Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình tham quan cuộc triển lãm ảnh cùng nhiều tài liệu, hiện vật tái hiện sinh động quá trình đàm phán và ký kết Hiệp định Paris khai mạc ngày 23-1 tại Hà Nội Ảnh: TTXVN
Luồng sinh khí mới tác động vào chiến trường
Từng là người lính trên mặt trận văn hóa tư tưởng ở Ban Tuyên huấn tỉnh Thủ Dầu Một, phóng viên chiến trường Việt Nam Thông tấn xã lúc bấy giờ (nay là TTXVN), ông Nguyễn Xuân Quang nhớ lại, 40 năm trước, khi Hiệp định Paris được ký kết đã tạo luồng sinh khí mới tác động mạnh vào chiến trường miền Nam, cục diện hoàn toàn có lợi cho quân ta. Ông so sánh: “Nếu như trước khi hiệp định chưa được ký, cục diện chiến trường ở miền Đông, quân địch mạnh hơn quân ta, tuy nhiên sau khi hiệp định ký kết, quân Mỹ rút về nước, cục diện chiến trường hoàn toàn có lợi cho quân ta, tương quan lực lượng giữa ta và địch đã có sự thay đổi căn bản theo hướng có lợi cho quân ta. Đây là cơ hội vàng để quân ta mở rộng vùng giải phóng, tiến tới giải phóng từng phần và giải phóng hoàn toàn miền Nam. Tôi cho rằng, dự đoán của Bác Hồ thật diệu kỳ ở tầm chiến lược, chiến thuật. Hiệp định ký kết đã làm cho ý chí xâm lược của Mỹ và chính quyền Sài Gòn bị đẩy lùi từng bước”.
Trong năm 1973, các lực lượng của tỉnh Thủ Dầu Một đã phát động được 112.380 lượt quần chúng thực hiện 96.275 cuộc đấu tranh với nhiều hình thức phong phú; giáo dục được 8.305 gia đình binh sĩ chính quyền Sài Gòn, làm rã ngũ 3.667 binh sĩ, trong đó có nhiều binh sĩ đã trở về phục vụ cách mạng để lập công chuộc tội.
Ông Quang kể tiếp, những ngày sau khi hiệp định được ký kết, tinh thần của những người lính vùng giải phóng ở khu vực miền Đông cũng như toàn chiến trường miền Nam như thêm sức mạnh diệu kỳ. Kể từ đây, những người lính cách mạng hiểu rằng, trước sau gì chúng ta cũng giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước nên khí thế chiến đấu của quân ta luôn oai hùng. Đối với người dân họ mừng rỡ lắm, vì đã thoát khỏi vòng vây ấp chiến lược, trở về vùng tạm chiếm làm ăn, sinh sống. Trong khi đó, tinh thần của binh sĩ chính quyền Sài Gòn suy sụp, lung lay, mất khả năng chiến đấu. Cũng vào thời điểm này, Đảng bộ tỉnh Thủ Dầu Một ra sức kêu gọi binh sĩ chính quyền Sài Gòn về với cách mạng, tăng cường công tác “binh địch vận” (dùng những người rã ngũ tuyên truyền, vận động trong lòng địch). Rất nhiều binh sĩ chính quyền Sài Gòn đã đầu hàng và về với cách mạng. Trong đó, nhiều người lập công chuộc tội, giúp sức cùng với quân giải phóng đập tan chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của địch.
Tạo thế và lực giành lấy chính quyền
Ông Nguyễn Văn Hữu, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Tỉnh đội trưởng, Chỉ huy trưởng tỉnh Thủ Dầu Một lúc bấy giờ khẳng định: “Hiệp định Paris được ký kết đã tạo bước ngoặt quyết định cho chiến trường. Tôi cho rằng, hiệp định được ký kết đã hội đủ các điều kiện về chiến lược, quân sự, chính trị lẫn ngoại giao để cho quân ta nổi dậy mở rộng vùng giải phóng, giành chính quyền từng phần tiến tới cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975”. Qua lời kể của ông Hữu, sau khi hiệp định có hiệu lực, lực lượng vũ trang của ta ngày càng mạnh lên, vùng giải phóng mở rộng liên hoàn nối liền với hậu phương miền Bắc. Ở các vùng tranh chấp, vùng ven, hình thành thế “da beo”, áp sát căn cứ địch để mở rộng vùng giải phóng.
