, giúp tiêu thụ nông sản cho bà con địa phương, giải quyết việc làm cho các thành viên trong gia đình.

 TIẾN HẠNH

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=335
Quay lên trên