Tạo động lực mới phát triển Đồng bằng sông Cửu Long

Cập nhật: 06-09-2010 | 00:00:00

 

Dự Hội nghị có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc; lãnh đạo nhiều bộ, ngành Trung ương, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ và 13 tỉnh thành phố thuộc ĐBSCL cùng hơn 500 đại biểu đến từ Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, các Tổng Lãnh sự, cơ quan xúc tiến đầu tư, thương mại, nhà đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài...

 

Kết quả chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế

 

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ ĐBSCL là vùng có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Vùng bao gồm 13 tỉnh, thành phố với diện tích tự nhiên trên 4 triệu ha, dân số khoảng 18 triệu người (chiếm 21% cả nước); có đường biên giới với Campuchia dài khoảng 330 km; bờ biển dài trên 700 km với khoảng 360.000 km2 vùng biển chủ quyền Việt Nam; hàng năm đóng góp gần 20% GDP của cả nước.

 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại hội nghị

Đây là vùng sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản hàng hoá lớn nhất Việt Nam, hàng năm sản xuất khoảng 50% sản lượng lúa, 52% sản lượng thuỷ sản, đóng góp khoảng 90% lượng gạo xuất khẩu và khoảng 60% kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của cả nước.

 

ĐBSCL còn là một vùng sinh thái đặc thù, hàng năm có gần một nửa diện tích với hàng triệu người dân trong cuộc sống và sản xuất có từ 3 đến 4 tháng liên quan đến lũ từ sông Mekong đổ về. Bên cạnh những mặt lợi rất lớn, lũ cũng gây ra nhiều khó khăn trong sản xuất, sinh hoạt và làm thiệt hại không nhỏ về người, tài sản đối với nhân dân trong vùng.

 

Trong nhiều năm qua, với sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, cùng nỗ lực rất lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương, toàn vùng đã huy động được nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển KT – XH, đạt được nhiều thành tựu to lớn. Kinh tế liên tục tăng trưởng với tốc độ khá cao, bình quân giai đoạn 2006 - 2010 đạt 10 - 12%/năm.

 

Tuy nhiên, theo Thủ tướng, kinh tế - xã hội ĐBSCL vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế to lớn của Vùng. Kinh tế phát triển chủ yếu theo chiều rộng, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đưa­ tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất còn chậm.

 

Chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của sản phẩm và doanh nghiệp còn thấp; thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài còn hạn chế, thấp xa so với các vùng khác. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, chất lư­ợng nguồn nhân lực, giáo dục, đào tạo, dạy nghề ch­ưa đáp ứng được yêu cầu phát triển.

 

Cần nhiều dự án đầu tư đủ lớn, đủ tầm

 

Đánh giá cao việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan, các nhà tài trợ tổ chức Hội nghị này, Thủ tướng cho rằng, các chủ đề thảo luận tại Hội nghị là rất thiết thực.

 

Đây là dịp để các cơ quan chức năng và cộng đồng doanh nghiệp trao đổi thông tin mới nhất về cơ chế chính sách liên quan đến đầu tư, các dự án tiềm năng mà Việt Nam đang kêu gọi và khuyến khích đầu tư; những vấn đề khó khăn vướng mắc đối với việc kinh doanh, đầu tư cần được làm rõ và tháo gỡ.

 

Nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã trao đổi nhằm tìm cơ hội hợp tác trong thời gian tới. (Ảnh: VNN)

Thủ tướng mong muốn, các tỉnh thành phố vùng ĐBSCL liên kết với nhau một cách chặt chẽ hơn, cùng nhau xây dựng những cơ chế, chính sách thu hút và thúc đẩy đầu tư, phát triển mang tính liên vùng, khai thác thật tốt các tiềm năng, thế mạnh của cả vùng, huy động cao nhất các nguồn lực bên trong và bên ngoài, có ngày càng nhiều dự án đầu tư đủ lớn, đủ tầm mang biểu tượng của sự liên kết vùng, sớm đem lại hiệu quả thiết thực cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân vùng ĐBSCL.

 

Thủ tướng đề nghị chính quyền các tỉnh thuộc ĐBSCL tăng cường công tác rà soát, điều chỉnh quy hoạch, đẩy mạnh cải cách hành chính, có những cơ chế, chính sách phù hợp, thông thoáng để thu hút đầu tư, phù hợp với điều kiện đặc thù của địa phương, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư triển khai sản xuất kinh doanh hiệu quả, mang lại lợi ích cho cả các nhà đầu tư và phía Việt Nam. 

 

Thủ tướng khẳng định, Chính phủ Việt Nam luôn khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư, kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng và góp phần mang lại động lực mới cho sự phát triển bền vững của ĐBSCL.

 

Tại Hội nghị, một số đại biểu cho rằng, ĐBSCL đầy tiềm năng, thế mạnh, song còn hạn chế về kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội; hiệu quả và khả năng cạnh tranh chưa cao. Vùng còn bị ảnh hưởng nhiều do biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tình trạng xâm mặn ở các tỉnh ven biển.

 

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cho rằng, ĐBSCL còn nhiều việc phải làm. Đó là phát triển kết cấu hệ thống giao thông, thủy lợi, nâng cao chất lượng giáo dục, dạy nghề; đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao...

 

Theo ông Ashok Sud, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp châu Âu các tỉnh, thành phố thuộc ĐBSCL nên có kế hoạch cụ thể và xác định rõ ràng các loại ngành công nghiệp mà địa phương muốn phát triển.

 

Ông tin tưởng mạnh mẽ vào khả năng thu hút thu hút nguồn vốn đầu tư, rất hiệu quả vào vùng ĐBSCL và sẽ tạo ra làn sóng đầu tư mới đối với các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.

 

* Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chứng kiến ký kết hợp tác đầu tư giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, một số thỏa thuận hợp tác đầu tư giữa các thành phố Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL với các doanh nghiệp đầu tư hàng đầu cả trong và ngoài nước. Các dự án, thỏa thuận hợp tác đầu tư này trị giá hàng nghìn tỷ đồng.

Theo Chinhphu.vn

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên