Một góc xóm bắp luộc Phước Hòa
Vòng quay mưu sinh
Trong ánh nắng buổi chiều dần buông, khi một hành khách đường xa vừa dừng chiếc xe hơi sát quán chị Nguyễn Doanh Doanh ngay bên đầu cầu, rất nhanh chị Doanh đã bước lại chào mời: “Bắp ở đây vừa mềm, non, ngọt đang bắc trên bếp nóng hổi, anh mua bao nhiêu em lấy”. Ngay trong tích tắc hành khách ngồi trên xe đã có ngay một bịch bắp to tướng cỡ mười mấy trái. Khi chiếc xe vừa đi chị lại lúi húi lấy củi cho vào bếp. Bên nồi bắp bốc hơi ngùn ngụt, chị Doanh đãi chúng tôi món bắp luộc dân dã và bắt đầu câu chuyện về nghề bán bắp mưu sinh.
Chị bảo, bây giờ ở đây nhiều người bán lắm nên lời cũng chẳng được bao nhiêu, ngày bán “hên” thì được hơn trăm trái, còn khi ế ẩm thì hai vợ chồng cố gắng ăn bắp thay cơm vậy. “Trước, chỗ này là mẹ em bán, còn em đi trút mủ cao su thuê nhưng công việc ngày có ngày không nên ra đây bán bắp luôn”, chị tâm sự. Rồi chị chỉ tay về phía bên kia cầu mới nói mẹ chị giờ bán bên đó, chị gái thì bán bên lề đường phía đầu cầu xã Phước Hòa. Mẹ chị bán bắp ở đây đã 6 năm rồi, còn chị và chị gái mới bán 3 năm lại đây thôi. “Nhà không có đất nông nghiệp, lúc trước cả 3 mẹ con đều đi trút mủ thuê nhưng thu nhập bấp bênh nên 3 mẹ con nghỉ ra đây bán bắp”, chị cho biết thêm.
Khuôn mặt đẫm mồ hôi vì hơi nóng từ bếp lửa tỏa ra, chị nghẹn ngào: “Cái nghề bán bắp này cực lắm, người nào khá hơn họ thuê đất làm cái quán tạm che chắn đỡ gió bụi, nắng mưa, chứ mình thì chỉ có tấm dù che tạm. Hai vợ chồng em cũng mới lấy nhau, sắp tới sinh em bé rồi, cố gắng bán ít tháng nữa có tiền sinh nở”.
Bấp bênh nghề bán bắp
Chỉ trên một đoạn đường vài cây số, nhẩm tính cũng gần hai chục gia đình làm nghề bán bắp luộc. Vì mưu sinh nhiều người dân đã phải bám trụ với nghề này hơn chục năm. Cũng một thời nghề bán bắp luộc ở đây mang lại cho nhiều người nguồn thu nhập kha khá. Khi hỏi về xóm bắp luộc khai sinh từ khi nào thì nhiều người chỉ nói lâu lắm rồi, không nhớ nữa. Khách hàng chỉ ngồi trên xe là được phục vụ tận nơi
Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hòa Phan Minh Quang cho biết: “Trước, cũng có nhiều gia đình bán bắp luộc nhưng họ chỉ luộc ở nhà rồi đi bán ở các chợ, trường học. Một thời gian khi xã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đường sá được mở rộng, xây thêm cầu mới thì một số người đã ra lề đường đứng bán, dần dần nhiều người thấy họ bán được cũng học theo mang củi, nồi, bắp ra nấu, bán tại chỗ luôn”.
Quan sát những quán bán bắp chúng tôi thấy, tuy họ bán bên lề đường nhưng đây là đoạn đường xe cộ qua lại nhiều, người bán chủ yếu phục vụ khách đường xa, khi khách dừng xe mua cũng gây cản trở giao thông, nhiều người ở đây cho biết đoạn đường này cũng hay xảy ra tai nạn, công an xã cũng đã đi tuần tra, khuyên người dân nhưng đâu lại vào đó bởi họ nặng gánh mưu sinh. Nhiều người có chút điều kiện thì thuê đất rồi dựng tạm căn nhà vừa ở vừa kinh doanh, còn nhiều người vẫn đứng bán hai bên lề đường.
Tuy bây giờ số người bán bắp luộc đã đông hơn, song nhiều người ở đây cho biết đứng bán từ sáng tới tối cũng có đồng ra đồng vào. Thế nhưng gần đây có một số thông tin bắp luộc bằng pin, muối diêm, bột nhử… gây hại cho sức khỏe nên khách đi đường ghé mua ngày càng ít dần. Chị Nguyễn Doanh Doanh cho biết, năm ngoái chị bán được khoảng 200 - 300 trái bắp một ngày nhưng giờ bán nhiều lắm cũng có 100 trái mà thôi.
Khi chúng tôi hỏi chị biết thông tin về bắp luộc có hóa chất không, chị nói: “Ở đâu bỏ hóa chất thì tôi không biết nhưng xóm bắp này chúng tôi làm ăn chân thật, ở đây lại có sẵn củi, luộc bao nhiêu chẳng được cớ gì phải bỏ hóa chất, với lại khi ế chính chúng tôi cũng ăn bắp thay cơm thì bỏ hóa chất làm gì cho hại mình”.
Rời xóm bắp khi trời đã nhá nhem tối, những câu chuyện về cuộc mưu sinh của những người ở đây tuy còn nhiều khó khăn nhưng luôn rộn rã tiếng nói cười, làm ấm lòng những hành khách đường xa bằng những trái bắp nóng hổi, thơm ngọt…
TÂM BÌNH