Phát triển khoa học - công nghệ, chuyển đổi số:

Tạo xung lực mới, sẵn sàng bứt phá - Kỳ 3

Thứ sáu, ngày 21/02/2025
Theo dõi Báo Bình Dương trên

Kỳ 3: Hướng đến trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo hàng đầu

Thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia và Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bình Dương kỳ vọng sẽ tạo ra xung lực mới, nâng cao hơn nữa vị thế, trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo hàng đầu của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Tiên phong chuyển đổi số

Bình Dương đang trở thành một hình mẫu tiêu biểu trong công cuộc chuyển đổi số (CĐS) của Việt Nam, nổi bật trong việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp. Bình Dương không chỉ tập trung đầu tư mạnh mẽ vào các dự án công nghệ mà còn tạo dựng một môi trường thuận lợi và sáng tạo để hỗ trợ sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp trong khu vực. Trong hành trình CĐS, Bình Dương đang khẳng định được vai trò tiên phong, không chỉ thúc đẩy nền kinh tế của tỉnh phát triển mà còn đóng góp lớn vào sự phát triển chung của nền kinh tế số quốc gia.

Bình Dương đã và đang tích cực triển khai xây dựng thành phố thông minh - vùng đổi mới sáng tạo (ĐMST), góp phần định vị là một trong những tỉnh, thành tiên phong thúc đẩy ĐMST và khởi nghiệp. Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết Bình Dương đang phấn đấu trở thành một trong những tỉnh, thành đi đầu trong phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ số, các ngành dịch vụ chất lượng cao, với định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn 2045 phát triển hệ sinh thái đô thị - công nghiệp thông minh, trong đó kinh tế số, CĐS, đổi mới sáng tạo đóng vai trò nòng cốt. Hiện Bình Dương đang tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận và tương tác với hệ sinh thái ĐMST năng động của quốc gia và khu vực nhằm thúc đẩy ĐMST, CĐS, ứng dụng công nghệ, nâng cao hoạt động của doanh nghiệp; kết nối hệ sinh thái ĐMST của tỉnh với hệ sinh thái quốc gia và quốc tế, nâng cao năng lực cho hệ sinh thái ĐMST của tỉnh.

Việc ký kết hợp tác giữa Tổng Công ty Becamex IDC, Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore và Đại học Quốc gia Singapore được kỳ vọng sẽ tác động mạnh mẽ vào sự phát triển khoa học - công nghệ, ĐMST của Bình Dương

Bên cạnh đó, Bình Dương đang đẩy mạnh phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, hình thành khu công nghệ thông tin tập trung, trung tâm dữ liệu, thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm điện tử, chip bán dẫn, các sản phẩm internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn...; hướng tới hình thành vùng động lực công nghiệp công nghệ thông tin của 3 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, nhằm thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm điện, điện tử, IoT... phục vụ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và CĐS tại Việt Nam.

Đột phá nguồn nhân lực chất lượng cao

Bình Dương hướng tới trở thành một trung tâm về nghiên cứu và phát triển khoa học - công nghệ, ĐMST. Nguồn nhân lực chất lượng cao đã trở thành một trong những yếu tố then chốt trong quá trình xây dựng vùng ĐMST Bình Dương. Trong đó, mô hình liên kết “ba nhà” (Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp) đóng vai trò quan trọng để tạo đột phá cho nguồn nhân lực, mở đường cho sự phát triển trong tương lai của tỉnh nhà. Các trường đại học trên địa bàn tỉnh đã tích cực kết hợp đào tạo với nghiên cứu khoa học, ứng dụng vào thực tiễn. Nhiều trường đã xây dựng các vườn ươm khởi nghiệp, ĐMST và các phòng thí nghiệm hiện đại, giúp sinh viên có thể thực hiện các dự án nghiên cứu và khởi nghiệp ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Song song đó, các trường đại học đã và đang đẩy mạnh hợp tác liên kết với các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.

