Họ là những phụ nữ tảo tần sớm hôm cho cuộc mưu sinh. Với họ, lo cho chồng con là niềm hạnh phúc vô bờ. Nhưng với bản thân mình thì họ quên đi mà không hề chú ý đến, kể cả ốm đau bệnh tật với họ cũng... quên đi! Họ bảo: “Còn sống còn làm việc! Con cái ngoan đó là niềm hạnh phúc không gì bằng. Hạnh phúc của gia đình được xây dựng từ những đồng tiền lẻ này nhưng chúng tôi không nề hà gì cả...”.
Chị Nguyễn Thị Gái mưu sinh bằng “nghề” bán đồ chơi
“Cô cứ chụp hình đi, nghề của tôi lương thiện mà!...”Tôi... rình rình chụp ảnh khi bà đang cân mớ cá bán cho khách hàng ngay tại hiên nhà của khách. Bỗng dưng bà giở nón cười tươi đưa cả... hàm răng sún: “Cô cứ chụp hình thoải mái đi. Tôi có ngại gì đâu. Nghề của tôi lương thiện mà. Cô có đăng báo thì cho tôi một tờ đọc chơi nhé!”.
Bà tên Nguyễn Thị E., sống tại khu phố 2, phường Phú Thọ, TX.TDM. Bà đang bày thực phẩm từ cái chợ di động do mình tự nghĩ ra, tự đi mua hàng bán để có tiền sinh hoạt cho cả nhà. Quanh bà là 3 - 4 phụ nữ đang lựa chọn để mua từng con cá, miếng thịt, bó rau. Một người nói vui: “Lựa cho có vậy thôi chứ... chợ của bà E. khỏi lựa, khỏi trả giá, khỏe! Vì bà ấy đã lựa qua một lần tại chợ rồi. Lại khỏi mất công đi chợ. Tôi mua quen rồi nên sáng nào cũng chờ bà E. đến bán”.
Để có cái chợ di động với đủ thứ thực phẩm bỏ gọn gàng trong cái giỏ cần xé cột sau yên xe đạp, bà E. thức dậy từ 3 giờ sáng. Việc đầu tiên là bà nhớ lại... thực đơn hôm qua để cho khỏi trùng món! Bởi khách hàng của bà là mấy xóm gia đình lao động nghèo hoặc gia đình công chức nơi khu phố bà ở. Vừa... lẩm nhẩm thực đơn, bà vừa đạp xe đi chợ Thủ. Vài cân thịt, cá, vài loại rau dưa và thức ăn... tráng miệng là trái cây, rau câu hoặc chè bịch. Mua xong cũng tờ mờ sáng. Bà đạp ngược trở lại đi bán dạo. Bán hết hàng hơn 11 giờ trưa bà về nhà lo cơm nước cho chồng con. Mỗi ngày, tiền lãi từ cái chợ di động này của bà khoảng vài chục ngàn đồng.
Bà Nguyễn Thị E. bên cái chợ di động của mình
Hành trình của bà E. bất di bất dịch cho từng ngày. Mưa bà cũng đi vì “mưa thì người ta càng... làm biếng đi chợ”. Xe hàng hôm trời mưa như nặng hơn, nhàu nhĩ hơn. Nhưng mệt bà không lo mà lo bệnh. Bà nói: “Tôi bị bệnh tiểu đường. Có hôm đang bán mệt quá ngồi thở dốc. Có hôm đói bụng, bị... tuột đường ăn vội cái kẹo, uống ngụm nước rồi bán tiếp. Nhưng không lo, tôi có bảo hiểm y tế cho người nghèo. Hàng tháng tôi đến phòng khám thị xã khám và xin thuốc về uống”. Bà Ba, một khách hàng đang mua nói: “Chúng tôi mua thức ăn của bà E. đã trở thành mối quen. Nhưng có khi bà làm cho chúng tôi sợ quá. Đang bán bỗng dưng mặt mày bà tái xanh tái xám. Mọi người phải đưa bà vô nhà giật gió, xoa dầu, cho bà ăn uống chút gì đó để bà tỉnh táo lại. Thế nhưng, khi nói bà đau ốm vậy nghỉ đi, đừng đi làm nữa là bà không chịu. Bà nói tôi còn làm được ngày nào hay ngày nấy. Không giúp được chồng con thì cũng không làm gánh nặng cho chồng con”.Bà E. cho biết chồng bà cũng làm công nhân. Và điều bà khoe, tự hào là: “Thằng con tôi ngoan lắm nhé. Nó mới hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Cũng đang đi xin việc làm phụ ba mẹ. Nhưng tôi còn sức là còn làm, để cưới vợ cho con nữa chứ...”. Đúng là tấm lòng người mẹ, chỉ biết nghĩ cho con!
