Đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến kinh tế, sức khỏe của người dân, tuy nhiên nó cũng mang lại những cơ hội nhất định, trong đó có sản xuất, tiêu dùng bền vững. Khảo sát mới đây cho thấy 90% người được khảo sát trả lời rằng dịch bệnh Covid-19 làm thay đổi cách nhìn của họ về môi trường và tiêu dùng bền vững. Covid-19 cũng làm thay đổi hành vi người tiêu dùng, 62% người tiêu dùng sẵn sàng thay đổi hành vi mua hàng để giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường.
Nắm bắt thực tế đó, thời gian qua, việc nâng cao hiệu quả sử dụng nguyên, nhiên, vật liệu và giảm phát thải ra môi trường được khá nhiều tập đoàn lớn áp dụng, nhưng với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có quy mô nhỏ hơn thì còn nhiều khó khăn, thách thức. Do chi phí máy móc lớn, rào cản kỹ thuật và công nghệ, nguyên liệu thiên nhiên có hạn, nên “cái khó vẫn đang bó cái khôn”, ảnh hưởng đến việc sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm thân thiện với môi trường…
Trong xu thế hội nhập, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh và mất thị phần không chỉ trên thị trường quốc tế mà sẽ phải cạnh tranh trên chính thị trường trong nước nếu không bắt kịp sự thay đổi để đáp ứng các yêu cầu về luật định và yêu cầu của thị trường về sản phẩm xanh. Để tăng tính cạnh tranh, phù hợp với xu thế, các doanh nghiệp nhỏ và vừa của địa phương sẽ cần có nhiều hơn các hoạt động thúc đẩy và hỗ trợ các doanh nghiệp nhanh chóng hội nhập và nâng cao ý thức của người tiêu dùng khi lựa chọn mua sản phẩm. Đồng thời các chính sách và quy định của Nhà nước rõ ràng và cụ thể hơn cũng tạo điều kiện để các sản phẩm xanh có chỗ đứng và phát triển.
TIỂU MY