Tạo dựng được lòng tin cho thị trường

Cập nhật: 03-08-2012 | 00:00:00

Theo TS Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, dù đối mặt với nhiều khó khăn cả do tình hình quốc tế lẫn nội tại tác động, công tác điều hành vĩ mô của Chính phủ 1 năm qua trên các lĩnh vực như kiểm soát lạm phát, tỷ giá, dự trữ ngoại hối, thanh khoản ngân hàng… đã tạo dựng được lòng tin cho thị trường.

Từng bước giải bài toán " khó khăn kép"

Để thấy rõ kết quả trong quản lý điều hành kinh tế vĩ mô nước ta trong hơn 1 năm qua, cần phải nhìn nhận bối cảnh thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội .

 

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009 tác động lớn lên các nền kinh tế trên thế giới và Việt Nam không là ngoại lệ. Kinh tế thế giới phục hồi nhẹ năm 2010, nhưng năm 2011,  tiếp tục lún vào khủng hoảng với tâm điểm là nợ công châu Âu. Đến nay, tình hình vẫn tiếp tục có những diễn biến không thuận, gây khó khăn lớn cho kinh tế Việt Nam, nhất là ảnh hưởng đến xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài.

Thực tế, vào thời điểm năm đầu tiên thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011-2015, Việt Nam chịu " khó khăn kép" do khủng hoảng kinh tế toàn cầu cùng những bất cập nội tại của nền kinh tế tích tụ dồn nén lại. Bên cạnh đó, lạm phát như “con ngựa bất kham” khó kiểm soát, một số dự án đầu tư chưa hiệu quả trong thời gian trước, cùng với đó, sức ép tỷ giá lớn, lòng tin vào tiền đồng Việt Nam (VND) thấp dẫn đến đầu cơ ngoại tệ tăng cao…

Những khó khăn đó đặt ra yêu cầu phải khẩn trương ổn định kinh tế vĩ mô và quyết liệt thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế.

Trước đây, khi xây dựng kế hoạch năm 2012, nhiều chuyên gia, tổ chức tài chính quốc tế khuyến nghị mức lạm phát hợp lý là 12-13%. Họ cho rằng Việt Nam không thể kiểm soát lạm phát ở mức 1 con số. Nhưng với nỗ lực cao độ, trong 7 tháng qua, chỉ số giá tiêu dùng CPI chỉ tăng 2,2% và chắc chắn chúng ta sẽ thực hiện được việc kiềm chế lạm phát mức 1 con số trong năm nay.

Tỷ giá hiện tại cũng ổn định, lòng tin vào tiền đồng Việt Nam tăng lên. Tiền gửi là VND tăng cao, hiện tượng đầu cơ ngoại tệ giảm hẳn.

Cán cân thanh toán đã chuyển từ thâm hụt sang thặng dư, mà điểm nổi bật là cán cân vãng lai liên tục trong nhiều năm trước đây thâm hụt, năm nay lại thặng dư, nhờ đó dự trữ ngoại hối của Việt Nam tăng lên. Năm 2011, khi kinh tế vĩ mô bất ổn, các tổ chức xếp hạng quốc tế đánh giá dự trữ ngoại hối cũng như sức chống đỡ với các bất ổn tỷ giá của Việt Nam là thấp, thì hiện dự trữ ngoại hối của ta vững hơn so với năm 2011.

Trên lĩnh vực tiền tệ, thanh khoản của hệ thống ngân hàng hiện nay khá tốt. Cuối năm 2011, thanh khoản còn hết sức khó khăn, do nợ xấu ngân hàng tăng, các doanh nghiệp khó khăn. Nợ đọng trên bất động sản cao, lãi suất liên ngân hàng có thời điểm tăng lên đến 30%. Nhưng đến nay, thị trường tiền tệ ổn định, thanh khoản tốt, lãi suất liên ngân hàng thấp ở mức 2-3%.

Điều đó thể hiện công tác điều hành đã tạo dựng được lòng tin cho thị trường.

Bước vào năm đầu giai đoạn thực hiện kế hoạch 5 năm (2011-2015), chúng ta cũng bắt tay vào thực hiện tái cơ cấu, đã triển khai tích cực trên 3 lĩnh vực (tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp và tái cơ cấu thị trường tài chính). Đây là nhiệm vụ xuyên suốt thời gian qua, có khởi động tích cực và rộng rãi, các Bộ, ngành có liên quan đều vào cuộc.

Thêm nữa, bằng nhiều giải pháp, việc tạo công ăn việc làm về cơ bản đã được đảm bảo, công tác an sinh xã hội tốt, những đối tượng dễ bị tổn thương nhất, những người nghèo đã được hỗ trợ, nên lòng tin vào công tác điều hành được xây dựng ngày càng vững chắc.