“Bán đồ chơi cho con người ta, nhớ con mình quay quắt!”
Một ngày làm việc của chị Nguyễn Thị Gái, quê Thái Bình bắt đầu từ 16 đến 21 giờ mỗi ngày. Đó là giờ theo chị là “người ta chở con đi chơi”. Góc kiếm sống của chị ở Công viên Phú Cường. Khi người ta chở con đi dạo mát thì chị chở bong bóng, đồ chơi đi bán. Sau 21 giờ, ai nấy chở con về nhà chị cũng lặng lẽ ra về nhưng có hôm bán chẳng được đồng nào. Có khi lại thấy người ta mua đồ chơi cho con mà thương con mình ở nhà đứt ruột! Nhớ con quay quắt, nước mắt chị chảy ngon lành. Những lúc như thế chị... giả bộ buộc lại mấy cọng dây cho chùm bong bóng, cho những con diều để lén lau nước mắt!
Hôm tôi đến hỏi thăm chị là một ngày đầy gió. Chiếc xe đạp chở bong bóng cứ chao đi. Chùm bong bóng như muốn bung lên trời. Chị Gái chới với giữ lấy bong bóng mà quên giữ cái vạt áo cũng vừa... bung lên! Xong, chị nhìn tôi cười bẻn lẻn: “Nghề này sợ những hôm mưa gió lắm. Xe bị gió giật nặng hơn ngày thường. Tôi không đi được xe máy nên thuê nhà gần đây để chiều chiều đạp xe đến bán”.
Chị kể, chồng chị là anh Tửu, cũng quê Thái Bình vào Bình Dương kiếm sống trước chị mấy năm. Hồi trước chồng chị theo nghề thợ mộc. Nhưng nay mắt yếu, nhìn không rõ để chạm trổ nên cũng đi bán đồ chơi trẻ em dạo nhưng là đi xe máy để bán được nhiều hàng hơn. Lưng vốn của chị trên dưới một triệu đồng. Lưng vốn của chồng nhiều hơn, khoảng vài triệu đồng.
Ba đứa con của chị đều là con trai nhưng chúng ngoan và biết thương ba mẹ lắm. Đứa đầu 18 tuổi, đứa giữa 15 tuổi và đứa út 12 tuổi. Mấy anh em vẫn ở nhà ngoài quê, tự trông nom nhau, tự nấu ăn, đi học. Bà con nội ngoại chỉ thỉnh thoảng ghé ngang nhà nhắc chừng. Tiền sinh hoạt hàng tháng ba mẹ ở Bình Dương gửi về lo toan từ học phí đến cơm nước hàng ngày. Hơn một triệu đồng là số tiền vợ chồng chị Gái gửi về quê cho con tằn tiện sinh sống. Ở Bình Dương, hai vợ chồng thuê phòng trọ rồi tiền điện, nước gần 500.000 đồng và cũng “sống tằn tiện hơn con” mới đủ đắp đổi qua ngày. Khó khăn mấy chị cũng chịu được hết bởi thành quả học tập tốt của con là động lực của chị trong cuộc sống.
