Kỳ 2: Cách làm sáng tạo trong giải tỏa đền bù
Triển khai thực hiện Dự án Khu liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị Bình Dương (gọi tắt là khu liên hợp), chính quyền địa phương và Becamex IDC - đơn vị chủ đầu tư dự án đã có những cách làm hay, sáng tạo trong công tác giải tỏa đền bù, góp phần tạo sự đồng thuận cao trong người dân, qua đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội - đô thị của địa phương.
Vì lợi ích người dân
Tái định cư (TĐC) các hộ dân trong diện giải tỏa đền bù của dự án khu liên hợp được tỉnh và chủ đầu tư xác định là công tác quan trọng nhất. Vì vậy, ngay từ khi làm quy hoạch khu liên hợp, các khu TĐC của dự án cũng được quy hoạch.
Sau hơn 10 năm xây dựng cuộc sống mới trong khu TĐC của Khu liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị Bình Dương, đời sống người dân ngày càng được nâng cao, hoạt động kinh doanh mua bán phát triển. Ảnh: PHƯƠNG LÊ
Có thể thấy, ngay từ năm 1995, tỉnh Sông Bé (nay là tỉnh Bình Dương và tỉnh Bình Phước) đã thực hiện công tác quy hoạch khu TĐC cho các hộ dân trong diện giải tỏa đền bù của các dự án xây dựng khu công nghiệp. Rút kinh nghiệm từ các quy hoạch khu TĐC này, Becamex IDC đã quy hoạch các khu TĐC của dự án khu liên hợp phải trở thành các khu đô thị - tức là công nghiệp phát triển thì kéo theo dịch vụ phát triển và đô thị cũng phát triển. Hiện nay, khu liên hợp có 6 khu TĐC. Chính quyền địa phương và chủ đầu tư thực hiện quy hoạch và triển khai khu TĐC với mục đích tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi nghề nghiệp từ nông nghiệp sang thương mại - dịch vụ; gắn liền phát triển khu công nghiệp với các khu TĐC; đồng thời đầu tư, xây dựng hệ thống giao thông kết nối với các địa phương trong tỉnh và các tỉnh, thành khác.
Bên cạnh đó, để phát triển kinh tế - xã hội địa phương, việc xây dựng khu TĐC sẽ thu hút nhà đầu tư đến Bình Dương đầu tư vào các khu công nghiệp vì họ thấy được rằng, khu TĐC sẽ là nơi để người lao động an cư, yên tâm trong cuộc sống và gắn bó với công việc của mình nơi đây. Với mục đích quy hoạch khu TĐC tại khu liên hợp phải khắc phục được nhiều khiếm khuyết trong quy hoạch khu TĐC của các khu công nghiệp trước đó.
Triển khai công tác giải tỏa đền bù dự án khu liên hợp, Becamex IDC đã cử người tham gia vào tổ chuyên viên giúp việc cho hội đồng bồi thường thực hiện công tác chuyên môn như xác định ranh giới đất, lập hồ sơ, xét duyệt hồ sơ… Để tạo điều kiện cho người dân sớm ổn định xây dựng cuộc sống mới, chủ đầu tư đã phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ đất thổ cư căn cứ vào diện tích đất sản xuất nông nghiệp của người dân. Trong giai đoạn đầu, để khuyến khích người dân TĐC xây dựng nhà ở công nhân, phát triển dịch vụ nhà trọ, Becamex IDC đã hỗ trợ 15 bao xi măng/căn nhà cho mỗi hộ dân nhằm một mặt giải quyết nhà ở cho công nhân, mặt khác tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi nghề nghiệp. Nếu khi xây dựng nhà ở, người dân cần đất xây nhà, chủ đầu tư cử người trực tiếp hỗ trợ người dân để nhanh chóng TĐC.
Bên cạnh đó, Becamex IDC đã tổ chức thống kê lại lực lượng lao động trẻ là con em của các hộ dân trong khu TĐC và có chính sách đưa đi đào tạo nghề, được hỗ trợ kinh phí, đồng thời giới thiệu việc làm khi kết thúc khóa đào tạo. Đối với các em học sinh vừa tốt nghiệp lớp 12 có nguyện vọng thi vào trường Đại học Quốc tế Miền Đông, sẽ được nhà trường ưu tiên xét điểm chuẩn thấp hơn nhằm tạo điều kiện để các em được theo học.
