Tạo thế và lực mới cho thương mại - dịch vụ

Cập nhật: 13-02-2023 | 09:01:00

Với những giải pháp đồng bộ, khai thác hiệu quả các lợi thế và nguồn lực, hoạt động thương mại - dịch vụ trên địa bàn đang có sự phát triển mạnh mẽ. Sản phẩm hàng hóa và các loại hình dịch vụ phát triển đa dạng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Qua đó, góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế theo kế hoạch năm 2023.

Tăng trưởng bền vững

Tháng 1-2023, ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của tỉnh đạt 24.964 tỷ đồng, tăng 5,4% so với tháng trước và tăng 14,1% so với cùng kỳ. Có được kết quả trên, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương bám sát nội dung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình, kế hoạch của UBND tỉnh cũng như chức năng, nhiệm vụ được giao để duy trì và thúc đẩy sản xuất công nghiệp, phát triển thương mại, ổn định thị trường ngay từ những ngày đầu năm.

Theo bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công thương, trong dịp Tết Nguyên đán các doanh nghiệp (DN), địa phương đã chủ động chuẩn bị hàng hóa phục vụ đa dạng, phong phú, giá cả ổn định, không có hiện tượng khan hiếm hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn tỉnh. Tỉnh đã xây dựng và thực hiện kế hoạch dự trữ hàng hóa phục vụ tết với 2.100 tỷ đồng, với các nhóm mặt hàng: Lương thực, thực phẩm chế biến, thực phẩm tươi sống, xăng dầu, thuốc trị bệnh. Các DN cũng đã tăng cường nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn với giá cả hợp lý, nhằm kích cầu tiêu dùng, tăng doanh thu.

Ngành công thương sẽ hỗ trợ các DN tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài nước. Trong ảnh: Gốm sứ Minh Long I trưng bày sản phẩm tại một triển lãm do ngành công thương tỉnh tổ chức

Tính đến thời điểm hiện tại, nguồn cung hàng hóa tiếp tục đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, giá hàng hóa không có biến động lớn, thị trường tương đối ổn định. Ngành công thương tiếp tục tích cực hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh thông qua việc tiếp cận, tiêu thụ qua các kênh bán lẻ, như: Siêu thị, cửa hàng tiện ích, thương mại điện tử... Đồng thời, phối hợp các đơn vị liên quan, đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với các sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng, giá cả hợp lý, giúp các DN giới thiệu, quảng bá các sản phẩm chất lượng đến người tiêu dùng.

Bà Phan Thị Khánh Duyên khẳng định hiện nay, xu hướng người tiêu dùng rất ưa chuộng hàng Việt. Về mặt chất lượng, mẫu mã, hàng Việt ngày càng được nâng cao, người tiêu dùng đánh giá cao. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập như hiện nay, để nâng cao sức cạnh tranh với các sản phẩm ngoại nhập, các DN trong nước cần chú trọng nâng chất nội lực, có kế hoạch phát triển các kênh phân phối, tiêu thụ hàng hóa dài hơi, bền vững. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng sẽ tăng cường các hoạt động hỗ trợ DN trong nước kết nối giao thương, mở rộng thị trường.

Tăng sức bật cho hàng Việt

Ông Nguyễn Văn Lộc, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh, đánh giá thời gian qua các chương trình kết nối, đưa các sản phẩm địa phương vào các hệ thống siêu thị lớn có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ hỗ trợ mở rộng kênh phân phối mà qua đó còn giúp khẳng định về uy tín chất lượng sản phẩm.

Ngành chức năng khảo sát năng lực cung ứng hàng hóa dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Ảnh: TIỂU MY

Năm 2023, các ngành cần tiếp tục các hoạt động hỗ trợ các DN, cơ sở sản xuất, chủ thể OCOP (mỗi xã một sản phẩm) trong tỉnh nâng cao năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh trên thị trường, mở rộng các kênh phân phối hàng hóa, kết nối sản phẩm địa phương vào các chuỗi cung ứng, bán lẻ hiện đại… Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, tuyên truyền, khảo sát người tiêu dùng về hàng Việt, nâng cao hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”… Đây là động lực rất lớn để cơ sở tập trung nguồn lực đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, không ngừng cải thiện để nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, làm ra nhiều sản phẩm chất lượng cung cấp ra thị trường.

Ông Nguyễn Thành Công, Trưởng ban Chuyển đổi số chợ Thủ Dầu Một, chia sẻ: “Tiểu thương chợ Thủ Dầu Một đã bắt nhịp với xu hướng chuyển đổi số và xem đó là yêu cầu tất yếu, khách quan theo xu thế của thời đại. Việc thúc đẩy chuyển đổi số đã giúp tạo giá trị gia tăng cao đối với sản phẩm, bắt nhịp với xu hướng của người tiêu dùng, nâng cao khả năng cạnh tranh của tiểu thương. Cùng với sự hỗ trợ của ngành chức năng, các DN, cơ sở kinh doanh chủ động tham gia vào các sàn giao dịch thương mại điện tử, sử dụng mô hình bán hàng đa kênh, tích cực cung cấp các dịch vụ bán hàng và thanh toán hiện đại.”

Ông Phạm Thanh Dũng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và phát triển công nghiệp (Sở Công thương), cho biết năm 2023 trung tâm sẽ tiếp tục tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương giữa các tỉnh, thành trong khu vực, tạo cơ hội để các DN địa phương giới thiệu, quảng bá sản phẩm. “Trung tâm sẽ tiếp tục tổ chức, triển khai các hội nghị kết nối cung - cầu, kết nối giao thương; tổ chức các gian hàng chung của tỉnh tại các hội chợ, triển lãm nhằm hỗ trợ DN trong tỉnh quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh cho DN. Đồng thời, chú trọng xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu mạng lưới xúc tiến thương mại, ngành hàng, thị trường; xây dựng nền tảng hội chợ, triển lãm, tạo điều kiện cho DN, cơ sở sản xuất của địa phương trưng bày giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm thông tin, đối tác kinh doanh trên môi trường số”, ông Dũng cho hay.

Ông Phạm Thanh Dũng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và phát triển công nghiệp (Sở Công thương): “Ngành công thương bám sát chương trình xúc tiến thương mại quốc gia và của các địa phương trên cả nước để kịp thời thông tin, hỗ trợ các DN của tỉnh tham gia giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa bằng cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. Nhiều chương trình kết nối cung - cầu lớn được tổ chức thường niên giữa TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành góp phần kết nối trực tiếp cho các DN địa phương với các nhà phân phối, người tiêu dùng, các chuỗi siêu thị… góp phần thúc đẩy thương mại - dịch vụ phát triển”.

TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=794
Quay lên trên