Bán đồ chơi trẻ em nên những ngày tết nhất, nghỉ lễ là những ngày chị làm việc vất vả hơn. Kể từ ngày vào Bình Dương, đã ba cái tết chị không biết thế nào là tết nhất, nghỉ ngơi. Chị mong kiếm được nhiều tiền gửi về quê cho con sắm quần áo mới, mua bánh kẹo. Tết, chị đi làm và lại ngậm ngùi khóc khi thấy người ta chở con đi chơi. Thế là tết năm nay, chị nghĩ ra cách cho các con cùng vào Nam ăn tết với mình cho nguôi nỗi nhớ. Chị Gái tươi cười khoe “sáng kiến” của mình: “Hay lắm em ạ. Té ra đi ăn tết... ngược như thế mà lại vui đáo để nhé! Ba thằng con chị đón xe từ ngoài Bắc vô. Chị đến bến xe Bình Dương đón con mà tim chị cứ đập rộn cả lên. Ai ai cũng về quê nên con chị nói đi vào chuyện tàu xe dễ dàng, rộng rãi lắm. Nhà trọ có mấy mét vuông mà năm người nhà chị vẫn thấy quá đầm ấm. Qua tết, mấy đứa lại về quê đi học. Đó là cái tết tuyệt vời nhất của chị...”. Chị Gái còn cho biết: “Từ nay, năm nào không về quê được, chị lại... gọi con vào Nam ăn tết!”.
Khi đã thân quen, họ tâm tình cởi mở hơn. Bà E. nói: “Tôi sợ nhất những khi đang đi bán hàng mà đổ bệnh. Sợ không gặp được người tốt giúp mình giật gió, cho ly nước mà phải ngồi tựa ở đâu đó trên vỉa hè đợi đến cơn đau qua rồi mới đi tiếp. Những khi đó tủi thân lắm, thấy mình sao bơ vơ quá! Tôi cũng sợ những hôm bán hàng không hết nữa. Bởi những lúc đó, cá ươn, thịt hôi thiu gì thì vợ chồng, con cái cũng lo mà ăn!”. Chị Gái thì: “Có những đôi vợ chồng chở con đi chơi ghé vào chỗ tôi đứng hỏi mua đồ chơi cho con. Nhưng họ lựa mãi không được món hàng nào. Người vợ có vẻ kỹ tính chê, nói: “Sao toàn đồ chơi Trung Quốc thế này, độc hại, không mua!”. Chị ấy còn nói đồ chơi toàn “Made in China” gì gì đó rồi bỏ đi làm tôi một phen mừng hụt! Tôi có biết mô tê gì đâu. Người ta bỏ hàng sao tôi lấy bán vậy. Có ai biết đồ chơi Việt Nam bán ở đâu chỉ giúp tôi cũng mua để may ra bán hàng được nhiều hơn...”.Tôi hỏi chị sao không ở quê làm ruộng để được gần con mà phải vào đây bươn chải, chị Gái nói: “Làm ruộng không đủ ăn lấy gì cho con đi học? Nhà có mấy sào ruộng cũng chỉ làm cầm chừng. Bởi, xung quanh người ta bỏ ruộng hoang hết trơn, cỏ mọc đầy lấn sang cả ruộng nhà mình nên có khi cỏ nhiều hơn lúa! Vào đây cuộc sống còn chật vật nhưng dù sao cũng kiếm tiền cho con ăn học... Chỉ mong sao đừng bệnh đau gì nhiều, chỉ đau... sơ sơ rồi khỏi để còn lo cho mấy cha con” ...
Tôi thầm cảm phục họ. Cuộc sống có những vất vả khó khăn và họ không từ nan. Mong muốn duy nhất là kiếm cơm áo cho người thân và với họ hình như không còn chuyện sướng khổ gì cả. Họ sống nhẹ nhàng bởi họ biết hy sinh cho những người mà họ hết lòng yêu thương...
QUỲNH NHƯ