Tăng trưởng tín dụng: Những tín hiệu khả quan

Cập nhật: 02-08-2013 | 00:00:00

   Việc điều chỉnh hạ lãi suất, tăng nguồn cung về vốn vẫn cần hết sức thận trọng để hài hòa lợi ích của doanh nghiệp với sự ổn định và phát triển nền kinh tế

Tín dụng có sự bứt phá

Trong những tháng đầu năm, kinh tế trong nước vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, hoạt động sản xuất, kinh doanh tuy đã được cải thiện nhưng sức mua vẫn thấp; tiêu thụ hàng tồn kho chậm; nợ xấu vẫn chưa giảm;… Trong bối cảnh đó, các TCTD trên địa bàn đã tích cực đưa ra các giải pháp về tiền tệ, tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, ngành, tiếp xúc trực tiếp với doanh nghiệp (DN) để định hướng xây dựng phương án đầu tư, cơ cấu lại nợ, hạ lãi suất vay đối với các lĩnh vực ưu tiên theo quy định. Với nhiều biện pháp đồng bộ từ phía NHNN và sự nỗ lực của các NH, cấp tín dụng đã tăng lên.

Chỉ trong tháng 2 giảm 2,61% so với đầu năm, tín dụng bắt đầu tăng dần vào tháng 3, tháng 4, mức tăng được nới rộng vào tháng 5 lên 4,5% và tháng 6 tăng thêm 3,47%. Qua 6 tháng, tổng dư nợ đạt 59.395 tỷ đồng, tăng 10,38% so với đầu năm và tăng 21,09% so với cùng kỳ.

Nhiều NHTM đã đạt kết quả tăng trưởng cho vay khá tốt trong 6 tháng đầu năm. NH TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) chi nhánh Bình Dương, huy động đạt 4.375 tỷ đồng, dư nợ cho vay đạt 3.542 tỷ đồng, tăng 55,99% so đầu năm. Đại diện Sacombank Bình Dương cho biết, thời gian qua Sacombank rất chủ động trong việc hạ lãi suất cho vay cùng các giải pháp hỗ trợ kèm theo tạo điều kiện tốt nhất cho DN, cá nhân tiếp cận vốn. Sau 6 tháng, chi nhánh đã vượt kế hoạch hội sở giao. Tương tự Sacombank, NH Công thương (Vietinbank) chi nhánh KCN Bình Dương tiếp tục có sự bứt phá, tăng trưởng tín dụng đã tăng 16,32% trong 6 tháng đầu năm, đạt hơn 50% chỉ tiêu của năm 2013. Giám đốc Mai Xuân Long cho biết, chi nhánh đã sắp xếp lại các hoạt động, trong đó các chỉ tiêu an toàn, huy động, cho vay các đối tượng khách hàng đều được quan tâm thực hiện. Ngoài việc chủ động tiếp thị đến khách hàng DN, NH còn dành nhiều ưu đãi cho khách hàng cá nhân.

Ngoài các NH nêu trên, mức tăng tín dụng của hệ thống NH Bình Dương cũng có sự bứt phá ở một số NH. NH TMCP Á Châu (ACB) tăng 30%; BIDV tăng 15,45%... Hiện các NH cũng đang có nhu cầu xin cấp hạn mức tín dụng tăng lên đáng kể so với đầu năm. Như vậy, so với tỷ lệ tăng tín dụng của toàn hệ thống (chỉ đạt 4,5% trong 6 tháng đầu năm 2013), rõ ràng ngành NH Bình Dương đã có sự bứt phá khá tốt, nguồn tín dụng về cơ bản đã bắt đầu chảy vào nền kinh tế theo mục tiêu ngành NH mong đợi.

