Ý tưởng về một “bảo tàng” nghệ thuật gốm sứ tại không gian công cộng của Bình Dương đã và đang nhận được sự quan tâm của rất nhiều người dân, chuyên gia. Các ý kiến đều cho rằng việc tạo lập không gian nghệ thuật công cộng có khả năng kết nối và đánh thức tâm hồn của con người, là liều thuốc cân bằng lại cuộc sống tinh thần và tâm lý của con người trong cuộc sống tất bật ngày nay.
Việc tạo lập những không gian gốm sứ công cộng sẽ tạo điều kiện để người dân thụ hưởng tinh hoa gốm sứ Bình Dương. Trong ảnh: Họa sĩ Nguyễn Hoài Hương đang sáng tác gốm sứ nghệ thuật tại Hội trại sáng tác gốm sứ mỹ thuật Bình Dương năm 2022
Gắn với bản sắc
Gặp chúng tôi trong những ngày “ăn ngủ” tại trại sáng tác gốm sứ mỹ thuật năm 2022 tổ chức tại Bình Dương, họa sĩ Nguyễn Hoài Hương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh, cho biết ông có niềm đam mê bất tận với chất liệu gốm sứ. Thế nên, dù bận rộn đến mấy ông cũng dành thời gian để thỏa niềm đam mê này của mình. Và điều mà ông mong muốn là đưa gốm sứ mỹ thuật vào không gian trang trí nội thất sân vườn, một lĩnh vực thuộc chuyên môn của mình. Theo ông, với lợi thế sẵn có, Bình Dương cũng nên nghiên cứu tạo lập những không gian gốm sứ công cộng, tạo điều kiện để người dân thụ hưởng tinh hoa gốm sứ Bình Dương với lịch sử hàng trăm năm.
Họa sĩ Nguyễn Hoài Hương cho rằng với đặc trưng gốm sứ mỹ thuật của Bình Dương, nếu được đưa vào những công trình và không gian cảnh quan sẵn có như công viên, khu giải trí cộng đồng với các tiêu chí của nghệ thuật công cộng để đánh thức tiềm năng cũng như sự tự hào của cộng đồng cư dân là một hướng đi đúng đắn. “Tất cả sẽ tạo ra được một bản sắc riêng, đậm chất văn hóa, đem lại sự biến đổi và bừng tỉnh, đem lại một sức sống hoàn toàn mới cho gốm sứ mỹ thuật. Quả thật, nếu mang được những tác phẩm nghệ thuật mang đậm xu hướng nghệ thuật đến với không gian công cộng thì người được hưởng lợi trực tiếp chính là cộng đồng người dân, nhất là những bạn trẻ sẽ hiểu biết hơn về cội nguồn gốm sứ Bình Dương cũng như những nghệ thuật tạo hình trong gốm sứ”, họa sĩ Nguyễn Hoài Hương nói.
Còn với kiến trúc sư - Tiến sĩ Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch, Chủ tịch NgoViet Architects & Planners thì trong những yếu tố góp phần nâng cao tính cạnh tranh đô thị, yếu tố chất lượng sống của người dân đóng vai trò quyết định, quy hoạch và kiến trúc đóng vai trò bền vững. Hiện nay, việc quy hoạch một đô thị bền vững, độc đáo, có bản sắc phù hợp với đặc thù từng khu vực là xu hướng mà các quốc gia và địa phương đang hướng tới. Đối với Bình Dương, việc đề xuất các giải pháp quy hoạch, kiến trúc cho một số khu vực trọng điểm của tỉnh theo tiêu chí “bản sắc” sẽ đáp ứng yêu cầu quản lý, quy hoạch đô thị, quản lý kiến trúc các cấp, các ngành của tỉnh trong thời gian tới. Đồng thời, đây cũng là cơ sở quan trọng để Bình Dương phát triển những nguyên lý “kim chỉ nam” để các đơn vị tư vấn quy hoạch, thiết kế tham khảo để áp dụng trong quá trình thực thi trách nhiệm.