Nâng cao đời sống người dân
Sau hơn 10 năm xây dựng cuộc sống mới, đời sống của người dân trong khu TĐC của Dự án Khu liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị Bình Dương ngày càng được nâng cao. Ông Mai Văn Rõ, người dân khu phố 1, phường Hòa Phú, TP.Thủ Dầu Một, chia sẻ: “Trước đây gia đình tôi làm nông nghiệp, chủ yếu là trồng cây cao su. Sau khi tỉnh có quy hoạch phát triển Khu liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị Bình Dương, diện tích đất nông nghiệp của gia đình tôi được chuyển đổi thành đất thổ cư. Năm 2005, khi gia đình tôi xây 9 phòng trọ trong khu TĐC, Becamex IDC đã hỗ trợ chúng tôi 135 bao xi măng giúp gia đình tôi một khoản tiền chi phí cho vật liệu xây dựng. Cũng nhờ có dãy phòng trọ cho thuê mà gia đình tôi chuyển hẳn sang kinh doanh dịch vụ nhà trọ, đời sống gia đình ổn định, không còn vất vả như thời còn làm nông nghiệp. Hiện nay gia đình tôi có 20 phòng trọ cho thuê, bình quân mỗi tháng thu nhập hơn 20 triệu đồng. Bên cạnh hình thức kinh doanh nhà trọ, gia đình tôi còn mở thêm đại lý bán gạo phục vụ bà con nơi đây, góp phần tăng thêm thu nhập”.
Còn ông Nguyễn Văn Nhàn, người dân ở khu phố 1, phường Hòa Phú, cho biết: “Khi phường Hòa Phú có chủ trương chuyển đổi ngành nghề, lúc đầu gia đình tôi cũng băn khoăn. Khi chuyển đổi nghề nghiệp, gia đình tôi đã quyết định xây dựng 70 phòng trọ và mở tạp hóa để đáp ứng nhu cầu về nhà ở, sinh hoạt hàng ngày của người dân và công nhân nơi đây, qua đó tăng thêm thu nhập cho gia đình”. Hiện nay, sau khi trừ các chi phí bình quân mỗi tháng gia đình ông có thu nhập khoảng 50 triệu đồng. Ông Nhàn cho biết thêm, tin tưởng vào chủ trương đúng đắn của tỉnh, người dân nơi đây đã thực hiện chuyển đổi ngành nghề sang làm dịch vụ, buôn bán. Nhờ đó, thu nhập của bà con nơi đây được nâng lên rõ rệt.
Có thể thấy rõ, qua hơn 10 năm thực hiện quy hoạch TĐC cho những người dân thuộc diện giải tỏa đền bù của dự án Khu liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị Bình Dương, đời sống những người dân nơi đây ngày càng phát triển. Các khu TĐC của dự án đã mang diện mạo của một phố thị với các loại hình dịch vụ phát triển, cùng với những dãy nhà cao tầng mọc lên san sát. Kết quả này không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mà còn là minh chứng, khẳng định chủ trương đúng đắn của tỉnh khi xây dựng khu liên hợp và triển khai chính sách TĐC cho các hộ dân. Sự phát triển của các khu TĐC thuộc khu liên hợp như hôm nay cũng chính là điểm sáng trong giải tỏa đền bù với cách làm hay, sáng tạo của tỉnh, của đơn vị chủ đầu tư Becamex IDC.
Ông Nguyễn Điền Trung, Bí thư Đảng ủy phường Hòa Phú, cho biết trước đây, người dân trên địa bàn chủ yếu sống bằng nghề chăn nuôi. Từ khi tỉnh xây dựng Thành phố mới Bình Dương, người dân nơi đây đã chuyển đổi ngành nghề, phát triển mạnh ngành thương mại - dịch vụ, nhất là loại hình dịch vụ cho thuê nhà trọ. Thu nhập của các gia đình trên địa bàn nhờ đó ổn định hơn trước.