Tạo dựng hệ sinh thái truyện tranh Việt Nam

Cập nhật: 01-03-2022 | 10:47:16

Ðộc giả trẻ xếp hàng ủng hộ bộ truyện "Long thần tướng".

Thời gian qua, dù đã có một số truyện tranh "made in Việt Nam" thu hút sự chú ý của cộng đồng thì trên thực tế, những thành quả này vẫn chưa tương xứng với nhu cầu, tiềm năng vốn có của loại hình. Chính vì thế, để phát triển truyện tranh Việt Nam trở thành một lĩnh vực của công nghiệp hình ảnh với các sản phẩm thuần Việt giàu bản sắc, rất cần các biện pháp thúc đẩy, hỗ trợ kịp thời, trong đó sự hỗ trợ của một hệ sinh thái mang tính khơi mở và quan trọng.

Truyện tranh là một lĩnh vực của công nghiệp hình ảnh đã có nhiều đóng góp với công nghiệp văn hóa. Trên thế giới, trong gần 100 năm qua, thị trường xuất bản truyện tranh đã và đang phát triển với nhiều thành tựu lớn như: Manhwa ở Hàn Quốc, Manga ở Nhật Bản, Manhua ở Trung Quốc, Comic ở Mỹ...

Tại những quốc gia này, xuất bản truyện tranh trở thành một ngành công nghiệp đem lại lợi nhuận cao. Hơn thế, Osamu Tezuka - một trong hai trụ cột của truyện tranh Nhật Bản, còn đưa truyện tranh trở thành một yếu tố của bản sắc văn hóa.

Từ khá lâu, truyện tranh của thế giới đã xuất bản tại Việt Nam với các bộ truyện hấp dẫn như: "Doraemon", "Thám tử lừng danh Conan", "7 viên ngọc rồng", "Cuộc phiêu lưu của Tintin", "Thủy thủ mặt trăng"... Tương ứng về thời gian, truyện tranh của Việt Nam cũng có nhưng không nhiều, như các tác phẩm: "Dũng sĩ Hesman" của Hùng Lân, "Thần đồng đất Việt" của Lê Linh, "Cô Tiên xanh", "Trạng Quỳnh", "Cậu bé rồng" của Kim Khánh... Và sự hấp dẫn, phạm vi phổ biến rộng rãi của truyện tranh đã khiến loại hình giải trí này ngày càng trở nên quen thuộc với độc giả, trở thành một nhu cầu.

Như theo báo cáo của Waka, một nền tảng đọc truyện trực tuyến, mỗi tháng tại Việt Nam có khoảng 2,5 triệu người thường xuyên đọc truyện tranh trực tuyến, tương ứng với quy mô khoảng 4 triệu USD/năm. Nếu đáp ứng tốt, con số này chắc chắn sẽ tăng lên khi số người sử dụng smartphone (điện thoại thông minh) ở Việt Nam đạt 90,3 triệu thuê bao, chiếm 73,4% số thuê bao điện thoại di động (theo số liệu thống kê về lĩnh vực viễn thông của Bộ Thông tin và Truyền thông).

Ðến nay, tác giả truyện tranh ở Việt Nam có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng. Ðáng chú ý là bên sự xuất hiện lực lượng sáng tác trẻ luôn có một cộng đồng độc giả đón nhận, yêu mến tác phẩm truyện tranh thuần Việt.

Không chỉ đầu tư vào hình thức, nét vẽ mà nhiều tác giả trẻ đã chú trọng đến việc kết hợp nét đẹp văn hóa truyền thống, sự kiện lịch sử, xã hội gần gũi, chân thực làm tư liệu sáng tác, nên đã có thành tựu đáng ghi nhận.

Một số tác phẩm có đề tài mới lạ, nội dung hấp dẫn, như: "Long thần tướng", "Ðường hoa", "Việt sử kiêu hùng", "Ðịa ngục môn", "Thần tích"... Và đã đạt giải tại nhiều cuộc thi sáng tác truyện tranh quốc tế như: Silent manga, International Manga Award, International Comic/Manga School Contest…

Sau chặng đường khá dài, dù truyện tranh Việt Nam có bước phát triển nhất định nhưng chưa thực sự tương xứng nhu cầu, tiềm năng. Ðặc biệt là trong thời gian gần đây, dòng truyện tranh thuần Việt như đang có dấu hiệu chững lại, tác phẩm mới đáng chú ý ít xuất hiện.

Theo ông Ðặng Cao Cường, Trưởng ban Biên tập truyện tranh Nhà xuất bản Kim Ðồng, đơn vị này đã xuất bản và phát hành nhiều bộ truyện tranh nổi tiếng nhưng truyện tranh Việt chỉ chiếm 10%. 70% là truyện tranh Nhật Bản, 20% còn lại là truyện từ một số quốc gia khác.

