Trong những tháng đầu năm khi số lượng và quy mô đơn hàng giảm, các doanh nghiệp (DN) sản xuất công nghiệp đang tìm nhiều giải pháp để vượt qua khó khăn, hoàn thành mục tiêu tăng trưởng.
Ngành dệt may nỗ lực giữ vững sản xuất trong tình hình mới. Trong ảnh: Dây chuyền dệt tại nhà máy Công ty TNHH Kolon Bình Dương (KCN Bàu Bàng)
Tín hiệu tích cực
Năm 2023, tỉnh đặt ra mục tiêu chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khoảng 8,7%. Để có thể hiện thực hóa mục tiêu này, ngay trong tuần làm việc đầu tiên của năm mới Quý Mão, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, hỗ trợ các DN tăng tốc sản xuất, đầu tư.
Hiện nay, các DN dệt may đang bước vào “cuộc đua” tuyển lao động, đặc biệt là lao động có tay nghề cao. Các DN dệt may ngoài đơn hàng phổ thông, còn có các đơn hàng cao cấp, yêu cầu phức tạp đang được các đối tác chuyển sang Việt Nam nhờ năng lực sản xuất, quản lý tốt. Nhiều DN dự báo, thị trường sẽ sớm phục hồi vào quý II, quý III, các đơn hàng sẽ tăng trở lại. Trước những tín hiệu tích cực từ các thị trường, nhiều DN ngay từ đầu năm đã ra quân 100% lao động, cùng đó tuyển dụng thêm nhân lực chất lượng cao, đáp ứng các đơn hàng cao cấp từ phía các đối tác.
Ông Đỗ Dương Hoài, Quản đốc Công ty ASG Vina Công ty TNHH ASG Vina (TP. Thuận An), cho biết công ty chủ động được đơn hàng từ cuối năm 2022. Đến nay, 100% công nhân đã quay trở lại làm việc tại các phân xưởng. “Với những nỗ lực thời gian qua, công ty đã có đơn hàng đến giữa năm 2023. Hiện tại, ASG Vina tiếp tục thông báo tuyển dụng thêm 100 công nhân may, nhằm bảo đảm kế hoạch sản xuất theo đúng tiến độ. Công nhân làm việc tại ASG Vina sẽ có thu nhập bình quân từ 7,3 - 9,5 triệu đồng/tháng”, ông Đỗ Dương Hoài cho biết.
Theo ông Kim Jeong Won, Tổng Giám đốc Công ty KyungBang Việt Nam (KCN Bàu Bàng), là một nhà máy sản xuất sợi đầu mối của nhiều đối tác lớn, dù tình hình kinh tế khó khăn song đến nay công ty vẫn duy trì sản xuất 100 - 200 tấn sợi mỗi ngày, đơn hàng đã có đến quý II-2023. Hiện các đối tác đang đàm phán giá cho các đơn hàng tiếp theo trong năm 2023. Tất cả đang tạo ra những thuận lợi để công ty hoàn thành mục tiêu năm 2023.
Đầu tư phát triển
Bà Phan Thị Phương Linh, Giám đốc Hành chính - nhân sự Công ty TNHH Earth Corporation Việt Nam (KCN Nam Tân Uyên), cho biết với tỷ lệ lao động trở lại làm việc cao sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, DN đã bắt tay ngay vào sản xuất, kinh doanh với khí thế sôi nổi, tinh thần quyết tâm cao và chủ động tăng tốc ngay từ đầu năm. Cùng với việc tăng tốc sản xuất trong năm 2023, công ty đặc biệt chú trọng đến việc chăm lo người lao động. Hiện cùng với việc tăng cường quản lý sản xuất công ty thực hiện chế độ, tạo môi trường làm việc tốt để người lao động đóng góp vào quá trình phát triển của công ty. Đây là cách gìn giữ “tài sản” của DN trong hành trình phát triển.
Một tin vui trong bối cảnh mà kinh tế dự báo sẽ còn nhiều khó khăn khi mới đây Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương (BIWASE) công bố chủ trương đầu tư vào 5 công ty trong lĩnh vực nước và vệ sinh môi trường, nâng tỷ lệ sở hữu lên khoảng 50 - 100% vốn. Cụ thể, BIWASE sẽ rót vốn vào Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng nước DNP Long An, Công ty Cổ phần Công trình đô thị Châu Thành, Công ty Cổ phần Công trình đô thị Cần Giuộc, Công ty Cổ phần Nước và Môi trường Bằng Tâm, Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng nước DNP Quảng Bình. Đây đều là các cổ phần phổ thông được tự do chuyển nhượng. Sau khi hoàn tất giao dịch, các đơn vị này sẽ trở thành công ty con của BIWASE.
Theo dự báo, trong năm 2023, các DN sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn do nhu cầu của thị trường nước ngoài có xu hướng giảm, nhà nhập khẩu chậm thanh toán, lượng tồn kho tăng cao, dòng tiền của DN thiếu hụt. Trước tình hình đó, các DN cho rằng để ngành công nghiệp tiếp tục là động lực tăng trưởng của nền kinh tế trong năm 2023, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm như tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, hỗ trợ thuế, phí xuất khẩu, kích cầu tiêu thụ trong nước.
TIỂU MY