Ngay sau khi thiết lập trạng thái “bình thường mới”, các doanh nghiệp (DN) sản xuất công nghiệp của tỉnh đã nhanh chóng tổ chức lại hoạt động, bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch bệnh, lấy lại đà tăng trưởng.
Sản xuất tại Công ty TNHH Scancom Việt Nam (KCN Sóng Thần)
Khởi sắc trở lại
Từ ngày 15-9, Bình Dương ban hành kế hoạch khôi phục kinh tế, đưa ra nhiều chiến lược nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, cơ bản hoàn thành tiêm vắc xin cho người dân từ 18 tuổi trở lên để tăng khả năng miễn nhiễm cộng đồng, từng bước khôi phục sản xuất, dần đưa mọi hoạt động trở lại trạng thái “bình thường mới”.
Ông Sang Jun Lee, Tổng Giám đốc Công ty Tubo Vina, huyện Bàu Bàng, cho biết công ty chuyên sản xuất tủ lạnh xuất khẩu. Do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, doanh thu quý III-2021 của công ty bị sụt giảm so với cùng kỳ năm 2020. “Tín hiệu vui là công ty vừa nhận được thêm rất nhiều đơn hàng lớn. Bởi vậy, ngay khi tỉnh kiểm soát tốt dịch bệnh và trở lại trạng thái “bình thường mới”, công ty xác định mục tiêu phải tăng tốc sản xuất, đồng thời thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh”, ông Sang Jun Lee chia sẻ.
Theo ông Lê Văn Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, hoạt động xuất nhập khẩu của các DN hiện vẫn phải đối mặt với nhiều rào cản, nhất là việc vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn. Hiện nay, ngành gỗ mặc dù đơn hàng nhiều nhưng lại thiếu lao động, thiếu nguyên liệu sản xuất, rất nhiều DN đang cố gắng khôi phục và tăng tốc mọi hoạt động nhằm đáp ứng yêu cầu của khách hàng và duy trì công việc, thu nhập cho người lao động. Hỗ trợ từ Chính phủ, UBND tỉnh cũng đã kịp thời tháo gỡ các vướng mắc khó khăn, giúp thông quan hàng hóa được nhanh chóng, bảo đảm cho hoạt động sản xuất và xuất nhập khẩu thuận lợi trong tình hình phức tạp như hiện nay.
Ông Mai Bá Trước, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết để khôi phục phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN, tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Một mặt triển khai chính sách kịp thời hỗ trợ cho DN và người lao động, mặt khác tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ bao phủ vắc xin, đây là một giải pháp mang tính quyết định cho quá trình phục hồi kinh tế, ổn định đời sống cho người dân, góp phần tăng trưởng.
Nỗ lực hoàn thành mục tiêu
Mặc dù đối diện với nhiều khó khăn, thử thách nhưng hoạt động sản xuất công nghiệp vẫn duy trì mức tăng trưởng trong 9 tháng đầu năm. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,1% so với cùng kỳ, đây là ngành đóng vai trò chủ chốt, thúc đẩy tăng trưởng chung của toàn ngành. Bên cạnh đó, cộng đồng DN, cơ sở sản xuất công nghiệp đã chủ động nêu cao tinh thần vượt khó, nỗ lực thích ứng với tình hình, duy trì sản xuất và cố gắng ổn định việc làm cho người lao động.
Theo ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, để thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp, Sở Công thương đang tập trung rà soát và tháo gỡ khó khăn kịp thời cho các ngành sản phẩm, dự án sản xuất thuộc lĩnh vực công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo. Đồng thời phối hợp, tìm kiếm các DN sản xuất nguyên vật liệu, linh phụ kiện trong nước đủ khả năng thay thế nguồn nhập khẩu trong ngắn hạn cũng như dài hạn. Sở tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo mọi thuận lợi cho các DN trong quá trình khôi phục sản xuất, kinh doanh
Lũy kế 9 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tính tăng 2,93% so với cùng kỳ. Để bảo đảm cho nền kinh tế phát triển ổn định và không bị đứt gãy trong điều kiện chuyển sang trạng thái “bình thường mới”, vừa hoạt động bình thường vừa sống chung với dịch bệnh, tỉnh đã tích cực chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương chủ động xây dựng các cơ chế, chính sách để vực dậy nền kinh tế. Sau hơn 1 tháng thiết lập trạng thái “bình thường mới”, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh đã từng bước được phục hồi và có nhiều chuyển biến tích cực. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành công nghiệp đang dần thích ứng và khôi phục lại.
NGỌC THANH