Xuất bản truyện tranh ở Việt Nam còn gặp nhiều trở ngại do các nguyên nhân khác nhau. Yếu tố bản sắc (từ nội dung câu chuyện, nét vẽ đến phong cách) để nhận diện, phân biệt được truyện "made in Việt Nam" với các dòng Manga, Manhwa hay Comic có lẽ vẫn là bài toán khó giải nhất với tác giả.

Thực tế, dù tác giả đã cố gắng trau dồi nét vẽ và sáng tạo trong tìm ý tưởng cho câu truyện của mình song khó có thể phủ nhận, truyện tranh Việt Nam vẫn đang chịu ảnh hưởng khá nhiều từ truyện tranh của cả Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc...

Về nội dung, đề tài, nhiều tác giả vẫn theo lối mòn của những câu chuyện có nội dung gây cười hoặc tình cảm đơn thuần. Một số tác giả nỗ lực tìm đề tài mới như khoa học viễn tưởng, lịch sử nhưng chưa nhiều, chưa thực sự ghi dấu ấn.

Có tác phẩm dù được nhiều người ủng hộ, đón nhận nhưng cũng gây ra không ít tranh cãi, như: "Ðời cơ bản là buồn cười" của Lê Bích, "Thỏ bảy màu: Timeline của tui có gì" của Hoàng Thái Ngọc, "Pikalong" của Thăng Fly, "Bad Luck" của Châu Chặt Chém, "Học sinh chân kinh", "Lớp học mật ngữ" của Hoàng Anh Tuấn...

Bên cạnh đó, số đầu truyện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thưởng thức ngày càng cao của độc giả. Ðơn cử như bộ truyện "Long thần tướng" được đánh giá là thành công nhất hiện nay phải mất rất nhiều thời gian để ra mắt mỗi tập truyện. Tập đầu tiên xuất bản năm 2014 theo hình thức gây quỹ và đến nay, xuất bản được 4 tập, tập 5 còn đang ở trong giai đoạn hoàn thiện. Dù yêu mến tác phẩm, thì sự chậm trễ này cũng khiến nhiều độc giả không đủ kiên nhẫn chờ đợi.

Thậm chí có tác phẩm chỉ ra được một, hai tập rồi "biến mất" không hiểu vì lý do gì?

Chưa kể, việc tìm nguồn kinh phí xuất bản không phải lúc nào cũng thuận lợi. Một số tác phẩm có nội dung được đánh giá là tốt nhưng gây quỹ không thành công, nên không có kinh phí để xuất bản.

Hơn nữa, việc sáng tạo truyện tranh phần lớn vẫn là từ đam mê của cá nhân tác giả, chưa nhận được sự quan tâm, khuyến khích để tổ chức thành hoạt động thường xuyên, được sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý văn hóa.

Trong bối cảnh thị trường truyện tranh đang "nhập siêu", có thể thấy đó vừa là thách thức, vừa là cơ hội lớn dành cho các tác giả, nhà sản xuất phát huy sự sáng tạo. Vẫn biết sáng tạo nghệ thuật không phải là công việc dễ dàng, nhất là sáng tạo truyện tranh, nhưng với tiềm năng và lợi thế, kỳ vọng phát triển một nền truyện tranh thuần Việt giữa nhiều dòng truyện tranh đến từ quốc gia khác là hoàn toàn có cơ sở.

Ðể làm được điều này, chủ thể sáng tạo vẫn là quan trọng nhất. Nói cách khác, kỳ vọng đó chỉ đạt được khi người sáng tác nỗ lực không ngừng, luôn làm mới mình, bền bỉ sáng tạo để tạo được phong cách riêng, thoát khỏi ảnh hưởng từ các dòng truyện tranh từ nước ngoài.

Bởi nhìn lại thực tế, theo đánh giá của nhiều nhà chuyên môn, các bộ truyện tranh Việt Nam được yêu thích trước đây và hiện nay đều mang nét vẽ thuần Việt, câu chuyện thuần Việt.

Từ góc độ người sáng tác, Lâm Hoàng Trúc, tác giả truyện tranh "Ðường hoa", cũng đồng tình quan điểm trên khi chia sẻ trong một cuộc hội thảo rằng, kinh nghiệm để được các nhà xuất bản lựa chọn in và độc giả đón nhận là nét vẽ cá tính, câu chuyện mang đậm nét văn hóa Việt Nam với nội dung tích cực, hướng thiện,... cho giới trẻ. Qua đó tận dụng truyện tranh như một kênh giáo dục rất tự nhiên, hướng độc giả trong nước tới lịch sử và văn hóa Việt Nam, tới lòng tự hào và tự tôn dân tộc. 