Ông John Jung, Chủ tịch Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF): Bình Dương đã và đang tập trung cho ĐMST, chuyển đổi sang công nghiệp hiện đại có giá trị gia tăng cao. Đây chính là định hướng cho sự phát triển thông minh, bền vững trong thời gian tới. Bình Dương đang xây dựng nền tảng, xây dựng con người trí tuệ, tạo nên văn hóa về ĐMST…

Trong chiến lược phát triển thành phố thông minh của Bình Dương, Tổng Công ty Becamex IDC đóng vai trò đầu tàu trong việc xây dựng một hệ sinh thái ĐMST, tạo nền tảng hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển dựa trên ĐMST và khoa học - công nghệ, trong đó trường Đại học quốc tế Miền Đông (EIU) là thành tố nòng cốt, là trung tâm đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ. Tiến sĩ Ngô Minh Đức, Hiệu trưởng EIU, cho biết trong những năm qua nhà trường đã đầu tư hình thành hệ sinh thái ĐMST, thúc đẩy ứng dụng công nghiệp 4.0, kết nối và xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp như Công ty Liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore, các tập đoàn quốc tế như Bonfiglioli, Omron, Ecco. Trung tâm ĐMST của trường cũng là nơi giúp cộng đồng doanh nghiệp kết nối với sinh viên, qua đó thúc đẩy hoạt động tuyển dụng nhân sự.

Theo ông Nguyễn Trọng Luật, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Cicor Việt Nam (Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore I), thời gian qua công ty đã tạo nên một trung tâm kỹ sư, với đội ngũ kỹ sư trẻ, làm việc nhiệt tình. Để đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao, công ty đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các trường đại học. Nhờ đó, công ty đã tăng doanh thu, tăng lợi nhuận, tăng nhân viên, tạo thêm nguồn chất xám không chỉ đáp ứng nhu cầu lao động tay nghề cao cho công ty mà còn cung cấp lực lượng nhân lực chất lượng cao cho các công ty khác.

Bình Dương đang triển khai các bước để xây dựng Trung tâm công nghệ thông tin tập trung và Trung tâm công nghệ với diện tích 220 ha tại thành phố mới Bình Dương và các khu công nghiệp khoa học - công nghệ khác. Với tầm nhìn trở thành trung tâm ĐMST hàng đầu của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bình Dương hứa hẹn sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn các doanh nghiệp công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn.

Đáng chú ý, sự kiện Tổng Công ty Becamex IDC, Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore và Đại học Quốc gia Singapore (NUS) tiến hành ký kết ba biên bản ghi nhớ hợp tác thúc đẩy CĐS và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao được kỳ vọng sẽ tác động mạnh mẽ vào các hoạt động phát triển khoa học - công nghệ, ĐMST trong các lĩnh vực chiến lược mà Bình Dương đang ưu tiên phát triển trong giai đoạn tiếp theo. Biên bản ghi nhớ hợp tác sẽ được thực hiện với các hoạt động hợp tác hướng đến kiến tạo nền tảng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu phát triển, ĐMST và khởi nghiệp nhằm thúc đẩy phát triển hệ sinh thái công nghiệp và dịch vụ công nghệ cao tại Bình Dương nói riêng, Việt Nam nói chung thông qua hệ thống các khu công nghiệp và đô thị của Tổng Công ty Becamex và Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Becamex IDC, chia sẻ quan hệ đối tác chiến lược giữa Becamex IDC với NUS đánh dấu một cột mốc quan trọng trong việc tăng cường mối quan hệ giữa Bình Dương và Singapore, thúc đẩy hợp tác dài hạn trong lĩnh vực năng lực số, nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ và phát triển nguồn nhân lực. Đây là những yếu tố thiết yếu để hiện thực hóa tầm nhìn và định hướng phát triển của tỉnh trong tương lai.

Bình Dương đang từng bước xây dựng nền tảng vững chắc, thực hiện nhiều chiến lược và giải pháp đồng bộ trong việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ mới nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, quản lý của doanh nghiệp, thúc đẩy tăng năng suất lao động, đồng thời đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. 

PHƯƠNG LÊ