Kiến trúc sư “nhà nòi” này cũng đề xuất với tỉnh giải pháp bảo tồn phát huy giá trị văn hóa tại khu vực không gian truyền thống của tỉnh, các giải pháp khai thác lợi thế cảnh quan đặc thù của địa phương như gắn với các làng nghề truyền thống, sông, hồ, núi đồi, vườn cây ăn trái... Bởi, việc thực hiện một số khu vực điển hình này nhằm đem lại bản sắc riêng cho Bình Dương với Việt Nam và cả thế giới.
Khơi thông nguồn lực
Trong vài năm gần đây, các công trình đô thị công cộng tại Bình Dương xuất hiện ngày một nhiều hơn, làm thay đổi diện mạo của đô thị, tạo không gian sống xanh cho người dân. Mới đây, Công viên Thanh Lễ đã được giao về cho TP.Thủ Dầu Một quản lý sử dụng với tên gọi Công viên Thủ Dầu Một. Công viên rộng gần 9 ha này được người dân ủng hộ và kỳ vọng thời gian tới sẽ được hưởng nhiều tiện ích về vui chơi, giải trí. Thêm vào đó, Công viên thành phố mới Bình Dương cũng đã và đang là điểm nhấn rất quan trọng trong việc tạo lập không gian văn hóa cộng đồng cho thành phố mới Bình Dương.
Trao đổi với chúng tôi, ông Vương Siêu Tín, Tổng Giám đốc Công ty Gốm sứ Phước Dũ Long, cho biết không phải ngẫu nhiên mà các nước ở châu Mỹ, châu Âu hay Nhật Bản… lại rất yêu thích trang trí gốm sứ sân vườn. Gốm sứ được chọn bởi sự gần gũi thiên nhiên, tạo sự mát mẻ, đường nét họa tiết độc đáo và giá cả cạnh tranh. “Nếu được chọn trưng bày ở những nơi công cộng như những công viên lớn, gốm sứ nghệ thuật Bình Dương sẽ tạo nên một giá trị văn hóa gắn với lịch sử truyền thống của Bình Dương. Yếu tố bất tiện là dễ vỡ thì chúng ta có trong tay các nhà máy, các cơ sở sản xuất gốm sứ lớn ngay tại địa phương sẽ thay thế nhanh, với giá thành rẻ”, ông Vương Siêu Tín cho hay.
Theo họa sĩ Vũ Trung Tần, hội viên Hội Mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh, việc đưa vào trưng bày gốm sứ nghệ thuật gắn với lịch sử của nền công nghiệp văn hóa không chỉ góp phần giữ nghề, làm giàu từ nghề mà còn thúc đẩy phát triển văn hóa, góp phần tạo nên bản sắc, thương hiệu địa phương. Nó là sản phẩm đặc trưng của Bình Dương, khơi gợi nên những cảm thức tự hào về nơi chốn cho cộng đồng trong một địa phương.
Tuy nhiên, chính vì bao phủ một phạm vi không gian rộng lớn cả về ý nghĩa không gian vật chất hữu hình cũng như không gian văn hóa thụ hưởng nên dự án cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, trong đó giới chuyên môn, chính quyền địa phương cần có sự đánh giá, khảo sát, lựa chọn kỹ càng. Sẽ chỉ tiến hành thi công và làm tác phẩm khi có được sự chia sẻ và cảm nhận đầy đủ từ phía người dân và chính quyền địa phương. Một dự án nghệ thuật công cộng giờ đã được mở rộng thêm ý nghĩa của một dự án cộng đồng, khi người dân được cảm thấy sự đóng góp và cảm nhận được lợi ích từ nó. Người dân đã dần quen với sự xuất hiện của các tác phẩm như một phần cuộc sống của họ, mang lại lợi ích về môi trường cảnh quan cũng như tiềm năng sinh kế khi khu vực này dần thu hút thêm khách tham quan.
TIỂU MY