Thận trọng tăng cung ứng vốn

Dù tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng đầu năm đã có bước đột phá rõ nét khi chỉ còn 1,62% là chạm mức 12% kế hoạch năm 2013, nhưng thực tế cho thấy một vài NH lớn lại không đạt mức tăng dư nợ cho vay như NH Techcombank giảm 11,44%; Vietcombank Bình Dương đã giảm 7,7%... Do vẫn ì ạch trong tăng trưởng tín dụng đối với không ít NH, mới đây, Chỉ thị 03 của NHNN quyết liệt yêu cầu các NHTM có mức tăng trưởng thấp cần giải pháp mở rộng tín dụng hiệu quả để đạt tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ở mức 12% trong năm nay, yêu cầu đó đã khiến nhiều NH lo lắng. Theo Giám đốc Vietcombank Bình Dương Nguyễn Đình Phục, vấn đề trọng tâm lúc này là các TCTD nói chung phải tập trung xử lý nợ xấu, không để phát sinh thêm. Do vậy, việc xử lý tài sản thế chấp cần được các ngành chức năng đẩy nhanh tiến độ, tạo điều kiện thuận lợi để TCTD thu hồi nợ, đây là giải pháp tốt nhất để NH có thể tiếp tục vòng quay, đưa vốn ra nền kinh tế. Đồng tình với ý kiến về cơ chế, biện pháp xử lý nợ xấu hiện nay còn chậm và chưa cụ thể từ Trung ương tới địa phương, trong khi NHNN tạo điều kiện để các NHTM mở rộng tín dụng có thể dẫn tới chạy đua cho vay, nợ xấu sẽ bùng phát trở lại, Giám đốc NH TMCP SHB chi nhánh Sông Bé băn khoăn: “Mức tăng trưởng tín dụng cao sẽ là áp lực, khi nền kinh tế vẫn còn khó khăn, DN chưa phục hồi. Để đạt chỉ tiêu cho vay, hiện nay đã có một số NH nới lỏng điều kiện cho vay để hỗ trợ khách hàng và dự báo nhiều khả năng kịch bản sẽ lặp lại khi các NHTM sẽ tiếp tục tranh nhau đẩy vốn. NH dễ dãi, người vay nhiều, nhưng khả năng tài chính không bảo đảm sẽ dẫn đến nợ quá hạn. Một vấn đề nữa liên quan đến kích thích tín dụng, vị giám đốc này cũng cho rằng, áp lực cạnh tranh nguồn vốn huy động vẫn còn, tình trạng NHTM giữ lãi suất huy động kỳ hạn ngắn ở mức cao như trước đây, khiến chi phí vốn đầu vào cao, lãi vay khó hạ, NH lại chịu rủi ro…

Nhận định về khả năng tín dụng toàn hệ thống đạt mức 12% trong năm 2013, Giám đốc NHNN chi nhánh Bình Dương Bùi Văn Nu cho rằng, nếu các TCTD tích cực đẩy tín dụng cùng với những tín hiệu phục hồi của nền kinh tế cho thấy nhiều khả năng tăng trưởng tín dụng 12% hay 15% của ngành NH Bình Dương có thể đạt được. “Tuy vẫn còn một số NH chưa đạt chỉ tiêu tăng tín dụng trong 6 tháng vừa qua, nhưng chúng tôi cũng đãquán triệt đây làmột nhiệm vụchính trị, lànhiệm vụđối với nền kinh tế”, ông Nu cho biết. Do vậy, các NHTM có mức tăng trưởng tín dụng thấp cũng nên mạnh dạn đầu tư vốn đối với khách hàng đủ điều kiện. Bên cạnh đó, cũng nên mạnh dạn đề xuất Hội sở điều chỉnh tăng hạn mức cho vay. NHNN Bình Dương đang khuyến khích, xem xét để các TCTD điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với các TCTD có khả năng mở rộng tín dụng trên cơ sở nguồn vốn lành mạnh, vững chắc, trong đó tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, bảo đảm chất lượng tín dụng. “Trên tinh thần cả hệ thống cùng vận hành, các NH cùng góp sức đầu tư tín dụng đúng định hướng vào những tháng cuối năm, mục tiêu góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường và tăng trưởng kinh tế trên địa bàn theo kế hoạch của tỉnh, mục tiêu của NHNN sẽ đạt được”, ông Bùi Văn Nu lạc quan.

 THANH HỒNG

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên