Hiện nay, phần lớn các em học sinh đều rất ít đọc sách. Nhất là khi xã hội phát triển, các kênh thông tin, giải trí xuất hiện ngày càng nhiều thì văn hóa đọc càng có nguy cơ bị mai một. Nhưng các em lại quên đi một điều vô cùng quan trọng rằng: đọc sách không những nâng cao tầm hiểu biết mà nó còn giúp cho cuộc sống của mỗi chúng ta hướng tới cái “chân - thiện - mỹ” hơn, bởi ở trong mỗi tác phẩm văn học chứa đựng một cuộc đời, một xã hội và một nét văn hóa riêng để chúng ta khám phá.
Không thích đọc chỉ vì không thích đọc
Thấy đứa cháu học lớp 7 của mình ngoài giờ học ra, suốt ngày vùi đầu vào tivi và mấy trò chơi điện tử, tôi hỏi nó: “Sao cháu không tìm vài quyển sách cháu thích mà đọc? Nếu ở nhà không có thì đến thư viện của trường mà mượn”. Nó trả lời tỉnh bơ: “Cháu chẳng thấy cuốn sách nào hay cả. Với lại cháu lười đọc lắm, coi tivi cho nhanh cô ạ”. Tôi cố giải thích cho cháu rằng đọc sách có nhiều điều thú vị lắm, sách còn làm cho tâm hồn cháu phong phú hơn và nếu đọc sách nhiều chắc chắn điểm môn văn của cháu sẽ được cải thiện. Nhưng nó vẫn lờ đi và không muốn nghe.
Đọc sách là thói quen tốt cho tất cả mọi người
Không riêng gì cháu tôi, phần lớn trẻ em bây giờ đều không mặn mà gì với sách. Ngoài giờ lên lớp, bọn trẻ còn phải tranh thủ đến các lớp học thêm, Anh văn, vi tính và cả các khóa học năng khiếu nữa... còn chút thời gian ít ỏi, chúng sẽ dành cho tivi và các trò chơi game... vậy nên các em chẳng có cái gì về việc đọc sách cả.
Cô Nguyễn Thị Lý, một giáo viên dạy văn lớp 10 tại Thuận An tâm sự: Ngày trước mình chỉ ao ước có sách hay để đọc, thậm chí không có tiền nên toàn phải đến thư viện hay vào nhà sách để đọc ké đến quên cả ăn. Trong khi hiện nay, bọn trẻ có quá nhiều điều kiện để đến gần với sách thì các em lại không chịu đọc. Nhiều lúc chấm bài của các em, tôi vừa buồn cười vừa bực mình vì vốn từ của các em rất eo hẹp, những tác phẩm hay được các em cảm nhận một cách hời hợt, không sâu sắc. Đó cũng là do các em lười đọc sách”.
Khi được hỏi về thói quen đọc sách của mình hiện nay thì đa số các em đều lắc đầu hoặc trả lời là có đọc nhưng chỉ đọc các loại truyện tranh hay một số tờ báo tuổi teen lắm hình ít chữ và chủ yếu là bài về các ca sĩ này mặc đồ gì, diễn viên nọ để tóc ra sao?... Ngoài ra, nếu có thời gian rảnh thì sẽ lên mạng chơi game online hoặc chat với bạn bè. Chính vì các em ít đọc nên cũng ít đọc được nhiều sách hay là sự khẳng định của nhiều người ở thế hệ đi trước. Nhiều loại sách báo giải trí dễ khiến các em đọc theo kiểu hưởng thụ hơn là suy ngẫm. Chính vì thế, khi tiếp cận với tác phẩm văn học, các em thường thấy nhiều chữ, khó hiểu và ngại đọc.
Em Trần Phương Mỹ Hạnh học sinh lớp 10 trường THPT Nguyễn Trãi cho biết: “Hiện nay trên mạng có quá nhiều thông tin để xem nên em không còn đam mê đọc sách như trước nữa. Em biết đọc sách nhiều, nhất là những tác phẩm nổi tiếng sẽ giúp mình học giỏi Văn hơn nhưng em cũng cố đọc mà đọc không vào vì nó dài quá và nhiều từ ngữ khó hiểu. Hơn nữa em không thích đọc những sách văn học là vì không có thời gian. Cả ngày học trên trường, tối về lại phải đi học thêm Anh văn, vi tính. Nếu có rảnh một chút thì cũng đi chơi với bạn bè, xem truyền hình, hoặc lên mạng cập nhật thông tin”.
Giải pháp lớn từ những hành động nhỏ
Nguyên nhân lười đọc tác phẩm văn học của học sinh hiện nay đã được bàn nhiều. Nhất là khi xã hội phát triển, thì các em càng có nhiều điều kiện để tiếp xúc với các loại hình giải trí hiện đại như: internet, ca nhạc, phim ảnh, game online... thì văn hóa đọc càng có nguy cơ bị mai một. Những điều đó là tất yếu. Thật ra, khi thời đại thông tin ngày một phát triển thì chúng ta càng có nhiều cơ hội được tiếp cận với một khối lượng tri thức khổng lồ. Nhưng đằng sau đó, nó lại tiềm ẩn một nguy cơ làm mai một thói quen đọc vốn có bởi sự lấn át của các phương tiện nghe nhìn đang ngày càng nhiều, ngày càng hấp dẫn.
Làm gì để khơi lại sự đam mê đọc sách của các em? Điều này đã được đưa ra bàn nhiều. Theo các nhà quản lý, các nhà xuất bản, các nhà nghiên cứu văn học thì có trăm nghìn cách khác nhau. Nhưng tôi chỉ kể ra đây một câu chuyện về cách khuyến khích đọc sách của cô giáo dạy cấp 1 của tôi ngày trước. Tôi còn nhớ, tuần nào chúng tôi cũng có tiết kể truyện. Cô giáo tôi quy định, trước khi cô kể cô sẽ gọi bất cứ ai đó lên kể một truyện mình đã đọc trước. Chính vì quy định đó mà đứa nào cũng phải đi tìm những câu chuyện thật hay để kể trước lớp khi cô gọi lên.
Còn phần của cô, mỗi lần kể cô đều chọn những câu chuyện thật hay, thật hấp dẫn mà chúng tôi chưa từng được nghe đâu đó bao giờ. Giọng cô kể rất truyền cảm khiến cho cả lớp chăm chú nghe không một tiếng động nhỏ. Đang đến hồi hấp dẫn, cô kết thúc và nói: “Câu chuyện còn ly kỳ và hấp dẫn lắm, các em muốn biết phần tiếp theo như thế nào thì hãy đến thư viện tìm đọc sẽ rõ, chuyện của cô chỉ kể đến đây thôi”. Suốt cả năm học, chuyện nào cô cũng kể đến phần hấp dẫn ly kỳ thì kết thúc đột ngột khiến cho sự tò mò của cả lớp dâng lên cao độ. Thế là không ai bảo ai, cả lớp đổ xô đi lùng mượn sách, mượn truyện về đọc để biết được cái hậu của câu chuyện. Từ đó trở đi sách, báo, tạp chí là món ăn tinh thần thường xuyên đối với cả lớp chúng tôi.
NGỌC THANH