Tạo động lực phát triển từ hạ tầng kết nối - Kỳ 2

Cập nhật: 01-06-2024 | 08:22:29

Kỳ 2: Đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm

 Để tạo sự đột phá cho kinh tế phát triển, nhiều năm qua Bình Dương đã chủ động triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối liên tỉnh, liên vùng. Trong đó, nhiều công trình trọng điểm quốc gia và của tỉnh đang được Bình Dương quyết liệt triển khai.

 Công trình cầu vượt sông Đồng Nai (Bạch Đằng 2) đã hiện rõ hình hài

 Chú trọng giải phóng mặt bằng

Dự án cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Chơn Thành có hướng tuyến điểm giao với đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh, điểm cuối tại ranh giới tỉnh Bình Dương và tỉnh Bình Phước. Dự án có tổng chiều dài hơn 52km, đi qua địa bàn TP.Thuận An, Tân Uyên, huyện Bắc Tân Uyên, Phú Giáo, Bàu Bàng, trong đó có 337 hộ dân có dự án đi qua, riêng địa bàn xã Phước Hòa có 177 hộ dân bị ảnh hưởng.

Dự án có tổng mức đầu tư 17.408 tỷ đồng. Phương án tài chính của dự án gồm vốn tham gia của Nhà nước 8.530 tỷ đồng, vốn huy động từ nhà đầu tư 8.878 tỷ đồng, trong đó 70% vốn vay ngân hàng, 30% vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư. Dự án có vận tốc thiết kế 100 km/giờ, là công trình giao thông cấp I. Dự án có 2 dự án thành phần. Cụ thể, dự án thành phần 1: Giải phóng mặt bằng đoạn qua tỉnh Bình Dương; Dự án thành phần 2: Đầu tư xây dựng đoạn qua tỉnh Bình Dương. Giai đoạn 1 đầu tư 4 làn xe và làn dừng khẩn cấp chạy liên tục, giai đoạn 2 (giai đoạn quy hoạch) mở rộng thêm 2 làn. Dự kiến thời gian thực hiện dự án từ năm 2023- 2027.

Tại buổi họp dân công bố chủ trương đầu tư dự án mới đây, người dân xã Phước Hòa có diện tích đất thuộc dự án đi qua cơ bản đồng thuận. Đồng thời, bày tỏ mong muốn trong quá trình triển khai thực hiện bảo đảm mức giá đền bù phù hợp, thỏa đáng cũng như làm tuyến đường dân sinh để không ảnh hưởng đến đi lại, kinh tế, đời sống. Theo ông Phạm Ngọc Lợi, người dân ấp Đồng Chinh, xã Phước Hòa, ấp Đồng Chinh là khu vực vùng trũng, trong quá trình thiết kế, xây dựng đường cao tốc đơn vị chủ đầu tư cần tính đến hệ thống thoát nước cũng như các tuyến đường dân sinh qua khu này để không ảnh hưởng đến kinh doanh, hoạt động sản xuất cũng như tạo thuận lợi cho người dân đi lại.

Ông Nguyễn Văn Toàn Nhỏ, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất (TTPTQĐ) tỉnh, cho biết TTPTQĐ tỉnh thực hiện công khai, minh bạch các vấn đề liên quan, trong quá trình triển khai đền bù, thu hồi đất sẽ phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương. Thời gian tới, TTPTQĐ tỉnh tiếp tục phối hợp thu thập thông tin liên quan thực hiện các bước tiếp theo, đồng thời tỉnh sẽ thành lập Hội đồng bồi thường. Hiện tỉnh đang giao Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu xây dựng giá đất. Ông Nhỏ bày tỏ mong muốn người dân phối hợp chặt chẽ với địa phương trong thực hiện kê khai thông tin.

Dự án đường Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh đoạn đi qua địa bàn tỉnh Bình Dương được chia làm 2 dự án thành phần: Giải phóng mặt bằng và xây lắp. Đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt hồ sơ cắm cọc giải phóng mặt bằng đoạn Thủ Biên - Đất Cuốc dài 12,5km và một số đoạn tuyến từ Đất Cuốc - sông Sài Gòn (khoảng 4,6km). Sở Giao thông - Vận tải đang thẩm định hồ sơ ranh các đoạn còn lại.