Tuy nhiên với truyện tranh, ngoài tác giả và tác phẩm, còn có một số sản phẩm thương mại liên quan, như nhiều bộ truyện tranh hấp dẫn đã được chuyển thể thành phim hoạt hình, phim truyện, trò chơi điện tử... "ăn khách", hoặc các sản phẩm lưu niệm có giá trị.

Nhìn ra thế giới, ở một số nước, để có một ngành công nghiệp truyện tranh phát triển mạnh mẽ, họ không chỉ đơn thuần tập trung vào sáng tác và thu lợi từ sáng tác.

Ðiển hình như với truyện tranh Mỹ, dù không trực tiếp xuất hiện trong các hiệu sách, nhưng ảnh hưởng của các phim bom tấn như: "Người sắt", "Biệt đội báo thù Avengers", "Captain America", "Batman"... mà thế giới vẫn biết đến truyện tranh Mỹ cùng các nhân vật siêu anh hùng kể trên. Rồi hàng loạt sản phẩm "ăn theo" như: cốc, mũ bảo hiểm, ốp điện thoại, móc chìa khóa,... có hình ảnh siêu anh hùng đã khiến các nhân vật này trở nên nổi tiếng, quen thuộc.

Cũng theo ông Ðặng Cao Cường, để bắt kịp thế giới, phát triển hệ sinh thái truyện tranh, tiến tới xây dựng công nghiệp hình ảnh Việt Nam là xu hướng tất yếu.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc VICAS Arts Studio, Viện Nghiên cứu văn hóa, nghệ thuật quốc gia Việt Nam cũng cho rằng, điểm cốt lõi trong phát triển các ngành sáng tạo hình ảnh ở Việt Nam, trong đó có truyện tranh, là vấn đề "hệ sinh thái".

Theo đó, có thể hiểu hệ sinh thái truyện tranh là mối liên kết được tạo nên từ tổng thể nhiều yếu tố, gồm: tác giả, cơ chế, chính sách, nguồn tài trợ, các quỹ đầu tư, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực... Mối liên kết này vừa hỗ trợ sáng tạo của cá nhân và tạo ra một hệ thống sản phẩm phái sinh từ truyện tranh, vừa giúp tăng hiệu quả quảng bá, tạo nguồn kinh phí quay trở lại phục vụ hoạt động sáng tác và xuất bản.

Từ quan niệm hệ sinh thái truyện tranh như vậy, có thể thấy những năm gần đây, truyện tranh ở Việt Nam đã bước đầu manh nha có sự kết nối với các lĩnh vực khác để tạo ra sản phẩm phái sinh có chất lượng, trong đó có một số sản phẩm phái sinh tạo tiếng vang và được độc giả đón nhận không thua kém truyện tranh gốc.

Thí dụ một số thương hiệu truyện tranh mà Nhà xuất bản Kim Ðồng giữ bản quyền phát hành truyện tiếng Việt và hợp tác khai thác sản phẩm trong hệ sinh thái như: "7 viên ngọc rồng", "Thám tử lừng danh Conan", "Doraemon", "Thanh gươm diệt quỷ"… Trong số thương hiệu truyện tranh thành công của Nhà xuất bản Kim Ðồng có một tác phẩm thuần Việt là "Dế mèn phiêu lưu ký". Từ tác phẩm văn học của nhà văn Tô Hoài, họa sĩ Tạ Huy Long chuyển thể thành truyện tranh và đang được xây dựng kịch bản phim hoạt hình.

Tương tự, bộ truyện "Long thần tướng", bên cạnh xuất bản sách, nhóm tác giả còn làm poster, tượng nhân vật trong truyện, quà tặng, mỗi tập truyện có một món quà riêng, hình ảnh của truyện được in trên một số sản phẩm như sổ, quần áo, ốp lưng điện thoại... Nhóm cũng đã bán bản quyền chuyển thể (giữ lại bản quyền truyền hình) và đang thử nghiệm tự làm hoạt hình cho tác phẩm. Ðiều đó càng chứng tỏ sự cần thiết phải có một hệ sinh thái hỗ trợ để truyện tranh không chỉ có tính giải trí đơn thuần mà còn trở thành sản phẩm văn hóa đúng nghĩa.

Vì thế, để truyện tranh Việt Nam phát triển, việc phát triển một hệ sinh thái hỗ trợ sáng tạo truyện tranh đã trở nên hết sức cần thiết. Bên cạnh sự khuyến khích, hỗ trợ hoạt động sáng tạo của cá nhân, cần đẩy mạnh yếu tố công nghệ và các dịch vụ từ ứng dụng công nghệ. Và cùng với sáng tạo các sản phẩm phái sinh từ truyện tranh, tác giả và nhà xuất bản cũng cần chủ động, linh hoạt đưa sản phẩm của mình lên các nền tảng đọc online, nhằm mở rộng, thu hút hơn nữa số lượng độc giả.

Theo NDĐT

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=867
Quay lên trên