Trao đổi với nhiều tướng lĩnh tại Hà Nội từng là nhân chứng sống trong những ngày tháng hào hùng của dân tộc đều khẳng định: Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, ta đã chiến thắng trên tất cả các mặt về chính trị, quân sự, ngoại giao. Việc Hiệp định Paris được ký kết đã thể hiện rõ vai trò chủ động của Việt Nam, những đòi hỏi cơ bản của người dân Việt Nam, góp phần quan trọng tiến tới kết thúc cuộc chiến tranh một cách thuận lợi nhất ở Việt Nam. Tuy nhiên, ý nghĩa, bài học lớn nhất mà Việt Nam thành công khi đấu tranh để ký kết hiệp định là đã vận động được cả thế giới ủng hộ chống lại cuộc chiến tranh phi nghĩa của Mỹ gây ra cho Việt Nam, tạo vị thế mới cho dân tộc Việt Nam trên trường quốc tế. Nói như ông Nguyễn Khắc Huỳnh, nguyên Đại sứ, thành viên đoàn đàm phán CP VNDCCH: “Từ xa xưa đến nay, chưa bao giờ việc ký kết một văn kiện về quyền dân tộc cơ bản của một dân tộc lại được các dân tộc và nhân dân thế giới chăm chú theo dõi như Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Đây là minh chứng khẳng định vị thế, uy tín và sức mạnh tổng hợp của dân tộc Việt Nam, tạo mọi tiền đề cho Việt Nam thống nhất hoàn toàn đất nước”.
Ông Nguyễn Xuân Quang, nguyên Tổng Biên tập báo Sông Bé: Công tác “binh địch vận” góp phần giảm bớt tiếng súng
Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, nhất là sau khi Hiệp định Paris được ký kết, Ban tuyên huấn của ta tập trung mạnh vào công tác “binh địch vận”. Tức là dùng những người rã ngũ, những gia đình binh sĩ chính quyền Sài Gòn tuyên truyền, vận động trong lòng địch, kêu gọi binh sĩ Sài Gòn trở về với cách mạng. Tôi cho rằng, trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước thành công, ngoài những trận chiến vang dội trên chiến trường tỉnh Thủ Dầu Một lúc bấy giờ thì công tác “binh địch vận” đã góp phần quan trọng làm nên chiến thắng của quân ta, giảm bớt tiếng súng, giảm bớt sự đau thương, mất mát nhưng ta vẫn giành chiến thắng, vẫn giành được chính quyền.
Trung tướng, Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Phiệt, nguyên Chính ủy Bộ Tư lệnh PK-QK: Chúng ta đã thực hiện tốt lời dạy của Bác
Từ chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đến chiến thắng trên bàn đàm phán Hội nghị Paris thì quân và dân ta đã thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “đánh cho Mỹ cút”. Tại sân bay Gia Lâm và Tân Sơn Nhất, những tên lính Mỹ cuối cùng phải cút khỏi Việt Nam vào ngày 29- 3-1973. Kể từ đây, đất nước ta đã sạch bóng quân xâm lược Mỹ. Để rồi 2 năm sau đó ta “đánh cho ngụy nhào”, với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam ngày 30- 4-1975. Kể từ đây, đất nước thu về một mối, non sông đất nước Việt Nam bước sang trang sử mới. Các bạn trẻ hôm nay cần phải biết nhìn về lịch sử để rút ra những bài học quý giá, hướng đến tương lai.
Bài cuối: Những bài học còn mang tính thời sự
HỒ VĂN