Dạy nghề đã gắn với tạo việc làm
Đó là Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ vận tải Bảo Tín (nằm trong khu vực ấp Mỹ Hảo, xã Chánh Mỹ). Công ty chuyên sản xuất, kinh doanh nút áo bán trong nước và xuất đi các nước Á - Âu. Tiếp chúng tôi, anh Trần Văn Tâm, Quản lý phân xưởng sản xuất nút áo, giới thiệu từng công đoạn sản xuất để cho ra một thành phẩm hoàn hảo. Anh còn cho biết toàn công ty hiện có 62 người, trong đó có hơn 50% là lao động tại chỗ. Hầu hết công nhân làm việc tại đây đều được học nghề. Tuy nhiên, làm nút áo là nghề đơn giản, nếu người siêng năng, chịu khó thì chỉ học ba ngày là có thể làm được và có lương, với mức lương ban đầu là 1,8 triệu đồng. Từ vỏ ốc, công nhân đang mài giũa thành nút áo thô, công đoạn đầu tiên của thành phẩm nút áo
Từ khi thành lập và đi vào hoạt động, Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ vận tải Bảo Tín đặc biệt quan tâm đến công tác dạy nghề, tạo việc làm cho lao động tại xã Chánh Mỹ. Theo anh Tâm, đây là nhiệm vụ nhằm góp một phần nhỏ cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói chung và nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân nói riêng.
Tiếp xúc với một số công nhân, chúng tôi mới thấy đó là sự thật. Làm việc tại công ty này được 3 năm với nghề kiểm phẩm (nút áo nào còn lỗi thì đưa ra để làm lại cho hoàn thiện), bạn Lê Thị Thanh Tâm, 20 tuổi, nhà ở ấp Mỹ Hảo, nói nghề này không công phu nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ. Muốn trụ được với nghề phải có ý chí. Và chính ý chí đó giúp Tâm không những ổn định với nghề, mà từ nghề, Tâm vượt khó vươn lên. Tâm khoe mỗi ngày, ngoài giờ đi làm, vào các buổi tối, Tâm còn tranh thủ học và tốt nghiệp bổ túc văn hóa. Hiện tại, Tâm đang là sinh viên lớp trung cấp kế toán doanh nghiệp tại trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương.
Hay bạn Trương Thị Lý, công nhân mài nút áo cũng có thu nhập ổn định như Tâm (từ 3 - 4 triệu đồng/tháng). Lý đã có gia đình nên công việc này rất phù hợp. Lý nói ngày hai buổi đi làm (trừ khi tăng ca), nhờ nhà ở gần nên Lý vẫn còn thời gian chăm lo con cái và gia đình. Không chỉ có làm việc, hàng năm, Ban Giám đốc công ty cũng tạo điều kiện cho công nhân đi tham quan du lịch nhằm giảm bớt căng thẳng sau một năm làm việc mệt nhọc. Ngoài ra, công ty còn tổ chức sinh hoạt vui chơi và chi tiền ăn cho anh em khi có tăng ca… So với các địa phương khác, Chánh Mỹ là xã có rất ít công ty, xí nghiệp bởi đang bắt đầu đô thị hóa. Tuy nhiên, bằng các hình thức, Chánh Mỹ đã gắn dạy nghề với tạo việc làm cho người dân nơi đây. Cụ thể là bên cạnh Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ vận tải Bảo Tín, Công ty TNHH Gomo Việt Nam (nằm tại ấp Chánh Lộc) chuyên sản xuất gỗ cũng là đơn vị điển hình về giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương.
Chính quyền liên kết với doanh nghiệp tạo việc làm
Ngoài 2 công ty lớn đóng trên địa bàn, Chánh Mỹ hiện có 27 cơ sở tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, hàn sắt… Theo ông Vương Thanh Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã, các cơ sở này phát triển rất tốt, đóng góp vào việc đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động phổ thông. Trong 1.236 lao động có độ tuổi từ 15 - 60, đến nay toàn xã đã có 869 lao động có việc làm ổn định.
Không chỉ dạy nghề gắn với tạo việc làm, Chánh Mỹ còn đẩy mạnh liên kết với các Quỹ CEP thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh, Ngân hàng Chính sách xã hội và các nguồn vốn hỗ trợ khác giúp người dân vay vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh theo ngành nghề thích hợp. Trao đổi với chúng tôi, ông Bảo cho biết thêm từ đầu năm đến nay, toàn xã đã có trên 300 hộ nghèo và cận nghèo được vay vốn Quỹ CEP, đó là chưa kể đến số hộ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội. Hầu hết số hộ được vay sử dụng đúng mục đích, có hộ thì vay vốn để cho con học nghề, có hộ vay vốn để chuyển nghề, có hộ vay vốn để buôn bán nhỏ… Nhờ vậy tính đến cuối tháng 9, toàn xã chỉ còn 43 hộ nghèo theo tiêu chí mới của tỉnh, chiếm tỷ lệ 1,76% và phấn đấu đến cuối năm, chỉ còn 7 hộ nghèo, chiếm 0,29%.
Dù thế, Chánh Mỹ vẫn chưa bằng lòng với kết quả hiện tại. Bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết, Chủ tịch UBND xã Chánh Mỹ, cho biết hầu hết lao động có việc làm chỉ là lao động phổ thông. Chính vì thế, Chánh Mỹ đã xây dựng Kế hoạch dạy nghề rất rõ ràng. Bà Tuyết nhấn mạnh: “Kế hoạch dạy nghề này dành cho lao động thuộc diện được hưởng chính sách và các lao động nông thôn chưa qua đào tạo nghề. Dự kiến đến năm 2014 sẽ triển khai thực hiện. Nói cụ thể hơn, đối tượng là lao động thuộc diện chính sách ưu đãi, người có công cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo, dân tộc thiểu số, người tàn tật, người thuộc diện trong vùng quy hoạch trong độ tuổi lao động, bộ đội xuất ngũ có trình độ học vấn và sức khỏe phù hợp với nghề cần học…”. Bà cũng cho biết các ngành nghề đào tạo tập trung vào nghề may gia dụng, cắt uốn tóc, sửa chữa xe gắn máy, kỹ thuật chăn nuôi, thú y, kỹ thuật trồng nấm…
“Với kế hoạch này, Chánh Mỹ cũng đang phối hợp tăng cường rà soát số lao động trong độ tuổi, phân chia đối tượng, trình độ văn hóa, nhu cầu nghề… đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền để thu hút đông đảo lao động đến các cơ sở, trường đào tạo nghề theo nhu cầu thị trường lao động hiện nay. Có như vậy, nghề với việc làm sẽ gắn kết, tiến trình phát triển đô thị hóa mới vững chắc hơn”, bà Tuyết khẳng định.
TRỊNH HOÀNG