(BDO) Ngày 28-1-2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 16/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ngành xây dựng (gọi tắt là Nghị định 16). Với việc tăng thẩm quyền xử phạt cùng với phạm vi điều chỉnh đối tượng, hành vi vi phạm hành chính về xây dựng, Nghị định 16 đã tạo thêm hành lang pháp lý vững chắc, giúp lực lượng chức năng, đặc biệt là lực lượng công chức, thanh tra có thêm công cụ để thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng, góp phần tạo môi trường minh bạch, kịp thời chấn chỉnh những vi phạm liên quan.
Nhiều điểm mới
Nghị định 16 thay thế Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27-11-2017 và Nghị định số 21/2020/NĐ-CP ngày 17-2-2020 của Chính phủ. Trong đó, đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới quan trọng về chế tài xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự xây dựng.
Nghị định 16/2022/NĐ-CP đã tạo thêm hành lang pháp lý vững chắc, góp phần tạo môi trường minh bạch, kịp thời chấn chỉnh những vi phạm liên quan lĩnh vực xây dựng. Trong ảnh: lực lượng chức năng kiểm tra các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh.
Vi phạm hành chính về xây dựng quy định xử phạt tại Nghị định 16 bao gồm: hoạt động xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật, kinh doanh bất động sản, quản lý, phát triển nhà. Nghị định 16 gồm 8 chương, 86 điều; có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. |
Cụ thể, đối với hành vi thi công công trình không có giấy phép xây dựng: Theo quy định tại khoản 7 Điều 16 Nghị định 16 quy định mức phạt với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng như sau:
- Phạt tiền từ 60 đến 80 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ;
- Phạt tiền từ 80 đến 100 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa hoặc công trình xây dựng khác;
- Phạt tiền từ 120 đến 140 triệu đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc công trình phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng.
Nghị định 16 đã tăng mức phạt đối với hành vi sai giấy phép xây dựng. Cụ thể, tại Khoản 4 Điều 16 quy định xử phạt đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp đối với trường hợp cấp phép sửa chữa, cải tạo, di dời công trình và giấy phép xây dựng có thời hạn như sau:
a) Phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ;
b) Phạt tiền từ 25 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa hoặc công trình xây dựng khác;
c) Phạt tiền từ 70 triệu đồng đến 90 triệu đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc công trình phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng.
Khoản 6, Điều 16 quy định xử phạt đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp đối với trường hợp cấp giấy phép xây dựng mới như sau:
a) Phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ;
b) Phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa hoặc công trình xây dựng khác;
c) Phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 120 triệu đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc công trình phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng.
Theo Nghị định 16, khi cá nhân, tổ chức xây dựng công trình trên đất không đúng mục đích sử dụng đất, ví dụ xây dựng nhà ở riêng lẻ trên đất nông nghiệp chỉ bị xử phạt 1 hành vi chuyển mục đích sử dụng đất theo Nghị định 91/2019/NĐ-CP, không xử phạt trên lĩnh vực xây dựng. Quy định này phù hợp với thực tiễn, bởi vì thực chất người vi phạm chỉ có 1 hành vi vi phạm.
Ngoài ra, Nghị định 16 đã sửa đổi biện pháp “buộc tháo dỡ” thành “buộc phá dỡ” công trình, phần công trình xây dựng vi phạm. Quy định này phù hợp với Điều 118 Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020 và phù hợp với thực tế cưỡng chế công trình xây dựng, không thể tháo dỡ mà phải phá dỡ công trình vi phạm.
Để thống nhất hướng dẫn quy trình cưỡng chế, Sở Xây dựng ban hành Quyết định số 216/QĐ-SXD ngày 19-9-2024 về việc ban hành Quy chế quy định trách nhiệm và trình tự về thực hiện cưỡng chế thi hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng, do Sở Xây dựng tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành hoặc Chánh Thanh tra Sở Xây dựng ban hành. |
Tạo chuyển biến tích cực
Theo đánh giá của Sở Xây dựng, thời gian qua công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính đối với vi phạm trong hoạt động xây dựng đã góp phần tạo những chuyển biến tích cực trong công tác quản lý nhà nước lĩnh vực xây dựng. Qua đó, giúp nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành các quy định lĩnh vực xây dựng, tuân thủ các trình tự thủ tục liên quan của các tổ chức, cá nhân khi tham gia hoạt động xây dựng, góp phần phát triển đô thị theo đúng quy hoạch.
Trong năm 2024, Thanh tra Sở Xây dựng đã tổ chức kiểm tra theo thẩm quyền 76 trường hợp, theo đó 9 trường hợp do Thanh tra Sở kiểm tra phát hiện; 54 trường hợp do Ban quản lý các khu công nghiệp chuyển (trong đó, 13 trường hợp đúng phép; 36 trường hợp không phép; 2 trường hợp sai phép; 20 trường hợp vi phạm khác; 3 trường hợp có 2 hành vi vi phạm không phép và vi phạm khác; 1 trường hợp có 2 hành vi vi phạm không phép và sai phép; 1 trường hợp có 3 hành vi vi phạm không phép, sai phép và vi phạm khác).
Bên cạnh đó, Sở Xây dựng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành 63 quyết định xử phạt vi phạm hành chính (UBND tỉnh đã ban hành 60 quyết định với tổng số tiền phạt là 8 tỷ 650 triệu đồng; 59 trường hợp tổ chức vi phạm đã nộp 8 tỷ 150 triệu đồng).
Trong năm, các Đội Thanh tra xây dựng địa bàn phối hợp với UBND huyện, thành phố kiểm tra 1.411 công trình (trong đó, đúng phép 1.136 trường hợp, miễn phép 91 trường hợp, không phép 94 trường hợp, sai phép 61 trường hợp, vi phạm khác 29 trường hợp). Đối với các trường hợp vi phạm do UBND huyện, thành phố ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền.
Năm 2025, trong công tác thanh tra, Sở Xây dựng tiếp tục thực hiện tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh Quyết định 3324/QĐ-UBND ngày 18-5-2015 của UBND tỉnh về ban hành quy chế mẫu tổ chức và hoạt động của Đội Quản lý trật tự đô thị cấp huyện trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Song song đó, Sở đôn đốc, tổng hợp, báo cáo kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ theo Quyết định số 79/QĐ-UBND ngày 15-1-2024 và Quyết định số 291/QĐ-UBND ngày 2-2-2024 của UBND tỉnh, tham mưu UBND tỉnh, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh báo cáo Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kiểm tra, đôn đốc tình hình giải quyết các dự án bất động sản trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, Sở Xây dựng phối hợp với các sở, ngành và đơn vị có liên quan theo dõi, nắm bắt tình hình đối với dự án có khiếu nại đông người để kịp thời tham mưu xử lý theo quy định; giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo đúng quy định của pháp luật.
Ông Đoàn Hồng Tươi, Chủ tịch UBND TP.Tân Uyên: Trong thời gian tới, thành phố phối hợp xử lý và có văn bản đối với các công trình xây dựng không có giấy phép xây dựng, sử dụng không đúng mục đích sử dụng đất phát sinh từ ngày 28-1-2022, khi Nghị định số 16/NĐ-CP ngày 28-1-2022 của Chính phủ có hiệu lực thi hành: đề nghị UBND các xã, phường theo dõi và thực hiện xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai theo quy định tại Khoản 11, Điều 16 Nghị định số 16 của Chính phủ. |
Phương Lê-Hoàng Phong