Tạo điều kiện để con em công nhân lao động đều được đến trường

Cập nhật: 17-08-2011 | 00:00:00

Bước vào năm học mới, phụ huynh thường tất bật lo toan mua sắm quần áo, dụng cụ học tập, cùng các khoản chi phí khác cho con em vào trường. Với công nhân lao động, dù còn những khó khăn nhất định, nhưng họ vẫn cố gắng lo liệu kỳ vọng tương lai con mình sẽ tươi sáng.

  Vào mỗi đầu năm học mới, con em lao động nghèo được các nhà hảo tâm tiếp sức đến trường

Lo cho con đến trường

Anh Nguyễn Hồng Linh, công nhân một công ty may ở Tân Định (Bến Cát) cho hay, mấy năm nay mãi lo làm ăn, vợ chồng anh chưa làm giấy khai sinh cho con. Năm nay anh thu xếp công việc về quê lo giấy tờ để đầu năm học này con của anh vào lớp một, dù có học trễ 1 năm. Con đi học anh yên tâm hơn, vì vừa có kiến thức, vừa không phải chơi lêu lổng những khi anh chị đi làm.

Hàng năm, toàn tỉnh tăng khoảng 10.000 học sinh các cấp, trong đó phần đông là con em công nhân lao động. Điều đó cho thấy, dù vẫn còn một bộ phận người lao động rày đây mai đó khiến cho việc học của con trẻ bị gián đoạn, nhưng tuyệt đại đa số công nhân lao động ngày nay đã ý thức chăm lo cho tương lai của con em mình. Và một khi đã cho con đến trường thì họ cũng dốc hết sức để lo toan. Chị Lê Thị Muối, tạm trú tại phường Hiệp Thành (TX.TDM) cho biết, anh chị đều là công nhân, thu nhập mỗi tháng khoảng 5 triệu đồng. Năm nay có 2 con học tiểu học, chi phí khá tốn kém, chỉ riêng 6 bộ đồng phục cho 2 đứa đã mất 700.000 đồng, rồi còn tiền sách, cặp, viết, các khoản phí đầu năm... mất ngót nghét thêm một triệu đồng, buộc phải dốc hết những đồng tiền tiết kiệm để lo cho các con. Chị tâm sự: “Sắp tới đây, cả nhà phải thắt lưng buộc bụng, nhưng tôi vẫn quyết cho con đi học, không để chúng sau này kham khổ như vợ chồng tôi bây giờ”.

Xã hội tiếp sức

Chăm lo việc học tập cho HS nghèo nói chung, con em công nhân lao động nói riêng là trách nhiệm của toàn xã hội. Chia sẻ với những khó khăn của HS đối tượng này, cứ mỗi đầu năm học mới, các tổ chức lại có những hoạt động như tặng cặp, sách, học bổng cho HS nghèo. Để giữ chân người lao động, đồng thời khuyến khích tinh thần hiếu học của con em công nhân, các doanh nghiệp có những phần quà ý nghĩa dành cho con em của họ vào mỗi đầu năm học mới hoặc khi kết thúc năm học. Đơn cử như, hàng năm Công ty P&G tặng hàng trăm suất học bổng cho con em công nhân viên chức lao động; một số công ty ở Bến Cát như Yazaki, Kumho Việt Nam... tặng tập, học bổng hoặc một chuyến đi chơi dành cho HS con em công nhân lao động học giỏi. Mới đây, Công ty Đầu tư và Sản xuất giày Thái Bình đã trao trên 1.000 suất học bổng, trị giá 1 tỷ đồng cho con em công nhân có thành tích học tập tốt trong năm học vừa qua. Càng gần đến ngày khai giảng, các tổ chức kinh tế - xã hội, các nhà hảo tâm càng có nhiều hoạt động chăm lo cho thế hệ trẻ, trong đó có con em công nhân. Bà Nguyễn Thị Bảy, Trưởng ban Từ thiện - xã hội, Câu lạc bộ Nữ doanh nhân Bình Dương chia sẻ: “Trao học bổng cho học sinh nghèo hiếu học, trong đó có con em công nhân là một trong những hoạt động ý nghĩa, được CLB chú ý. Năm nay, CLB dự kiến trao khoảng 30 phần quà cho học sinh nghèo hiếu học với số tiền 15 triệu đồng. Ngoài ra, một thành viên CLB còn vận động doanh nghiệp đóng trên địa bàn huyện Bến Cát tài trợ 10 phần, trị giá 15 triệu đồng dành cho học sinh nghèo. Cuối năm học 2010-2011, CLB cũng trao gần 400 triệu đồng học bổng, trong đó 50 triệu đồng dành cho học sinh nghèo. Số tiền này giúp cho các em mua quần áo, sách vở chuẩn bị năm học mới”.

Chăm lo việc học của HS thân yêu, các trường cũng rà soát số HS nghèo, là con em công nhân lao động để có hướng hỗ trợ. Trường THCS Phú Hòa (TX.TDM) có số HS nhập cư khá đông, điều kiện học tập của một bộ phận các em còn khó khăn. Tiếp sức cho HS nghèo đến trường, hàng năm nhà trường tặng từ 50-100 bộ đồng phục, tặng sách, những trường hợp khó khăn làm đơn có xác nhận của địa phương thì nhà trường miễn giảm học phí. Ông Trần Văn Chánh, Hiệu trưởng nói, “không nỡ để các em nghỉ bỏ học, nhà trường tìm mọi cách chia sẻ khó khăn với các em. Những em học yếu thì trường vận động giáo viên dạy phụ đạo miễn phí”.

Nhiều năm qua, trường tiểu học Mỹ Phước (Bến Cát) cũng có nhiều hoạt động chăm lo cho HS nghèo, HS con em công nhân lao động. Theo ông Nguyễn Khắc Tường, Hiệu trưởng nhà trường, mỗi năm ban giám hiệu trường đứng ra vận động các Mạnh Thường Quân trao từ 100-150 suất học bổng, mỗi suất trị giá 250.000 đồng. Năm nay nhà trường tiếp tục duy trì hoạt động này để HS vững bước đến trường.

Từ sự chung tay góp sức của cộng đồng, đông đảo con em công nhân lao động đã được đến trường. Hy vọng rằng, trong năm học 2011-2012 sẽ không còn tình trạng HS nghỉ bỏ học hoặc bị cha mẹ “gửi về quê” vì khó khăn như trước nữa.

A.SÁNG

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X