Tạo dựng ngôi nhà an toàn cho trẻ

Cập nhật: 12-06-2023 | 09:02:39

Ngôi nhà an toàn là một mô hình giúp phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em. Mô hình này đã và đang mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, khắc phục sự bất cẩn của người lớn, không để xảy ra tai nạn đáng tiếc ngay chính ngôi nhà trẻ đang sống.

An toàn trong từng chi tiết nhỏ

Có những thứ tưởng chừng vô hại trong nhà nhưng lại trở thành mối đe dọa đối với trẻ em và trên thực tế đã có nhiều vụ tai nạn thương tích xảy ra với trẻ ngay tại ngôi nhà, nơi trẻ sinh sống. Theo các nhà nghiên cứu, trẻ thường bị tai nạn thương tích trong chính ngôi nhà của mình, do trong nhà ẩn chứa nhiều yếu tố nguy cơ. Trên thực tế, việc áp dụng ngôi nhà an toàn giúp bảo vệ trẻ em an toàn vẫn còn chưa được các gia đình và chủ đầu tư xây dựng các công trình quan tâm sát sao.


Tổ chức sân chơi, rèn luyện kỹ năng là một trong những phương pháp giúp trẻ phòng, chống tai nạn thương tích

Sau khi được địa phương vận động, bà Nguyễn Thị Gấm (TP.Dĩ An) tham gia mô hình “Ngôi nhà an toàn” phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ. Bà Gấm cho biết bà đã về hưu nên nhận giữ cháu cho 2 con đi làm. Hôm trước, cán bộ địa phương đến vận động tuyên truyền tham gia mô hình “Ngôi nhà an toàn” nên bà có thêm nhiều kiến thức về chăm sóc và bảo vệ trẻ. “Để bảo đảm an toàn cho các cháu, gia đình bố trí dây điện, ổ điện ở trên cao xa tầm với, đường xuống nhà dưới bố trí cửa rào, để các cháu không trèo qua được. Hàng ngày, tôi rửa sạch sẽ đồ chơi của các cháu dưới vòi nước và phơi khô. Còn các vật dụng, như: Dao, kéo, vật sắc nhọn, phích nước nóng, bát, đĩa... tôi bố trí nơi khuất tầm nhìn hay cho lên cao để các cháu không thể với tới được”.

Cũng với ý nghĩa thay đổi hành vi để bảo vệ trẻ em, bà Nguyễn Thị Lạng ở huyện Phú Giáo, cho biết: “Nhà tôi ở trên đường lớn nên phải rào chắn cẩn thận. Con nít hiếu động lắm, chỉ cần sơ suất chút thì tai nạn có thể xảy ra. Người lớn mình phải kỹ lưỡng mọi thứ thì mới tạo môi trường sống an toàn cho trẻ”.

Các tiêu chí “Ngôi nhà an toàn” được áp dụng đối với ngôi nhà thường xuyên có sự sinh sống, hoạt động của trẻ em (nhà ở riêng lẻ, nhà chung cư, nhà ở của các cơ sở trợ giúp trẻ em, nhà ở các trung tâm bảo trợ xã hội có nuôi dưỡng trẻ em). “Ngôi nhà an toàn” là cơ sở để các cơ quan Nhà nước, tổ chức, cá nhân hướng dẫn, vận động cộng đồng xây dựng ngôi nhà an toàn và xác định các ngôi nhà đạt tiêu chuẩn nhằm bảo đảm môi trường an toàn cho trẻ em.

Bảo đảm các tiêu chí an toàn

“Ngôi nhà an toàn” cần bảo đảm các nhóm tiêu chí: An toàn xung quanh ngôi nhà, các phòng trong ngôi nhà, bảo đảm an toàn về điện, cầu thang, lan can, các đồ dùng gia đình và một số quy định khác. Trong các tiêu chí “Ngôi nhà an toàn”, có những tiêu chí bảo đảm an toàn cho trẻ dưới 6 tuổi rất cần thiết đối với các bậc phụ huynh.

Để bảo đảm an toàn, xung quanh nhà cần có cửa, cổng, hàng rào chắc chắn, độ cao phù hợp với lứa tuổi của trẻ em. Đường đi vào nhà và sân quanh nhà phải phù hợp, không trơn trượt. Nền nhà cao phải có bậc thềm cho trẻ lên, xuống phù hợp, xung quanh ao, hố chứa nước, hố vôi, cống thoát nước trong khu vực nhà ở phải có hàng rào chắc chắn bảo đảm an toàn cho trẻ em. Giếng nước, bể nước hoặc các đồ dùng chứa nước khác phải có nắp đậy an toàn, xung quanh ngôi nhà phải được phát quang, vật nuôi phải nhốt, giữ. Đồ dùng nguy hiểm, vật chứa chất độc hại phải để trong kho chứa đồ an toàn.

Cửa sổ các phòng trong ngôi nhà phải có chấn song, thanh dọc chắc chắn, bảo đảm khoảng cách để trẻ không chui qua được. Cửa sổ, cửa đi phải có móc áp sát vào tường, khi trẻ chạy nhảy không va quệt, vướng mắc. Cánh cửa phòng phải có dụng cụ chặn khe cửa, tránh bị kẹp tay khi đóng, mở cửa. Với công trình cao tầng hoặc nơi có mật độ người qua lại lớn cần sử dụng kính chịu lực hoặc kính hai lớp, không có khe hở, phòng trẻ thò tay qua. Nền phòng tắm sử dụng gạch chống trơn, chống trượt, không đọng nước. Khu vực nhà tắm, đặc biệt là nhà tắm có thiết kế bồn tắm nằm và khu vệ sinh luôn được đóng cửa an toàn sau khi sử dụng. Khu bếp phải riêng biệt, có cửa ngăn và có khóa để trẻ dưới 6 tuổi không tiếp xúc với bếp lửa, bình gas.

Các đồ dùng gia đình sắp xếp ngăn nắp, phích nước phải có hộp đựng hoặc dây đai, đèn, diêm và bật lửa để ở vị trí an toàn, ngoài tầm với của trẻ dưới 6 tuổi. Tủ treo đựng bát đĩa và đồ dùng chắc chắn. Các loại thuốc được để trong tủ đựng thuốc. Dao, kéo và các vật sắc nhọn để ngoài tầm với của trẻ. Ngoài ra, còn có quy định không cho trẻ nhỏ chơi các đồ chơi nhỏ, vật nhỏ dễ nuốt. Nếu gia đình có trẻ khuyết tật cần thiết kế đường đi nội bộ, nhà vệ sinh phù hợp bảo đảm an toàn.

Dây dẫn điện phải được đi ngầm trong tường hoặc có vỏ bọc chắc chắn. Công tắc điều khiển, cầu chì, ổ cắm được lắp đặt ngoài tầm với của trẻ dưới 6 tuổi và phải có hộp hay lưới bảo vệ, hoặc có nắp đậy an toàn. Gia đình phải sử dụng các loại đèn có phần vỏ ngoài bằng vật liệu cách điện tại các phòng, không đặt ổ cắm điện trong phòng vệ sinh, nhà tắm; nếu có phải đặt ở vị trí an toàn, ngoài tầm với của trẻ dưới 6 tuổi. Đối với công trình thiết kế cầu thang hở, độ hở giữa các bậc thang phải bảo đảm an toàn trẻ không chui lọt, các mặt bậc có gờ chống trượt.

HOÀNG LINH - VĂN QUYỀN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=569
Quay lên trên