Tăng trưởng thương mại - dịch vụ tiếp tục đạt hai con số

Cập nhật: 23-10-2018 | 07:34:20

Trong 9 tháng năm 2018, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của tỉnh tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng trưởng tốt và ổn định, thể hiện sức cầu của xã hội và mục tiêu phát triển thương mại - dịch vụ của tỉnh đang đi đúng hướng.

 Từ đầu năm đến nay, ngành thương mại của tỉnh tiếp tục tăng trưởng cao. Trong ảnh: Người dân mua sắm tại Siêu thị Big C Bình Dương. Ảnh: TRÚC HUỲNH

 Tiểu thương nhạy bén với thị trường

Đường Đoàn Trần Nghiệp, phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một dài chưa đến 1km nhưng hiện có hàng trăm cửa hàng tạp hóa, kinh doanh các mặt hàng chuyên dụng… Bà Anh, sinh sống lâu năm trên tuyến đường này, chia sẻ từ lâu mọi sinh hoạt của bà đã gắn bó với con đường này. Chỉ cần đi bộ vài phút trên tuyến đường này bà muốn tìm mua món gì cũng có, giá cả lại rẻ hơn siêu thị nên bà rất phấn khởi. Còn chị Trần Thị Thanh Vân, sống ở đường Cách Mạng Tháng Tám, phường Phú Cường, cho biết chị vẫn thích mua hàng hóa tiêu dùng tại các tiệm tạp hóa thân quen. Gia đình có con nhỏ nên chị thường mua sữa, quần áo, đồ chơi… cho bé. Khi có nhu cầu chị chỉ cần gọi điện tới cửa hàng quen là có người giao hàng tận nơi, rất tiện lợi, đồ lại đúng ý, bảo đảm chất lượng nên chị rất an tâm.

Khi được hỏi làm thế nào để trụ vững trước sức ép cạnh tranh từ các siêu thị, trung tâm thương mại, anh Thái Cẩm Trường, chủ một cửa hàng bánh kẹo trên đường Đoàn Trần Nghiệp, cho biết sự khác biệt, giá hợp lý và giữ uy tín là bí quyết để cửa hàng của anh cạnh tranh tốt với các kênh bán lẻ hiện đại khác. Cửa hàng của anh không những thường xuyên nhập mẫu hàng mới mà còn tìm những sản phẩm có uy tín, chất lượng bảo đảm nhập về bán cho khách hàng. Hai năm gần đây, cửa hàng của anh còn thường xuyên áp dụng chương trình khuyến mại, bài trí sản phẩm bắt mắt, gọn gàng… nên thu hút được khách hàng.

Theo chị Nhung, chủ một cửa hàng tạp hóa ở đường Cách Mạng Tháng Tám, phường Phú Cường, tuy bán tạp hóa theo hình thức gia đình và bán tại nhà nhưng cửa hàng của chị vẫn có lượng khách hàng ổn định. Bán tại nhà chị không gặp nhiều áp lực cạnh tranh và có thể ở nhà để vừa giữ con vừa kinh doanh. Khi lấy hàng về bán chị ưu tiên lựa chọn đại lý, nhà phân phối uy tín, bán với giá hợp lý nhất để phục vụ khách hàng. Với tiêu chí khách hàng “mua gì có nấy”, giao hàng nhanh, khuyến mại khách hàng dịp cuối năm đã giúp cửa hàng của chị được người tiêu dùng tin tưởng và đặt mua hàng thường xuyên.

Tiếp tục củng cố hệ thống phân phối

Vài năm gần đây, trong cả nước nói chung, tại Bình Dương nói riêng các kênh phân phối hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi 24 giờ phát triển mạnh mẽ, nhưng kênh bán lẻ truyền thống vẫn có sức hút với người tiêu dùng. Giá rẻ, vị trí, dịch vụ thuận tiện, sự thân quen, tập trung vào mặt hàng lợi thế là cách các cửa hàng, tiểu thương ở chợ truyền thống giữ chân khách hàng. Chính vì vậy, ghi nhận cho thấy hoạt động thương mại nội địa tại tỉnh thời gian gần đây vẫn tăng trưởng tốt.

Theo số liệu thống kê chung toàn tỉnh, 9 tháng năm 2018 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của tỉnh ước thực hiện 140.857,7 tỷ đồng, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước, đạt 72,6% so với kế hoạch năm 2018. Mức tăng lĩnh vực thương mại của tỉnh cho thấy các đơn vị kinh doanh đã triển khai thực hiện tốt chương trình bình ổn thị trường và kế hoạch dự trữ hàng hóa, chủ động nắm tình hình giá cả thị trường, cung ứng hàng hóa kịp thời, tránh xảy ra tình trạng sốt giá ảo. Bên cạnh đó, các đơn vị kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã bảo đảm giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu tương đối ổn định, góp phần cùng Nhà nước kiềm chế lạm phát, thực hiện công tác an sinh xã hội trên địa bàn…

Theo kế hoạch từ nay đến cuối năm, các ngành, đơn vị trong tỉnh tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp các chợ truyền thống, chợ đầu mối nhằm hoàn thiện hệ thống hạ tầng thương mại. Cùng với đó, các đơn vị, ngành chức năng tiếp tục củng cố hệ thống phân phối để sản phẩm đến tay người tiêu dùng ở mức giá thấp nhất nhằm thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng và thúc đẩy sản xuất; theo dõi sát tình hình và diễn biến giá cả hàng hóa thị trường thế giới để có biện pháp hỗ trợ kịp thời nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trên địa bàn.

Đối với ngành công thương, sẽ tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp kiềm chế lạm phát, theo dõi sát diễn biến cung - cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu, chủ động và linh hoạt trong điều tiết cung - cầu và bình ổn thị trường, bình ổn giá. Đồng thời, ngành tiếp tục thực hiện chặt chẽ các chính sách kiểm soát nhập khẩu mặt hàng không thiết yếu, hàng tiêu dùng xa xỉ; tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động buôn bán, tàng trữ, vận chuyển hàng lậu, hàng giả, hàng cấm, gian lận thương mại, xử lý nghiêm các vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngành cũng tích cực thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”…

 THANH HỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=310
Quay lên trên