Theo kế hoạch, Bình Dương sẽ khởi công dự án đường Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh trong quý III-2024 (dự kiến tháng 7). Ông Nguyễn Văn Thuận, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Tân Uyên, cho biết huyện đã chuẩn bị quỹ đất sạch cho công tác khởi công dự án. Song song đó, với tinh thần trách nhiệm cao, huyện tích cực phối hợp với TTPTQĐ tỉnh trong công tác thẩm định giá đất, tính toán phương án bồi thường giải phóng mặt bằng.

Phát huy hiệu quả đầu tư

Tuyến đường Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng kết nối tỉnh Bình Phước được đầu tư nhằm phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương và Bình Phước. Tuyến đường đang được Bình Dương triển khai thi công với quy mô 8 làn xe, lộ giới 40,5m. Dự kiến trong năm 2024 sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác.

 Nhiều đoạn thuộc tuyến đường Bắc Tân Uyên Phú Giáo - Bàu Bàng đã cơ bản hoàn thành

Năm 2024, công trình này có kế hoạch vốn 39 tỷ đồng, đến nay khối lượng giải ngân đạt 64%, công tác giải phóng và bàn giao mặt bằng đạt 99,8%. Theo Ban Quản lý (BQL) dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh (BQL dự án), công trình hiện đang gặp một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Cụ thể, đến nay công trình còn 9 hộ chưa bàn giao mặt bằng, lưới điện trung, hạ thế và trạm biến áp còn 1 vị trí chưa di dời.

Ông Trần Hùng Việt, Giám đốc BQL dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh, cho biết đối với các hộ dân chưa bàn giao mặt bằng, BQL dự án đã phối hợp với địa phương vận động nhiều lần theo quy định. Ban đã đề nghị địa phương hoàn thiện hồ sơ, thực hiện thủ tục cưỡng chế thu hồi đất, bàn giao mặt bằng thi công đúng kế hoạch đề ra.

Đối với công trình xây dựng cầu vượt sông Đồng Nai (cầu Bạch Đằng 2) có kế hoạch vốn năm 2024 là 65,2 tỷ đồng. Việc xây dựng cầu Bạch Đằng 2 là một phần trong mục tiêu hoàn chỉnh mạng lưới đường bộ liên vùng nói chung và giữa tỉnh Đồng Nai với tỉnh Bình Dương nói riêng. Dự án sau khi hoàn thành sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong sinh hoạt của người dân, thúc đẩy giao thương, tạo động lực phát triển cho toàn vùng. Đến nay công trình có khối lượng giải ngân 25,32%, khối lượng thi công đạt 80%. Theo BQL dự án, nhà thầu đang tập trung thi công, dự kiến hoàn thành trong quý III-2024. Theo BQL dự án, hiện mặt bằng đường dẫn đầu cầu phía Bình Dương còn 1 hộ chưa bàn giao mặt bằng đã ảnh hưởng đến thi công. BQL dự án đã kiến nghị UBND TP.Tân Uyên tiếp tục chỉ đạo hỗ trợ, bàn giao mặt bằng còn lại.

Để sớm hoàn thành các công trình giao thông trọng điểm, trong thời gian tới Bình Dương sẽ thường xuyên kiểm tra, khảo sát công trình, chỉ đạo các đơn vị liên quan kịp thời gỡ vướng những khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

 Mới đây, tại buổi họp nắm tình hình, tiến độ triển khai thực hiện các dự án giao thông trọng điểm, ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương tập trung tối đa cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. BQL dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh phối hợp với UBND TP.Thuận An xác định khối lượng thực hiện, nhu cầu tái định cư, xử lý các “điểm nghẽn” để có mặt bằng thi công các gói xây lắp đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh, đặc biệt là gói xây dựng đoạn từ Bình Chuẩn đến sông Sài Gòn. Đối với dự án đường Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh, các sở, ngành nghiên cứu, thảo luận với đơn vị thi công về các nút giao để khai thác hiệu quả tuyến đường phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các sở, ngành, địa phương tiếp tục phối hợp công tác chọn tư vấn giá, phải sát sao với tiến độ từng dự án thành phần.

 PHƯƠNG LÊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=596
Quay lên trên