Nhằm phát triển vận tải cho hệ thống logistics từ nội địa tỉnh Bình Dương đến cảng biển nước sâu Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu) và cảng Cát Lái (TP.Hồ Chí Minh), Bình Dương đang quyết liệt đầu tư, nâng cấp để khai thác hiệu quả hệ thống giao thông vận tải thủy dọc sông Sài Gòn trên địa bàn tỉnh.
Khu đô thị cảng - logistics - dịch vụ tại TP.Bến Cát vừa được UBND tỉnh phê duyệt được xem là đầu mối giao thông quan trọng của tỉnh kết nối với TP.Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
Động lực đột phá mới
Kể từ khi ra mắt địa điểm làm thủ tục hải quan, mỗi ngày, cảng Thạnh Phước tại TP.Tân Uyên đều bận rộn đón thêm nhiều chuyến tàu ra vào làm thủ tục xuất nhập khẩu tại cảng. Trong khi cũng tại đây, trước đó chỉ có vài chuyến tàu ghé qua mỗi tuần. Có thể thấy rõ, việc đưa cảng cạn Thạnh Phước vào hoạt động làm thủ tục xuất nhập khẩu, thông quan hàng hóa đã thể hiện sự nỗ lực của tỉnh, tạo thêm sức hút cho dịch vụ logistics.
Mới đây, UBND tỉnh cũng đã ban hành quyết định phê duyệt khu vực phát triển đô thị dọc đường Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh - khu số 1 thuộc TP.Bến Cát với 10 khu đô thị và 4 cảng. Theo quyết định này, khu vực phát triển đô thị dọc tuyến Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh - khu số 1, TP.Bến Cát sẽ là khu đô thị cảng - logistics - dịch vụ quy mô khoảng 2.702 ha ở An Tây, An Điền và Phú An. Khu đô thị cảng - logistics - dịch vụ này được xem là đầu mối giao thông quan trọng của tỉnh Bình Dương và cửa ngõ kết nối với TP.Hồ Chí Minh qua tuyến giao thông Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh. Trong đó sẽ thực hiện dự án hạ tầng kỹ thuật khung xây dựng 4 cảng dọc sông Sài Gòn với tổng vốn đầu tư khoảng hơn 3.400 tỷ đồng.
Khu vực được quy hoạch thuộc các phường An Tây, An Điền và xã Phú An. Trong đó, tại phường An Tây sẽ xây dựng 3 cảng gồm cảng An Tây, diện tích 100 ha, vốn đầu tư 2.300 tỷ đồng, khung thời gian từ năm 2025- 2030; cảng Rạch Bắp diện tích 8,51 ha, vốn đầu tư 400 tỷ đồng, thời gian đầu tư năm 2027-2040; cảng An Điền diện tích 7,5 ha, vốn đầu tư 400 tỷ đồng, đầu tư từ năm 2027-2040. Tại xã Phú An sẽ đầu tư xây dựng cảng thủy nội địa Cái Lăng với diện tích 2,6 ha, vốn đầu tư 300 tỷ đồng, thời gian xây dựng từ năm 2027-2040. Các dự án đều được tổ chức đấu thầu công khai lựa chọn nhà đầu tư.
Theo Sở Giao thông - Vận tải, công tác đầu tư xây dựng các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm từ giai đoạn 2021 đến nay được triển khai khá quyết liệt, toàn diện, nhất là các dự án cao tốc, vành đai thuộc quản lý của Trung ương nhưng giao cho địa phương triển khai đầu tư. Đến nay, các tuyến đường quốc lộ đã và đang được đầu tư nâng cấp, mở rộng từ ngân sách cũng như huy động từ các thành phần kinh tế đầu tư phát triển hệ thống giao thông.
Tăng lợi thế hấp dẫn
Hiện các trục giao thông mang tính kết nối vùng, kết nối Bình Dương với các tỉnh, thành phố trong vùng như: Đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng, cầu Bạch Đằng 2, nâng cấp mở rộng Quốc lộ 13, đường Vành đai 3, Vành đai 4 đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương (giai đoạn 1) đang được khẩn trương triển khai thực hiện. Dự án đường Vành đai 4 có tổng chiều 207km, đi qua 5 địa phương là Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương và Long An, trong đó đoạn đi qua Bình Dương dài 47,5km. Riêng đoạn đi qua Khu công nghiệp Mỹ Phước 3, Mỹ Phước 4 (các phường Chánh Phú Hòa và Thới Hòa, TP.Bến Cát), dài 8km đã được đầu tư hoàn thành và đưa vào khai thác trước đó.
Để ngành logistics phát huy đúng với tiềm năng, thế mạnh, Bình Dương đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp. Theo đó, tỉnh đang tập trung nguồn lực đầu tư các tuyến giao thông huyết mạch, nâng cấp các cảng thủy nội địa, đường sắt, hệ thống kho, bãi… có khả năng kết nối với các cảng biển, cảng sông, nhà ga, sân bay quốc tế trong khu vực nhằm bảo đảm cho sự luân chuyển hàng hóa và hoạt động logistics được thuận lợi.
UBND tỉnh cũng đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tìm đối tác có năng lực, kinh nghiệm đầu tư xây dựng các cảng sông đúng theo quy định. Thời gian dự kiến thực hiện dự án từ nay đến năm 2040. Các cảng này được xây dựng nhằm phục vụ các hoạt động vận tải hàng hóa, hình thành chuỗi dịch vụ logistics với mô hình vận tải đa phương thức. Hệ thống vận tải thủy dọc sông Sài Gòn trên địa bàn tỉnh sau khi hoàn thành sẽ trở thành những trung tâm luân chuyển hàng hóa khu vực, giảm tải giao thông cho các tuyến đường bộ, thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh.
Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết với các chính sách đột phá “đi trước một bước” trong đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, thời gian qua, Bình Dương đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong quá trình phát triển KT-XH. Tỉnh đã tập trung huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh ngày càng hoàn thiện, phục vụ tốt hơn cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, giao thương của người dân và doanh nghiệp.
NGỌC THANH