Các chuyên gia, các tổ chức quốc tế và các nhà đầu tư đánh giá, điểm tích cực quan trọng mà chúng ta làm được đó là nhận thức rõ về sự cần thiết của ổn định kinh tế vĩ mô là mục tiêu xuyên suốt, và thực hiện kiên định mục tiêu với những chính sách linh hoạt.

Tháo gỡ khó khăn cần linh hoạt

Tuy nhiên, cũng còn những mặt hạn chế cần phải khắc phục trong chỉ đạo điều hành. Cụ thể, chính sách từ trung ương là đúng hướng, quyết tâm thực hiện cao, nhưng khi đi vào thực hiện ở một số khâu vẫn chưa đạt được mục tiêu. Ví dụ năm 2011 chúng ta đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng không quá 20%, nhưng tín dụng lại tăng trưởng thấp, chỉ khoảng 13-14%. Cùng với đó là chính sách tài khóa thắt chặt tương đối lâu mang lại những ảnh hưởng nhất định. Chúng ta chưa đánh giá đúng mức, đo lường, định lượng được chính xác quy mô thị trường lĩnh vực bất động sản và những tác động lan truyền vào các mặt của nền kinh tế.

Việc phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đã làm tốt hơn, nhưng vẫn mang nặng tính định tính. Do đó, cần có sự phối kết hợp trên cơ sở định lượng được và phản ứng nhanh hơn trong việc hỗ trợ các chính sách. Ví dụ, khi thắt chặt chính sách tiền tệ, thì vấn đề đặt ra là cần điều chỉnh chính sách tài khóa là bao nhiêu, tổng vốn đầu tư của chúng ta là bao nhiêu thì hợp lý.

Tình hình các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hàng tồn kho còn khá cao cũng gây những khó khăn cho cả doanh nghiệp lẫn ngân hàng và cũng ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Từ cuối năm ngoái và 6 tháng đầu năm nay, tín dụng ngân hàng tăng trưởng thấp, điều đó cho thấy khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế giảm nhiều…

Nhận thức được những thách thức đó, nhất là những vấn đề mới phát sinh, Chính phủ đã khẩn trương ban hành kịp thời Nghị quyết 13 cùng với một loạt các biện pháp triển khai đi kèm. Theo đó, Chính phủ đã tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng bằng hướng giải quyết cụ thể như: giảm bớt chi phí đầu vào, miễn, giảm thuế, hạ lãi suất, giảm bớt chi phí tài chính, đồng thời kích thích tổng cầu, hỗ trợ đầu ra cho doanh nghiệp và một số lĩnh vực có thể tiêu thụ sản phẩm hàng hóa…

Mới đây nhất, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 60 về thi hành Nghị quyết số 29 của Quốc hội về ban hành một số chính sách thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho tổ chức và cá nhân. Nghị định này sẽ có hiệu lực từ ngày 20-9-2012. Theo đó, chính thức giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2012 đối với các đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa (trừ một số đối tượng). Việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay là một động thái hỗ trợ tích cực với nền kinh tế.

Chính sách tài khóa cũng được điều hành linh hoạt hơn. Đến cuối năm, việc giải ngân các dự án đầu tư được đẩy mạnh, nhưng không có sự “dễ dãi”, hay “tháo khoán” mà chúng ta vẫn hết sức thận trọng gắn tăng trưởng đi đôi với tái cơ cấu đầu tư công quyết liệt.

Lấy ví dụ như việc giải ngân vốn đầu tư bằng ngân sách và trái phiếu chính phủ thực hiện kế hoạch năm nay là 225.000 tỷ đồng và 30.000 tỷ đồng tạm ứng của năm sau. Đây là mức đầu tư trung bình so với các năm trước, tổng vốn đầu tư toàn xã hội chỉ ở khoảng 33% GDP là mức hợp lý, thấp hơn nhiều so với trước đây khoảng hơn 40% GDP. Theo tính toán, trong điều kiện như hiện nay, vốn đầu tư phát triển bình quân phải trên 90.000 tỷ đồng/1 tháng kéo dài liên tục trong 5 - 6 tháng mới gây tác động lạm phát.

Các biện pháp đưa ra hiện nay đang tập trung theo hướng phối hợp đồng bộ chính sách tài khóa và tiền tệ trong điều hành kinh tế vĩ mô. Trong điều kiện tín dụng tăng thấp, chính sách tài khóa linh động hơn sẽ bù đắp một phần tổng vốn đầu tư xã hội.

Theo Chinhphu.vn

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=252
Quay lên trên